Bố mẹ Nhật đào tạo con dũng cảm và nghị lực bằng cách cổ vũ cho phong trào “Chúng ta hãy mặc ít hơn bố mẹ một cái áo”.
- Ấn tượng những bài học giáo dục từ các thầy hiệu trưởng mầm non Nhật Bản
- Mẹo nhỏ giúp con quản lý tiền bạc 100% từ phương pháp 5 chiếc lọ của người Do Thái
Ấn tượng về Nhật Bản trong tôi đó chính là một đất nước với những con đường, dãy phố sạch sẽ đến từng ngóc ngách, một đất nước với những con người lịch sự và nề nếp. Những yếu tố, nguyên nhân nào tạo nên những người Nhật như thế? Câu trả lời chính là: Giáo dục.
Người Nhật có truyền thống nề nếp từ khi còn nhỏ, sống thật thà, phẩm chất đạo đức chuẩn mực và có tinh thần trách nhiệm cao, đó chính là nền tảng để giáo dục ra những đứa trẻ có đạo đức tốt.
Người Nhật cho rằng: Con cái có thể yêu nhưng không thể chiều
Cũng giống như các bà mẹ khác trên thế giới, mẹ Nhật cho rằng: “Bố mẹ có thể yêu thương con cái hết mực nhưng tuyệt đối không được chiều con”. Họ yêu cầu những đứa con của mình ngay từ nhỏ phải học cách chịu trách nhiệm với những việc mình làm đồng thời phải học được tất cả các lễ nghĩa và các phép lịch sự, họ cũng tâm niệm rằng: “Yêu cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”, muốn tốt cho con thì phải thực sự dám “nhẫn tâm” với con.
Hãy dùng những hành động gương mẫu để giáo dục con cái thay vì chỉ dùng những lời nói
Phương châm này chắc hẳn ai cũng biết, nhưng liệu có bao nhiêu người làm được như vậy? Người Nhật dạy con từ nhỏ bất cứ lúc nào cũng phải “tự nghiêm khắc” với bản thân mình vì khả năng “bắt chước” của trẻ rất tốt, nếu các con không tự nghiêm khắc với bản thân mình thì rất dễ hình thành những thói quen xấu.
Ngoài ra, khi con mắc lỗi, cha mẹ Nhật không vội vàng trách móc hay quát mắng con mà lại phân tích cho con nguyên nhân con mắc lỗi sau đó gợi ý cho con phương hướng để “khắc phục hiệu quả”. Họ hết sức kiên nhẫn trong việc dạy con, khi con làm tốt một việc nào đó họ cũng có những hình thức khen thưởng kịp thời khiến cho con cảm thấy thành quả của mình đạt được cũng được tôn trọng.
Ngoài việc tự tu dưỡng bản thân, bố mẹ Nhật cũng rất coi trọng “sự sẻ chia”, họ thường cho con cái của họ tham gia những buổi gặp gỡ bạn bè, để cho con có cơ hội tiếp xúc và giao lưu với những người bạn cùng trang lứa, cùng nhau chia sẻ đồ ăn, đồ chơi và quan trọng nhất đó chính là niềm vui…
Thông qua việc tăng cười giao lưu, gặp gỡ bạn bè sẽ giúp các con nâng cao tinh thần hợp tác tập thể, giúp các con học được cách đặt mình ở vị trí của người khác để suy nghĩ và giải quyết vấn đề.
Để cho các con “khổ”
Trẻ em Nhật tự phải đeo ba lô để đi đến trường từ khi đi mẫu giáo, bên trong ba lô là những vật phẩm phục vụ nhu cầu thiết yếu của con hàng ngày như: bình nước, khăn mặt, đồ dùng học tập, sổ ghi chép. Nếu khoảng cách từ nhà đến trường gần hơn thì hãy đẻ các con tự đi bộ đến trường nhằm mục đích rèn luyện ý chí và lòng dũng cảm.
Hơn nữa bố mẹ Nhật đào tạo con dũng cảm và nghị lực bằng cách cho con đi bơi vào mùa đông, tham gia các hoạt động vận động để rèn luyện sức khỏe, cổ vũ cho phong trào “Chúng ta hãy mặc ít hơn bố mẹ một cái áo” với nguyên nhân rất đơn giản vì thân nhiệt của trẻ nhỏ luôn cao hơn người lớn 1 độ C.
Vì vậy không cần mặc quá nhiều quần áo giống như người lớn, vì vậy mà bố mẹ Nhật luôn cho rằng để con mặc bớt đi một lớp áo thì có thể giúp con tăng sức đề kháng, tăng sức chịu đựng, nâng cao khả năng thích nghi.
Phải biết “chia sẻ’ công việc nhà với bố mẹ
Có nghiên cứu cho thấy, những đứa trẻ thường xuyên làm việc nhà thì đó sẽ là người con có trách nhiệm và hiếu thảo và ngược lại đối với một đứa trẻ không biết làm việc nhà thì chúng cũng không có trách nhiệm với bản thân hay những người xung quanh.
Trẻ em Nhật từ nhỏ đã phải làm việc nhà ví dụ như: thu dọn đồ chơi, lau bàn, lau ghế…tích cực giao cho con những việc con có thể làm được. Lý do chính ở đây là người Nhật coi trọng sự tự lập và không hy vọng mình sẽ trở thành gánh nặng của xã hội.
Vì vậy mà từ nhỏ họ đã dạy cho các con học cách chủ động trong mọi việc và sẵn sàng chịu trách nhiệm trước bất cứ lỗi lầm gì của mình, ở trường học thì các giáo viên luôn luôn nhắc nhở các em tự mình phải biết bảo quản tài sản của cá nhân mình, không được vứt linh tinh.
Những phương pháp giáo dục trên tưởng chừng đơn giản thế nhưng khi áp dụng trong thực tế lại không đơn giản chút nào, đặc biệt là đối với những ông bố bà mẹ Việt - những người luôn cho rằng thành tích học tập của con mới là quan trọng nhất.
Chúng ta sẵn sàng bỏ tiền ra để đầu tư cho con tham gia tất cả các lớp học thêm cũng như các lớp năng khiếu khiến thời gian biểu của các con luôn luôn dày đặc cho đến khi về nhà chỉ có thời gian tắm rồi đi ngủ, không có thời gian thư giãn.
Từ phương pháp giáo dục của bố mẹ Nhật chúng ta có thể nhận thấy rằng, muốn giáo dục một đứa trẻ có trách nhiệm thì chúng ta nên bắt đầu từ những việc nhỏ nhất trong cuộc sống hàng ngày. Chỉ có một số ít các ông bố bà mẹ không muốn để con chịu khổ, đặc biệt là những gia đình sinh ít con, họ càng nâng niu chăm sóc “gia tài” duy nhất của mình.
Những đứa trẻ cũng có quyền được yêu cầu, được đòi hỏi, khi chúng nhận được sự tôn trọng tối thiểu này thì chúng sẽ nhận thức được giới hạn của bản thân và biết được việc nào nên làm việc nào không nên làm, như vậy thì con mới trưởng thành.