Nguyên tắc chính để xác định trẻ chậm biết đi là thời gian. Nếu đến 18 tháng tuổi, độ tuổi trung bình của một đứa trẻ biết đi, nhưng trẻ lại không đi được thì gọi là chậm đi.

13:40 14/02/2020

Trẻ chậm biết đi là như thế nào?

Thông thường, trẻ bắt đầu tập đi ở độ tuổi 12 – 14 tháng. Tuy nhiên, tùy thuộc vào thể trạng của từng bé mà thời gian này có thể xê dịch trong khoảng từ tháng thứ 10 tới tháng thứ 18. Điều kiện để trẻ biết đi bao gồm: Khung xương đủ cứng cáp, hệ thống thần kinh và các cơ bắp phát triển bình thường.

Trẻ bắt đầu tập đi ở độ tuổi 12 – 14 tháng - Ảnh minh họa: Internet

Nhiều bà mẹ thắc mắc tại sao bé 12 tháng tuổi chưa biết đi. Tuy nhiên, chính xác nhất là nếu trẻ 18 tháng chưa biết đi thì mới được chẩn đoán là >trẻ chậm biết đi. Khi gặp tình trạng này, bé vẫn chưa đi một cách ổn định, cần phải nhờ tới sự trợ giúp của người lớn. Kỹ năng vận động kém ở bé có thể đến từ nhiều nguyên nhân khác nhau.

Nguyên nhân trẻ chậm đi

Những nguyên nhân làm trẻ 15 tháng tuổi chưa biết đi bao gồm:

Bẩm sinh

Đây là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất khiến trẻ chậm biết đi và cũng không phải do bất kỳ vấn đề >sức khỏe nào cả. Nếu bố hoặc mẹ của bé bị chậm đi từ lúc còn thơ ấu thì em bé có khả năng bị chậm đi.

Đây thường là do rối loạn tâm lý như quá nhút nhát, sợ ngã đau nên đã kéo chậm thời điểm tập đi của trẻ. Các bậc phụ huynh có thể an tâm là trẻ sẽ đạt được tất cả các cột mốc quan trọng, các kỹ năng khác, chỉ là muộn hơn một chút so với bạn bè đồng trang lứa.

Sinh non

Một nguyên nhân phổ biến nhất khiến trẻ chậm biết đi chính là bé bị sinh non. Trẻ sinh non thiệt thòi hơn so với những bé được sinh đủ tháng vì mọi cơ quan trong cơ thể còn chưa phát triển toàn diện, trong đó có hệ vận động.

Nếu trẻ 18 tháng chưa biết đi thì mới được chẩn đoán là trẻ chậm biết đi - Ảnh minh họa: Internet

Với một cơ thể yếu ớt, bé khó có thể trụ vững, biết đi sớm như các bé cùng tháng tuổi. Tất nhiên, không phải em bé sinh non nào cũng chậm đi. Tình trạng chậm biết đi tùy thuộc vào mức độ sinh non, số tháng của bé nằm trong tử cung mẹ trước khi chào đời.

Gặp vấn đề về xương khớp, cơ bắp

Có một số ít trường hợp trẻ chậm trễ trong các kỹ năng vận động như đi lại, cầm, kéo, ném, nâng đỡ đồ vật... nguyên nhân là do cơ bắp hoặc cấu trúc cơ thể của bé gặp phải những bệnh lý bất thường, khiến trương lực cơ yếu như chứng loạn dưỡng cơ, dị tật một đoạn xương chân nào đó (đặc biệt là đoạn khớp với xương hông), chứng teo cơ bắp chân, suy nhược cơ hay một số bệnh về cơ bắp khác.

Những rối loạn này đặc biệt hay gặp ở tay và chân. Đặc điểm nhận dạng của những em bé mắc các chứng bệnh trên là chân tay rất bé, yếu ớt, không có các vận động phản xạ liên tục và không có các vận động tự phát. Do đó, em bé thường không thể biết đi đúng thời điểm như các bé khỏe mạnh khác.

Bại não và các rối loạn khác của não bộ

Trẻ bại não có thể chậm đi hoặc không thể đi được - Ảnh minh họa: Internet

Tình trạng bại não ở trẻ xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau. Có thể bé bị rối loạn chức năng não bẩm sinh, đột biến não từ trong bào thai hoặc rối loạn nhiễm sắc thể (như các hội chứng Down, Tay-Sachs, Prader-Willi, Williams...) hoặc di chứng do thủ thuật can thiệp lúc sinh (như thủ thuật Forcep) hay viêm não – màng não, động kinh ở thời điểm trước khi biết đi, mắc bệnh não úng thủy...

Những nguyên nhân này khiến não bộ của trẻ không phát triển đầy đủ, nhất là vùng kiểm soát vận động. Khi trung tâm cao cấp nhất của hệ vận động không hoàn thiện, bé sẽ chậm biết đi hay thậm chí là không đi được.

Sức khỏe của mẹ khi mang thai không đảm bảo

Trong giai đoạn mang thai, mẹ không đảm bảo chế độ >dinh dưỡng sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến sự phát triển của con sau khi chào đời. Mẹ bầu ăn uống không đủ chất khiến bào thai cũng bị suy dinh dưỡng, trẻ sinh ra cũng chậm phát triển hơn, kể cả chậm biết đi.

Bế con quá nhiều

Không nên thường xuyên bế con - Ảnh minh họa: Internet

Nhiều ông bố bà mẹ sợ con nghịch ngợm, lo con tự đi sẽ ngã đau nên thường xuyên bế con và điều này khiến con phụ thuộc nhiều vào người lớn, hay đòi bế, không muốn tự đi… Bố mẹ nên hiểu rằng, bất kỳ việc gì lặp đi lặp lại thường xuyên đều hình thành thói quen đối với con.

Thiếu các vitamin cần thiết

Chế độ dinh dưỡng đóng vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của bé. Việc thiếu hụt bất kỳ dưỡng chất nào đều có thể là nguyên nhân dẫn đến một triệu chứng nào đó. Để bé tự bước đi được thì bộ xương bé cần phải cứng cáp để nâng đỡ cơ thể. Nếu mẹ không bổ sung đầy đủ các vitamin, khoáng chất cần thiết cho hệ xương như vitamin D, canxi, sắt, choline… bé sẽ dễ mắc chứng chậm biết đi.

Hướng dẫn trẻ chậm đi như thế nào?

Có nhiều cách để thúc đẩy bé biết đi đúng thời hạn, ví dụ như can thiệp dinh dưỡng, sử dụng thuốc hỗ trợ để bổ sung các vi chất và muối khoáng... Tuy nhiên, cần xác định nguyên nhân khiến trẻ chậm đi và tìm cách khắc phục nguyên nhân đó. Dưới đây là một số cách dạy trẻ chậm biết đi do thiếu sự vận động.

Kích thích trẻ vận động

Ba mẹ cần sử dụng món đồ chơi mà bé yêu thích để kích thích sự vận động của trẻ - Ảnh minh họa: Internet

Cách dạy trẻ chậm biết đi bằng cách để đồ chơi ở ngoài tầm với của trẻ, sẽ kích thích sự vận động của trẻ. Ba mẹ cần sử dụng món đồ chơi mà bé yêu thích. Nếu có thể, ba mẹ nên lựa chọn những đồ chơi, vật dụng được làm bằng chất liệu gỗ để đảm bảo an toàn đối với trẻ, vì chúng không vỡ và không gây chấn thương.

Ban đầu, ba mẹ hãy đưa bé đến một sàn rộng, sau đó để đồ chơi ra xa tầm với của bé. Để lấy được món đồ chơi mà bé thích thì bé phải với, trườn, bò. Đó là cách dạy trẻ chậm biết đi. Tuy nhiên, ba mẹ cũng không nên để đồ chơi xa quá sẽ khiến bé nản.

Tạo không gian để bé tập đi

Nếu được, cha mẹ hãy bố trí một khu vực đủ rộng và an toàn để bé có thể tập đi. Muốn >trẻ tập đi được, phải có không gian để trẻ tập bò và vận động.

Với cách dạy trẻ chậm biết đi này, cha mẹ có thể bố trí thêm các điểm tựa cho bé như thành ghế, bàn hoặc thành giường, tay vịn ở trên tường, tuy nhiên cần đảm bảo an toàn cho bé và có tác dụng kích thích bé tập đi. Khi đó, bé sẽ tự tin hơn trong việc tập đi, nhất là với những bé hơi nhút nhát.

Nâng đỡ bé

Ba mẹ cần phải kích thích và nâng đỡ bé để giúp bé tập đi - Ảnh minh họa: Internet

Ba mẹ cần phải kích thích và nâng đỡ bé để giúp bé tập đi. Nâng đỡ tức là khi bé cố gắng tập một động tác nào đó thì ba mẹ có thể hỗ trợ để giúp bé thực hiện thành công và khiến bé thấy việc tập vận động là rất thú vị.

Để trẻ ở gần những trẻ cùng trang lứa khác

Để trẻ ở gần với những trẻ có khả năng phát triển vận động tương tự hoặc hơn bé sẽ lôi cuốn và kích thích trẻ làm theo. Đây cũng là một trong những cách dạy trẻ chậm biết đi, tuy nhiên, cần tránh để trẻ vào nhóm chênh lệch sự vận động vì có thể không có tác dụng kích thích trẻ.

Nắn tay, chân cho trẻ

Thường xuyên thực hiện các động tác nắn chân và nắn tay cho bé. Khi nắn thì chân tay duỗi thẳng ra, bố mẹ hoặc người thân vừa nắn và vừa trò chuyện với bé, làm cho em bé vừa cảm thấy thoải mái, vừa có thể học ngôn ngữ và vừa có ích cho sự vận động của bé. Việc nắn tay chân sẽ giúp tăng lưu lượng máu tuần hoàn đến các cơ và làm tăng khả năng phản xạ của gân xương.

Những can thiệp khác đối với trẻ chậm biết điPhơi nắng để bé hấp thụ vitamin D

Mỗi ngày, mẹ cũng nên dành ra 30-40 phút để phơi nắng cho bé vào lúc 4-8 giờ sáng hoặc 4-5 giờ chiều. Nắng thời điểm này rất tốt, giúp con hấp thụ vitamin D hỗ trợ hệ xương chắc khỏe.

Cung cấp dinh dưỡng đầy đủ

Bên cạnh đó, mẹ cũng cần đảm bảo chế độ dinh dưỡng cho bé với đầy đủ các loại khoáng chất, không thừa hay thiếu những thành phần quan trọng. Những loại thực phẩm như: Sữa, các sản phẩm từ sữa, các loại hạt… với hàm lượng canxi cũng như các loại vitamin quan trọng cao sẽ có tác dụng rất lớn trong việc tăng cường sức khỏe xương khớp, giúp con đi lại dễ dàng hơn.

Hy vọng rằng qua bài viết này, bạn đã hiểu hơn về những nguyên nhân khiến trẻ chậm biết đi cũng như cách khắc phục để cải thiện tình hình của con. Bố mẹ nào cũng mong muốn được ôm con, che chở con nhưng để con phát triển toàn diện thì cần phải tập cho trẻ tự đi trên đôi chân của mình.

Theo Dược sĩ Đỗ Mai Thảo/ Phụ nữ Sức khỏe