Hiện nay vắc xin phòng ngừa ung thư cổ tử cung chưa được tiêm phổ biến như các loại vắc xin khác vì đại đa số mọi người chưa ý thức được sự nguy hiểm của căn bệnh hiểm nghèo này.

06:00 15/12/2020

Ung thư cổ tử cung là một trong những căn bệnh hiểm nghèo phổ biến ở phụ nữ. Tuy nhiên, căn bệnh này cũng như việc tiêm phòng vắc xin ngừa >ung thư cổ tử cung lại ít được quan tâm hơn các bệnh khác, thường chỉ người phát bệnh ra mới thực sự để ý đến nó.

Thêm một lý do nữa khiến chưa nhiều người chủ động tiêm ngừa vắc xin ung thư cổ tử cung là bán tin bán nghi về hiệu quả của vắc xin, vì trước giờ chưa từng nghe nói ung thư có thể chích ngừa được. Giải thích điều này, bác sĩ Nhi khoa Trương Hoàng Hưng (hiện đang làm việc tại Texas, Hoa Kỳ) cho biết: "HPV là virus rất dễ lây nhiễm qua tiếp xúc bên ngoài, gây mụn cóc, sùi mào gà ở cơ quan sinh dục. Trong quá trình này HPV gây thay đổi cấu trúc tế bào ở vùng bị nhiễm, tạo ra những tế bào bị lỗi, đó là tế bào ung thư. Cho nên chích ngừa HPV sẽ phòng ngừa nhiễm loại virus này và không nhiễm thì sẽ giảm khả năng bị ung thư".

Theo thống kê của trung tâm HPV Information Centre, cứ 4 phút trôi qua lại có 1 người chết vì ung thư cổ tử cung. Mỗi ngày tại Việt Nam có thêm 14 ca mắc mới và 7 phụ nữ tử vong do ung thư cổ tử cung.

Nguyên nhân gây bệnh ung thư cổ tử cung ở nữ giới là do virus HPV, lây nhiễm qua nhiều đường như tiếp xúc da, qua miệng, hậu môn hoặc bộ phận sinh dục.

Ngoài ra, virus HPV còn có thể lây truyền không qua đường tình dục như dụng cụ cắt móng tay, kim bấm sinh thiết, đồ lót…

Cứ 4 phút trôi qua lại có 1 người chết vì ung thư cổ tử cung (Ảnh minh họa).

HPV cũng có thể lây truyền dọc từ mẹ sang con trong lúc sinh và gây ra đa bướu gai đường hô hấp cho trẻ sơ sinh.

Hiện nay chưa có thuốc đặc trị ung thư cổ tử cung nên quá trình điều trị bệnh phức tạp và không mang lại hiệu quả cao. Tuy nhiên, các bé gái và chị em phụ nữ có thể tiêm vắc xin phòng ung thư cổ tử cung để phòng bệnh. Theo các nghiên cứu, đây là biện pháp phòng bệnh ung thư cổ tử cung có thể làm giảm 70% nguy cơ mắc bệnh. Bác sĩ khuyến cáo trẻ em trong độ tuổi 9-26 tuổi nên tiêm vắc xin phòng ngừa ung thư cổ tử cung để đảm bảo trẻ được bảo vệ trước khi phơi nhiễm loại virus này.

Vắc xin ngừa ung thư cổ tử cung có mấy loại, lịch tiêm như thế nào?

Hiện nay, tại Việt Nam, vắc xin phòng ngừa ung thư cổ tử cung có 2 loại là vắc xin Cervarix và vắc xin Gardasil, được chỉ định tiêm cho nữ giới trong độ tuổi 9 - 26 tuổi, bất kể đã quan hệ tình dục hay chưa. Các chuyên gia khuyến cáo nên tiêm cho trẻ càng sớm càng tốt, vắc xin có hiệu quả trên 30 năm.

1. Vắc xin Cervarix (Bỉ)

- Có khả năng phòng ngừa virus HPV tuýp 16, 18.

- Đối tượng tiêm: Nữ giới từ 10 - 25 tuổi.

- Lịch tiêm: Tiêm 3 mũi:

Mũi đầu: Ngày đầu tiên tiêm.

Mũi số 2: Cách mũi đầu 1 tháng.

Mũi số 3: Cách mũi đầu 6 tháng.

Giá tham khảo: 950.000 đồng/mũi.

2. Vắc xin Gardasil (Mĩ)

- Có khả năng phòng ngừa virus HPV tuýp 6, 11, 16, 18.

- Đối tượng tiêm: Nữ giới từ 9 - 26 tuổi.

- Lịch tiêm: Tiêm 3 mũi

 

Mũi đầu: Ngày đầu tiêm.

Mũi số 2: Cách mũi đầu 2 tháng.

Mũi số 3: Cách mũi đầu 6 tháng.

Giá tham khảo: 1.790.000 đồng/mũi.

So với vắc xin Cevarix, vắc xin Gardasil có khả năng phòng ngừa tốt hơn. Ngoài tác dụng ngăn ngừa ung thư cổ tử cung, nó còn có khả năng ngăn ngừa 1 số bệnh lý liên quan tới cơ quan sinh dục do virus HPV gây ra như ung thư âm hộ và âm đạo; ung thư biểu mô tuyến cổ tử cung... Do đó, giá thành vắc xin Gardasil cao hơn hẳn. Tùy thuộc vào điều kiện, bố mẹ có thể lựa chọn tiêm cho con loại vắc xin phù hợp.

Vắc xin ngừa ung thư cổ tử cung có thể tiêm trong độ tuổi từ 9 - 26 tuổi, nhưng các bố mẹ có con gái nên đưa trẻ đi tiêm càng sớm càng tốt để đạt được hiệu quả phòng ngừa tốt nhất (Ảnh minh họa).

Một số lưu ý khi tiêm vắc xin ngừa ung thư cổ tử cung

- Trước khi tiêm, nên khám phụ khoa và làm các xét nghiệm sàng lọc >sức khỏe. Trường hợp chưa quan hệ tình dục và không có phản ứng với bất cứ thành phần nào của vắc xin thì không cần làm xét nghiệm.

- Trường hợp đã quan hệ tình dục nhưng vẫn trong độ tuổi 9 - 26 tuổi thì vẫn có thể tiêm vắc xin nhưng hiệu quả không được tốt nhất.

- Nếu muộn so với lịch tiêm, bổ sung ngay mũi tiếp theo sớm nhất có thể. Không nhất thiết phải tiêm lại từ đầu.

Theo BN/ Tổ Quốc