Thấy thời tiết nắng nóng, nhiều gia đình có thói quen cho trẻ sơ sinh uống thêm nước sau các cữ bú để bé đỡ khát. Việc này nghe có vẻ hợp lý nhưng lại có hại cho các bé.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hiện nay, khu vực Bắc bộ và Bắc Trung bộ đang có đợt nắng nóng gay gắt kéo dài với mức nền nhiệt độ cao nhất phổ biến là từ 37 – 40 độ, thậm chí có nơi 41 – 42 độ C.
Trong không khí nắng nóng như thế này, uống đủ nước là việc rất quan trọng, nó giúp cơ thể chúng ta không bị mất nước, từ đó tránh được hiện tượng say nắng. Song, các chuyên gia lên tiếng cảnh báo rằng trẻ dưới 6 tháng tuổi được bú mẹ hoàn toàn không cần tráng miệng bằng nước lọc hay uống thêm nước khi thời tiết nắng nóng. Bởi nước có thể làm mất sự cân bằng nước trong cơ thể của em bé, thậm chí trẻ nhỏ uống nhiều nước còn có thể tử vong.
Lý giải về vấn đề này, dược sĩ Abbas Kanani – công tác tại công ty dược phẩm Chemist Click (Anh) nói: "Thận của trẻ dưới 6 tháng tuổi còn quá non nớt và nước có thể gây nhiễm độc do nó làm mất cân bằng điện giải của natri. Điều này gây là hiện tượng hạ natri máu. Hiểu nôm na là nước có thể làm loãng nồng độ natri trong cơ thể của trẻ, dẫn đến tình trạng trẻ sơ sinh gặp phải các biến chứng như sưng não, co giật, thậm chí là tử vong.
Không chỉ có vậy, dạ dày của trẻ còn rất bé và nếu cha mẹ cho con uống nước nhiều sẽ khiến con bị no nước và không còn thiết bú sữa nữa. Từ đó, trẻ rất dễ bị suy >dinh dưỡng do không nhận được đủ chất".
Bác sĩ Nguyễn Thanh Sang (Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố, TP Hồ Chí Minh) chỉ rõ: "Lượng nước uống càng nhiều thì bú càng ít lại, khiến một số trẻ dù bú mẹ hoàn toàn nhưng trẻ chậm tăng cân hoặc thậm chí sụt cân. Bên cạnh đó, phản xạ bú là phản xạ nguyên phát nên một số bé không tự kiểm soát được lượng bú vào. Sau khi bú no, nếu cho trẻ uống thêm nước dễ khiến trẻ bị trớ. Chưa kể, chúng sẽ ám ảnh, khò khè vì trào ngược, quấy khóc nhiều, bú ít… Về phía người mẹ, nếu trẻ bú ít lại, ngực còn căng, cơ chế phản hồi sẽ nghĩ con đủ sữa và sản xuất sữa ít lại, dần dần ít sữa rồi mất sữa".
Ngoài ra, bác sĩ Max Davie, cán bộ cải thiện >sức khỏe của Đại học Nhi khoa và Sức khỏe Trẻ em Hoàng gia (Anh) cho biết thêm: "Cũng giống như người lớn, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ cũng cần được uống nhiều nước để tránh bị mất nước. Tuy nhiên, trong sữa mẹ hoặc bình sữa công thức thì đều đã có chứa nước. Vì vậy, điều cha mẹ cần làm là cho con bú sữa nhiều hơn. Đồng thời, trẻ nhỏ nên được tránh ánh nắng trực tiếp vì các con có thể bị bệnh khi thời tiết nóng".
Khi nào cho trẻ uống nước?
Cơ quan dịch vụ y tế quốc gia Anh (NHS) khuyến cáo: "Trẻ bú mẹ hoàn toàn không cần uống thêm nước cho đến khi chúng ăn dặm. Trẻ bú sữa công thức có thể uống thêm 1 chút xíu nước trong thời tiết nắng nóng".
Với trẻ dưới 6 tháng tuổi, không nên sử dụng nước uống trực tiếp từ vòi lọc mà cần đun sôi nước sau đó để nguội.
Bác sĩ Nguyễn Thanh Sang cũng khuyến cáo rõ thời điểm nên bắt đầu cho trẻ uống nước là "khi trẻ bắt đầu ăn đồ rắn (thường thì sau 6 tháng tuổi). Một số bé được bác sĩ dinh dưỡng chỉ định ăn dặm từ 4 tháng tuổi thì cũng có thể uống nước từ giai đoạn này".
Làm thế nào để giữ cho trẻ được mát mẻ trong thời tiết nắng nóng gay gắt?
Thạc sĩ Christabel Majendie, thành viên của Hiệp hội Giấc ngủ Anh, tiết lộ bí quyết để trẻ được mát mẻ trong thời tiết oi nóng là cha mẹ hãy cho trẻ mặc quần áo, chăn gối vỏ bọc đệm của trẻ được làm từ sợi tự nhiên và đã được xử lý mỏng nhẹ.
Cô nói: "Cha mẹ đừng bọc những tấm drap không thấm nước để bảo vệ đệm khi cho trẻ nằm ở đó, vì những thứ này sẽ khiến trẻ ra mồ hôi. Nếu bạn đặt một chiếc quạt trong phòng ngủ thì cũng đừng chĩa thẳng quạt vào con. Cho con tắm nước ấm trước khi đi ngủ cũng là cách giúp trẻ mát mẻ và ngủ ngon hơn.
Bên cạnh đó, cha mẹ cần kiểm tra nhiệt độ phòng bằng nhiệt kế kỹ thuật số và điều chỉnh nhiệt độ sao cho phù hợp. Ở mức nhiệt từ 23 độ trở lên, cha mẹ chỉ cần mặc cho con một bộ quần áo mỏng khi đi ngủ kèm thêm một chiếc chăn bông nhẹ, thoáng khí. Cha mẹ lưu ý là nhiệt độ có thể thay đổi liên tục nên bạn cần phải kiểm tra thường xuyên".
Ngoài ra, cô Christabel cũng chia sẻ thêm là cha mẹ nên mở cửa sổ và kéo rèm lại vài giờ trước khi ngủ trưa và khi đến giờ đi ngủ buổi tối. Việc này giúp cho căn phòng không bị ánh nắng rọi vào trong khi không khí vẫn lưu thông.