Với tâm lý chung là các bài thuốc thiên nhiên lành tính, ít độc hại, con sẽ không phải dùng thuốc Tây nên nhiều mẹ đã nghĩ ngay đến việc áp dụng chúng để chữa ho cho con, để rồi bệnh không khỏi lại khiến con thêm đau đớn.
Lời cảnh tỉnh các mẹ khi chữa ho cho con bằng bài thuốc lan truyền trên mạng
Mới đây, trên mạng xã hội lan truyền câu chuyện của người mẹ trẻ Kim Chi (sống ở thành phố Vinh, Nghệ An) đã khiến con nhỏ mới hơn 2 tháng tuổi bị phồng rộp cả lòng bàn chân vì làm theo 1 bài thuốc chữa ho trên mạng đó là dùng tỏi giã ra đắp vào chân con để qua đêm. Qua câu chuyện của mình, chị Kim Chi đã vô cùng hối hận vì bệnh con không khỏi lại khiến con thêm đau đớn. Chị cũng rút ra bài học kinh nghiệm đó là không bao giờ học theo các bài thuốc trên mạng nữa, đồng thời cũng nhắn nhủ các mẹ khác khi có con ốm, tốt nhất nên đưa con đi bác sĩ để thăm khám.
Câu chuyện của chị Kim Chi đã khiến rất nhiều mẹ đang nuôi con nhỏ thức tỉnh bởi họ cũng từng áp dụng các bài thuốc trị sổ mũi chữa ho cho con có thành phần từ các nguyên liệu tự nhiên. Với tâm lý chung sợ con dùng thuốc Tây sớm sẽ có hại, nên khi con ốm, nhất là các bé sơ sinh, việc đầu tiên các mẹ nghĩ tới đó là tìm hiểu về các bài thuốc truyền miệng, sử dụng nguyên liệu từ các loại lá hay thực phẩm có nguồn gốc thiên nhiên.
Thêm vào đó, trong điều kiện thời tiết miền Bắc chuyển lạnh như hiện nay, việc trẻ nhỏ bị ho, sổ mũi, nghẹt mũi rất phổ biến. Do đó, những bài thuốc thiên nhiên chữa bệnh đường hô hấp càng được các mẹ tin dùng, trong đó có bài thuốc dùng tỏi đắp vào lòng bàn chân con được các mẹ mách nhau trong khắp các hội nhóm.
Xung quanh bài thuốc này, đã có nhiều cách áp dụng "biến tướng" đi trong quá trình lan truyền trên mạng. Có mẹ dùng tỏi tươi đắp trực tiếp vào lòng bàn chân con, có mẹ lại giã tỏi ra vì cho rằng như thế nước ép tỏi sẽ phát huy tác dụng tốt nhất, có mẹ lại dùng tỏi nướng lên rồi đắp vào chân trẻ… Và cũng không ít mẹ đã phải hối hận như người mẹ trẻ Kim Chi kể trên khi khiến con bị bỏng tỏi vì áp dụng bài thuốc chữa ho bằng tỏi này.
Tỏi có tính nóng, có thể gây bỏng cho trẻ sơ sinh
Đại tá, Lương y Bùi Hồng Minh, Phó Chủ tịch Hội Đông y Ba Đình (Hà Nội) cho biết, theo y học cổ truyền, tỏi là một trong những vị thuốc nam chữa ho rất hiệu quả, đặc biệt trong trường hợp ho do nhiễm lạnh (phong hàn). Y học hiện đại cũng đã chứng minh tỏi có tính kháng khuẩn và chống nấm giúp tăng cường miễn dịch cho cơ thể.
Theo Lương y Bùi Hồng Minh: "Tỏi có tính nóng, vì vậy tuyệt đối không nên dùng cho trẻ sơ sinh bởi da trẻ sơ sinh rất mỏng manh, việc dùng tỏi giã dập buộc đắp vào chân để qua đêm có thể gây bỏng da cho trẻ. Khi trẻ bị bỏng da do tính nóng của tỏi gây nên, nếu không được điều trị đúng cách có thể gây ra nhiễm trùng".
Lương y Bùi Hồng Minh khuyên rằng thời tiết chuyển lạnh, để tránh trẻ bị viêm đường hô hấp trên, bố mẹ cần giữ ấm cho trẻ: "Thay vì đắp tỏi vào chân trẻ để giúp trẻ hết ho, cách đơn giản hơn rất nhiều là giữ ấm tay, chân, đầu, cổ, ngực cho trẻ sơ sinh".
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Nguyên Trưởng Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: "Thời tiết chuyển lạnh, độ ẩm không khí cao, ít ánh sáng là điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn, virus có điều kiện phát triển, vì thế cơ thể dễ bị bệnh. Trẻ không được chăm sóc tốt rất dễ mắc các bệnh đường hô hấp trên do hệ miễn dịch chưa hoàn thiện.
Đối với trẻ sơ sinh, tuyệt đối không tự ý chữa ho theo những mẹo lan truyền trên mạng sẽ rất nguy hiểm. Hầu hết các mẹ chia sẻ trên mạng 10 mẹo thì có tới 9 mẹo không đúng, áp dụng sẽ nguy hiểm.
Trẻ sơ sinh nếu bị sổ mũi mà không sốt, nên giữ ấm tốt và cho trẻ bú nhiều lần. Trường hợp trẻ sốt, bỏ ăn cần phải đưa trẻ đi khám ngay.
Với trẻ lớn hơn, để phòng bệnh viêm đường hô hấp cho trẻ nhỏ, cần lưu ý mặc đủ ấm, ăn thức ăn giàu >dinh dưỡng, chú ý vệ sinh cá nhân. Cần lưu ý tiêm phòng đầy đủ vắc xin cho trẻ và khi trẻ ốm, cần đưa trẻ đi khám để tránh biến chứng".