Ba tháng sau khi bị con chó nhà hàng xóm cắn, bé trai ở Đăk Lăk phát bệnh dại rồi tử vong.
Ông Phạm Văn Lào, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Đăk Lăk cho biết, khi cháu bị chó cắn, người thân thấy vết thương trầy xước nhẹ nên không đưa đi tiêm phòng bệnh dại. Ngày 15/7, cháu lên cơn sốt, mệt mỏi, sợ gió, sợ nước, chán ăn..., gia đình đưa đến Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên điều trị. Các bác sĩ chẩn đoán bé lên cơn dại, ngày hôm sau tử vong.
Nhà chức trách đang điều tra, xử lý đàn chó, vận động người bị chó cắn tiêm phòng kháng huyết thanh và vắcxin phòng dại.
Từ đầu năm, nhiều người bị chó cắn tử vong do thương tích hoặc do bệnh dại. Cuối tháng 6, người đàn ông 29 tuổi ở Kon Tum lên cơn dại và tử vong sau 3 tháng bị chó nhà cắn, bốn người khác trong gia đình cũng bị chó cắn, đang được theo dõi. Cuối tháng 4, một bé trai 14 tuổi ở tỉnh này cũng bị chó nhà hàng xóm cắn vào chân, phát bệnh dại tử vong sau một tháng. Đăk Lăk có trên 500.000 con chó, năm 2018 hơn 13.000 người bị chó cắn.
Trước đó bé trai 7 tuổi đi vệ sinh tại nhà ở Thái Nguyên thì bị con chó của gia đình lao vào tấn công, đi cấp cứu nhưng tử vong do nhiều vết thương quá nặng. Đầu tháng 4, bé trai 7 tuổi ở Hưng Yên bị đàn chó hàng xóm lao vào cắn, nhập viện trong tình trạng ngưng tim, mất nhiều máu và tử vong. Cũng trong tháng 4, anh Bùi Văn Tuấn (32 tuổi) và con trai ở Hòa Bình tử vong do mắc bệnh dại sau hai tháng bị chó nhà nuôi cắn.
Năm 2018 Việt Nam ghi nhận 86 người chết vì bệnh dại, tăng 12 trường hợp so với năm 2017.
Khi bị chó cắn, cần tiêm huyết thanh phòng dại, theo dõi tiến triển của con chó xem có bệnh dại hay không để chủ động phòng ngừa. Chó nuôi cần được chích ngừa bệnh dại đầy đủ.