Sau khi thụ thai, hợp tử phải trải qua nhiều giai đoạn phát triển để trưởng thành. Trong đó, 1000 ngày từ khi thụ thai cho đến khi được hai tuổi là vô cùng quan trọng. Đây là giai đoạn phát triển thể chất, tinh thần rất đặc biệt, quyết định phần còn lại của cuộc đời đứa bé, được các nhà khoa học nhấn mạnh đây là “1.000 ngày vàng của trẻ em”.
Vì sao, những ngày vàng là rất quan trọng? Bài viết dưới đây sẽ giải thích vấn đề quan yếu này.
Tổng quan về “1.000 ngày vàng”
Các nhà nhi khoa, Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đều lưu ý, nhấn mạnh 1.000 ngày đầu đời, từ khi thụ thai đến khi được tròn hai tuổi, là giai đoạn tối quan trọng, là “những ngày vàng”, những ngày “quyết định” cho sự phát triển thể chất và tinh thần cho trẻ em:
* Về thể chất, 1000 ngày vàng là giai đoạn quyết định đến 60% khả năng tăng trưởng chiều cao của trẻ trong tương lai. Nhiều nghiên cứu cho thấy, ở các nước nghèo đang phát triển, trẻ có nguy cơ suy >dinh dưỡng cao nhất trong giai đoạn này, và trẻ bị suy dinh dưỡng trong hai năm đầu của cuộc sống sẽ bị ảnh hưởng đến phát triển thể lực, chiều cao, cân nặng và năng lực lao động khi trưởng thành.
* Về tinh thần, dù bộ não con người phát triển và thay đổi trong suốt cuộc đời, nhưng phát triển trí não nhanh nhất và quan trọng nhất của đứa trẻ là ba tháng cuối của thai kỳ và hai năm đầu đời, “1000 ngày vàng”. Trong 5 tháng đầu sau thụ thai, bộ não con người ở là một cấu trúc hai phiến mịn màng như một hạt cà phê. Đến 9 tháng, sắp ra đời, não bộ bắt đầu có khe cuộn. Khi sinh ra, các vùng não phát triển nhanh bao gồm vùng hãi mã, các vùng vỏ, thị giác và thính giác. Năm đầu sau sinh, có sự phát triển nhanh chóng các trung khu ngôn ngữ, vận động, để kiểm soát quá trình chú ý, ức chế và tính linh hoạt.
Những bài học, kinh nghiệm
Vòng “luẩn quẩn” (vicious cycle) của suy dinh dưỡng
Khi thiếu ăn, suy dinh dưỡng, để sống còn hệ thống thần kinh sẽ “lên chương trình" tiết kiệm năng lượng giảm tiêu thụ chất béo, giảm tăng trưởng, và thượng thận tăng tiết corticoids. Một vòng luẩn quẩn bệnh lý được hình thành: >(Thiếu thức ăn, Ăn mất ngon, Kém hấp thu,Bệnh chuyển hóa) > (Thiếu dinh dưỡng) > (Sụt cân, Chậm phát triển, Suy hệ miễn dịch, Tổn thương niêm mạc đường tiêu hóa) > (Nhiều bệnh tật) > ....
Trẻ suy dinh dưỡng không thể hồi phục hoàn toàn
Nhiều nguyên cứu đa trung tâm, tầm quốc tế cho thấy rằng, những đứa trẻ còi cọc, suy dinh dưỡng trong khoảng “1000 ngày vàng” dù có được điều trị tích cực, đúng đắn sau này cũng không thể hồi phục hoàn toàn những di chứng thể chất và tinh thần. Trẻ thường không thể cải tạo chiều cao vì các đĩa sụn tiếp hợp bị hóa cốt, phát triển tinh thần vận động cũng kém hơn trẻ bình thường. PGS, TS Nguyễn Thị Lâm, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, cho rằng: Trẻ đã suy dinh dưỡng, việc hồi phục rất khó khăn, đòi hỏi một khoảng thời gian dài; riêng chiều cao của trẻ không thể trở về được chuẩn trung bình dù có được điều trị hết sức tích cực.
Suy dinh dưỡng gây chậm phát triển trí tuệ về sau
Năm 2004, hội nghị về Chậm phát triển trí tuệ họp tại Montreal đã công bố tuyên ngôn về tàn tật trí tuệ (mental disability). Theo đó, sau yếu tố không cải tạo được là di truyền, suy dinh dưỡng, đặc biệt trong 1000 ngày vàng, là những nguyên nhân hàng đầu gây chậm phát triển tinh thần. Ngay cả khi được điều trị, sự hồi phục tinh thần thường không được hoàn hảo.
* Tiêm chủng đúng lịch mới có tác dụng
Tiêm chủng là cách phòng bệnh chủ động, hữu hiệu để phòng ngừa các bệnh lây nhiễm cho trẻ con. Nguyên lý tiêm chủng là kích thích chủ động hệ miễn dịch của em bé sản sinh ra các kháng thể đặc hiệu để chống lại mầm bệnh tương ứng. Về nguyên tắc, càng tiêm phòng sớm, tiêm nhắc nhiều lần lượng kháng thể càng cao, khả năng ngừa bệnh càng lớn. Tuy nhiên, cần hiểu về sự phát triển, hoàn chỉnh hệ miễn dịch của đứa trẻ: có loại vắc xin có thể tiêm phòng ngay khi mới lọt lòng, như BCG ngừa lao, vắc xin viêm gan B; nhưng vắc xin ngừa sởi thường phải tiêm sau 6 tháng tuổi….
Đôi điều bàn luận
Phần lớn trẻ em Việt Nam mới sinh đều có chiều dài cũng tương đương với trẻ em sinh ra tại các quốc gia khác trên thế giới. Nhưng từ 3 tuổi trở lên, khoảng cách chiều cao khác biệt và dần dần bị trẻ em thế giới bỏ xa.
Các nghiên cứu Nhật Bản chỉ ra các yếu tố ảnh hưởng đến chiều cao của con người gồm: chế độ dinh dưỡng chiếm đến 32%, vận động thể dục thể thao chiếm 20%, môi trường tâm lý và xã hội chiếm 16% và yếu tố chủng tộc di truyền chiếm 23%. Như vậy, có đến hơn 3/4 (77%) yếu tố ảnh hưởng lên chiều cao là “có thể cải tạo được” (modifiable factors), đặc biệt là chăm sóc chế độ dinh dưỡng cho trẻ trong 1000 ngày vàng.
Nhận thức tầm quan trọng của 1000 ngày vàng, năm 2010, hai cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton và người đồng nhiệm Ailen, Micheál Martin, đã khởi xướng sáng kiến “Nâng cao dinh dưỡng (Scaling Up Nutrition, SUN) và 1.000 ngày vàng” với nhận thức rằng “Suy dinh dưỡng là một vấn đề lớn chúng ta phải giải quyết” và "Can thiệp sau thời gian vàng thường không thể hồi phục lại những tổn hại đã xảy ra”.
Ngày trước, người Hoa và một số nơi ở châu Á thường chỉ đặt tên con sau ngày “thôi nôi”, khi đứa trẻ bắt đầu vào tuổi thứ hai. Dù không hiểu rõ sự phát triển, hoàn chỉnh chức năng, trưởng thành nhưng người xưa cũng đã nhận đinh những năm tháng đầu đời của đứa trẻ thường “khó nuôi” và nhiều nguy cơ hơn những khoảng thời gian khác; và chỉ khi qua được “đốt” này đứa trẻ mới được xem là tồn tại.
Từ hai khẩu hiệu nổi tiếng của Tổ chức Y tế Thế giới: “Sức khỏe trẻ em hôm nay là phồn vinh của xã hội ngày mai” (Children's health, nation's wealth), và “1.000 ngày vàng quyết định >sức khỏe và sự giàu có của thế giới” (1,000 days: decides the health and wealth of the world), chúng tôi xin đúc kết lại một phương châm dành cho phụ huynh Việt Nam ta: “Muốn con lớn khôn: thượng tôn ngày vàng”
TS.BS. Trần Bá Thoại
Uỷ viên BCH Hội Nội tiết Việt Nam