Bé từ 9 – 12 tháng tuổi, việc ăn dặm không còn đơn thuần là giai đoạn bước đầu tập ăn nữa mà là phát triển kỹ năng nhai. Cách nấu cháo cho trẻ 9 – 12 tháng tuổi cần thay đổi đa dạng chất dinh dưỡng để đáp ứng nhu cầu phát triển của con.

06:00 05/01/2020

Nguyên tắc xây dựng chế độ ăn cho trẻ 9 – 12 tháng tuổi

Tuỳ vào từng độ tuổi mà ba mẹ xây dựng chế độ ăn cho bé khác nhau. Giai đoạn 9 – 12 tháng tuổi là giai đoạn bé ăn dặm khá mạnh, vì vậy cách >nấu cháo cho trẻ từ 9 - 12 tháng tuổi cũng cần có những thay đổi về số lượng và chất >dinh dưỡng.

Bé nhà bạn đã có thể bò, trườn khắp nhà và thích thú khám phá mọi thứ xung quanh bởi vậy trẻ sẽ cần nhiều năng lượng hơn. Nếu cung cấp không đủ chất dinh dưỡng cho bé giai đoạn này trẻ sẽ dễ bị chậm tăng cân, thấp còi.

Cách nấu cháo cho trẻ từ 9 - 12 tháng tuổi cần đa dạng thực phẩm để đáp ứng nhu cầu phát triển của bé - Ảnh minh họa: Internet

Thực phẩm ăn dặm chiếm ½ năng lượng khẩu phần ăn hằng ngày của trẻ với số bữa 2 – 3 bữa/ngày. ½ còn lại từ sữa mẹ hoặc sữa công thức khoảng 700 ml – 800 ml hằng ngày.

Xây dựng chế độ ăn cho trẻ 9 – 12 tháng tuổi cần đảm bảo đủ chất bột, chất đạm, chất béo và chất xơ.

Nhóm tinh bột: Đây là nhóm chất cần thiết chiếm khoảng 60% trong tổng khẩu phần ăn của trẻ. Các thực phẩm như ngũ cốc, khoai tây, nếp, ngô… thích hợp để cho trẻ sử dụng.

Chất đạm: Trẻ cần 12 – 25 gram chất đạm mỗi ngày. Mẹ nên cung cấp các nguồn chất đạm đa dạng cho trẻ như thịt, cá, trứng, sữa, tôm, các loại đậu…

Chất béo: Nhóm này giúp bổ sung năng lượng cho trẻ, đặc biệt dầu cá omega 3 sẽ giúp bé sáng mắt và thông minh. Các thực phẩm chất béo có lợi cho trẻ từ dầu thực vật, phô mai…

Nhóm chất xơ: Ở độ tuổi này trẻ có thể ăn được hầu hết các loại rau, củ, quả. Đây là nguồn cung cấp chất xơ, vitamin và khoáng chất cần thiết cho cơ thể, ngăn ngừa táo bón và béo phì ở trẻ.

Giai đoạn này, bé cũng đã mọc răng với số lượng từ 2-4 răng sữa. Do đó, cách nấu cháo cho trẻ từ 9 – 12 tháng tuổi với cấu trúc thức ăn đặc hơn, ít loãng, có hình khối mà không cần rây để phát triển khả năng nhai của bé. Việc nhai sẽ giúp tiết ra các men tiêu hóa, bé sẽ ăn ngon miệng hơn.

Mẹ có thể tập cho trẻ 9 - 12 tháng tuổi các kỹ năng bốc thứ ăn, cầm thìa - Ảnh minh họa: Internet

Đây cũng là giai đoạn các bé thích "tự phục vụ" như thò tay bốc thức ăn, dành thìa của mẹ, cầm ly uống nước. Các mẹ nên hỗ trợ bé để bé làm quen với các kĩ năng ăn uống mới và đem lại hứng thú cho bé trong mỗi bữa ăn. Nên cho bé ngồi ăn cùng người lớn, bé sẽ rất thích thú nếu được thử nghiệm một chút đồ ăn của người lớn như vài muỗng canh, vài hạt cơm, một miếng thịt mềm...

Mặc dù có thể ăn đa dạng các loại thức ăn nhưng các thực phẩm khiến trẻ dị ứng như sò, trai, bạch tuộc hay mật ong… thì mẹ cũng không nên cho bé sử dụng.

Gợi ý món cháo ăn dặm phù hợp cho bé từ 9 – 12 tháng tuổi

Với những nguyên tắc trong cách nấu cháo cho trẻ từ 9 - 12 tháng tuổi, bài viết gợi ý các món cháo phù hợp cho bé, vừa kích thích vị giác giúp bé ăn ngon miệng, vừa bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng cho con yêu.

Món cháo tim hầm với khoai tây, rau cải ngọt, khoai tây, cà rốt

Tim chứa nhiều sắt rốt tốt cho máu, các loại rau củ chứa nhiều vitamin đảm bảo dinh dưỡng cho quá trình phát triển của trẻ.

Nguyên liệu:

Tim gà, tim lợn, tim bò (30 gram)

Cà rốt, khoai tây, rau cải ngọt, hành khô

Cách nấu:

Đem tim đi băm nhỏ rồi xào chín cùng hành khô. Cà rốt, khoai tây sau khi đã được hấp chín đem nghiền nhuyễn. Băm nhỏ cải xanh.

Đợi tới khi cháo nhừ thì cho khoai tây và cà rốt vào nấu cùng. Sau đó cho cải xanh vào và khuấy đều. Nấu tiếp cháo ở ngọn lửa trong khoảng thời gian 2 phút trước khi tắt bếp.

Món cháo tim vừa cung cấp chất dinh dưỡng, vừa kích thích trẻ ăn ngon miệng - Ảnh minh họa: Internet

Cháo cua biển rau mồng tơi

Mẹ có thể yên tâm bổ sung hải sản vào thực đơn ăn dặm cho bé từ 9 tháng tuổi trở lên. Với cách nấu cháo cua cho bé 9 tháng sẽ cung cấp nhiều canxi giúp phòng tránh bệnh còi xương ở trẻ.

Tuy nhiên, mẹ cũng lưu ý là cho trẻ ăn lượng thịt cua ít hơn so với định lượng thịt heo vì thịt cua có lượng đạm cao, ăn nhiều không tốt. Cũng không nên cho trẻ ăn phần gạch cua vì khiến trẻ bị đầy hơi, khó tiêu hoặc dị ứng.

Nguyên liệu:

50 gram gạo

1 con cua biển

20 gram rau mồng tơi

1/2 miếng bơ lạt; Gừng, nước mắm

Cách nấu:

Mồng tơi rửa sạch, cắt nhỏ. Ngâm gạo khoảng 20 phút rồi đem vo sạch. Cho gạo vào nồi nấu chín, nước sôi thì hạ lửa để cháo được chín nhừ. Khuấy thường xuyên để cháo không bị vón cục.

Cua chà sạch bùn đất rồi hấp chung với gừng. Khi cua chín, gỡ nạc cua, xé tơi. Kiểm tra kĩ nạc cua để khỏi lẫn những mảnh vụn vỏ vào làm hóc trẻ. Lấy một ít để nấu cháo phần còn lại thì xào khô rồi cất tủ lạnh cho bé ăn dần.

Bắc chảo lên bếp, cho bơ vào, đợi bơ tan thì cho thịt cua đã xé vào, đảo đều rồi tắt bếp. Cho thịt cua đã xào vào nồi cháo, khuấy đều, nêm một ít nước mắm. Sau đó cho rau mồng tơi vào, đợi cho cháo sôi lại thì tắt bếp.

Mẹ lưu ý chưa nên cho bé 9 tháng tuổi ăn cua gạch vì có thể bị dị ứng - Ảnh minh họa: Internet

Cháo cá chép hạt sen

Hạt sen là một loại thực phẩm giàu dinh dưỡng và cực kỳ tốt cho bé trong giai đoạn ăn dặm. Tuy nhiên nhiều mẹ vẫn chưa biết cách nấu cháo hạt sen cho bé 9 tháng sao cho ngon và hấp dẫn. Mẹ có thể tham khảo món cháo cá chép hạt sen sau đây để làm phong phú hơn thực đơn ăn dặm cho con.

Nguyên liệu:

Cá chép, gạo ngon, hạt sen, nấm rơm, củ nghệ, hành lá ..

Cách nấu:

Cá chép mua về sơ chế thật sạch, loại bỏ hết vảy và phần ruột. Để cá ráo nước sau đó đem luộc chín. Sau khi cá chín bạn cẩn thận chỉ lọc lấy phần thịt cá và loại bỏ hết phần xương cá.

Hạt sen loại bỏ vỏ và tim sen, sau đó ngâm nước và rửa sạch. Gạo vo sạch và cho cùng hạt sen vào nồi nước luộc cá rồi đun sôi. Đun sôi cháo khoảng từ 40 đến 50 phút cho nguyên liệu thật nhừ và nhuyễn.

Củ nghệ đem cạo vỏ, sau đó rửa sạch và giã nhuyễn. Nấm rơm đem ngâm nước thật kỹ, sau đó rửa sạch và cắt nhỏ.

Cho chảo lên bếp cho nóng, cho chút dầu ăn vào xào chung với nghệ, nấm rơm và thịt cá luộc, nêm nếm sao cho vừa ăn. Khi nồi cháo đã nhừ bạn cho hỗn hợp vừa xào vào khuấy đều và nấu thêm từ 5 đến 7 phút. Múc cháo ra bát cho thêm ít hành hoa và nên cho bé ăn lúc nóng.

Cháo hạt sen rất bổ dưỡng và tốt cho trẻ ăn dặm - Ảnh minh họa: Internet

Cháo trứng gà, thịt bò và nấm hương

Trẻ từ 8 đến 12 tháng tuổi có thể ăn 3 - 4 bữa cháo trứng/tuần, mỗi bữa bé ăn 1 lòng đỏ trứng. Món cháo trứng gà cho bé 9 tháng tuổi là món ăn quen thuộc, dễ nấu. Món ăn này sẽ thơm ngon hơn khi mẹ kết hợp với các nguyên liệu khác.

Nguyên liệu:

Trứng gà, thịt bò, nấm hương, hành lá, cháo trắng, dầu ăn và gia vị.

Cách nấu:

Thịt bò thái lát mỏng, băm nhuyễn. Nấm hương rửa sạch, thái nhỏ. Hành lá rửa sạch, thái nhỏ.

Nấu sôi cháo trắng, cho nấm hương thái nhỏ vào, nêm chút hạt nêm. Nấu với lửa vừa, để cháo sôi khoảng 5 phút, cho thịt bò vào. Khuấy cháo thường xuyên để cháo không bị cháy đáy nồi.

Đập trứng ra tô, lấy lòng đỏ cho vào cháo, quấy đều tay. Kiểm tra và đảm bảo cháo và trứng gà đã chín thì tắt bếp. Múc cháo ra bát, thêm ít hành và để cháo nguội bớt thì cho bé ăn.

Mẹ đừng quên bổ sung trứng gà trong cách nấu cháo cho trẻ từ 9 - 12 tháng tuổi - Ảnh minh họa: Internet

Với cách nấu cháo cho trẻ 9 – 12 tháng tuổi đúng chuẩn nêu trên mẹ có thể tự tin xây dựng một chế độ ăn uống hợp lý, đảm bảo cho sự phát triển thể chất và trí tuệ cho con.

Theo An Nhiên/ Phụ nữ Sức khỏe