Theo suy luận của chị Zhou, con gái chị đã bị nhiễm khuẩn từ miếng sushi khi đi ăn ngoài hàng.
Hóc nghẹn hay ngộ độc thực phẩm là những điều rất dễ xảy đến với trẻ trong khoảng thời gian tập ăn dặm nếu cha mẹ lơ là, chủ quan. Đó là những gì xảy đến với con gái chị Zhou (Malaysia). Sau khi con gái đã hoàn toàn ổn định >sức khỏe, chị Zhou mới bình tĩnh nhớ lại toàn bộ vụ việc và đưa ra lời cảnh giác cho các bà mẹ.
Chị cho biết, đầu tháng 5 vừa qua, gia đình nhà chị đã đi ăn tối tại một nhà hàng sushi. Vì con gái chị đã ăn được thức ăn rắn nên chị lấy cho con một miếng sushi trứng cuộn nhỏ để bé thưởng thức. Tuy nhiên, chính vì thứ đồ ăn đó khiến cho con chị bị ngộ độc thực phẩm. Chị cho rằng người làm trứng cuộn cơm đã dùng chính đôi găng tay cắt cá sống để làm cơm sushi. Do đó, loại vi khuẩn Salmonella (nhiễm khuẩn đường ruột - loại vi khuẩn thường được phát hiện trong thịt, cá và trứng) đã xâm nhập vào cơ thể bé.
"Bé đã bị nhiễm trùng do vi khuẩn. Thông thường, chỉ cần nấu chín kỹ là có thể tiêu diệt được những loại vi khuẩn này". Thế nhưng rất không may là con gái chị đã ăn miếng cơm cuộn dính loại vi khuẩn từ thịt cá sống.
Những biểu hiện mắc bệnh của con gái Zhou được chị tường thuật lại như sau:
10/5: Bé ăn miếng cơm sushi kèm trứng.
11/5: 3 giờ chiều bé bị sốt 38,5 độ C và được nhập viện khẩn cấp.
13/5: Bé sốt liên tục, tiêu chảy 6 lần/ ngày.
14/5: Bé sốt 37-38 độ C, xuất hiện những dấu hiệu của thủy đậu.
15/5: Bé vẫn có dấu hiệu của thủy đậu, sốt và tiêu chảy. Vào ban đêm có cơn sốt lên đến 40 độ và được dùng thuốc do bác sĩ kê.
16/5: Bé phải đổi loại thuốc.
17/5: Phân bé xuất hiện máu nên được làm xét nghiệm phân và máu.
20/5: Bé được xuất viện về nhà và theo dõi, kiểm tra.
Chị Zhou cũng đưa ra lời cảnh báo cho các bà mẹ: "Vệ sinh thực phẩm ăn uống ở bên ngoài thực sự không phù hợp với trẻ sơ sinh. Bác sĩ cũng khuyên rằng nên vệ sinh bình sữa của trẻ bằng nước nóng sau mỗi lần sử dụng. Thịt, trứng cá và rau quả mà trẻ sơ sinh ăn phải được nấu chín hoàn toàn. Ngoài ra, trẻ sơ sinh cũng không được phép ăn salad trái cây. Trái cây nên được rửa sạch trước khi ăn và tay chân của trẻ cũng phải được đảm bảo sạch sẽ".
Cách phòng ngừa ngộ độc thực phẩm cho bé và tránh bệnh Salmonella:
- Không cho trẻ dùng thực phẩm chưa được nấu chín.
- Rửa kĩ rau củ và quả trước khi cho trẻ ăn sống.
- Sử dụng các chậu riêng biệt khi tiếp xúc với thịt cá.
- Bảo quản thực phẩm như phô mai, trứng, thịt nguội, cơm và hải sản dưới 5 độ C.
- Mua hải sản tươi sống ở nơi đảm bảo vệ sinh.
- Kiểm tra danh sách các loại thực phẩm không an toàn cho trẻ dưới 1 tuổi.