Ung thư gan đang trở thành gánh nặng bệnh tật của Việt Nam, 70% ung thư gan đều do nhiễm viêm gan virút.
Vi rút viêm gan "đại họa" ung thư
GS.TS Nguyễn Thu Vân, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cho hay một người bị nhiễm viêm gan vi rút từ lúc mới sinh ra nguy cơ chuyển thành xơ gan và ung thư gan là rất cao.
Theo nghiên cứu viêm gan B tại Việt Nam, truyền từ mẹ sang con là chủ yếu trong quá trình sinh đẻ. Mẹ bị viêm gan virút B truyền sang con tỷ lệ sẽ rất lớn tỷ lệ phụ thuộc vào kháng nguyên mẹ mang. Nếu mẹ mang 1 kháng nguyên bề mặt tỷ lệ thấp, nhưng mang 2 kháng nguyên tỷ lệ truyền sang 100% (con bị nhiễm viêm virút viêm gan).
Để phòng tránh căn bệnh viêm gan mãn tính dẫn tới xơ gan, ung thư gan khi còn trẻ tuổi cần phải tiêm vắc xin viêm gan cho trẻ sớm sau 24 giờ sinh.
"Tỷ lệ bà bầu mắc viêm gan virút B ở Việt Nam khoảng 12%, nếu trẻ không được tiêm viêm gan ngay sau sinh thì nguy cơ nhiễm là cực kỳ cao", GS. Vân khuyến cáo.
Còn theo GS. Nguyễn Chấn Hùng, Chủ tịch Hội ung thư Việt Nam, virút viêm gan B (HBV) và viêm gan C (HCV) là nguyên nhân chính gây ung thư gan trên toàn cầu không chỉ riêng ở Việt Nam.
70% ca ung thư gan trên toàn cầu là do viêm gan virút B và C. Một số yếu tố nguy cơ khác, gồm các chất độc (rượu, aflatôxin) và các thứ thuốc, các bệnh chuyển hóa gan nhiễm mỡ, gan mỡ không do rượu và tiểu đường.
"Cơ chế sinh bệnh ung thư gan là một quá trình nhiều bước, có thể kéo dài nhiều chục năm với sự tích lũy từ từ các xáo trộn gen và ngoài gen, đưa đến sự chuyển hóa ác tính. Sự chuyển hóa này xảy ra thông qua một lộ trình đắp đổi qua lại giữa sự gây tổn hại và sự tái tạo mạn tính, trong toàn cảnh tổn hại DNA của quá trình viêm.
Ít nhất có bốn lộ trình: sự điều hòa sự tăng trưởng tế bào hoặc sự chết tế bào (thí dụ pRb, p53) yếu tố tăng trưởng chuyển hóa b (TGF b) và lộ trình a catenin", GS Hùng nói.
Loại bỏ viêm gan virút là yêu cầu bức thiết để ngăn đại họa ung thư gan cho nước ta. hãy tiêm phòng vắc xin viêm gan B cho trẻ ngày tứ lúc mới sinh ra.
Người có viêm gan virút cần phải điều trị và theo dõi suốt đời. Việc điều trị viêm gan B có thể làm chậm lại hoặc còn có thể ngừa tổn hại gan gồm xơ gan và ung thư gan. Riêng với viêm gan C phát hiện sớm có thể điều trị khỏi tới 95%.
Tiêm vắcxin viêm gan B cần phải nhắc lại theo định kỳ
GS. Vân cho hay hiện nay, không ít người tiêm viêm gan B cho rằng đủ đáp ứng miễn dịch suốt đời. Đây là quan niệm sai lầm, như các vắcxin khác, viêm gan B kháng thể cũng bị thấp theo thời gian và cần tiêm nhắc lại.
Một số trường hợp đặc biệt, tiêm đủ mũi viêm gan B, nhưng xét nghiệm không có kháng thể, nguyên nhân là do đáp ứng miễn dịch của từng cá thể.
"Cơ chế đáp ứng miễn dịch của con người không phải ai cũng như ai. Mỗi có thể con người là tổ chức miễn dịch rất phức tạp, cá thể hóa của từng cá nhân. Vì vậy mức đáp ứng miễn dịch của mỗi người là khác nhau", GS. Vân nói.
Quá trình nghiên cứu viêm gan B, GS.Vân đã từng gặp trường hợp tiêm 4 mũi nhưng không có kháng thể. Trường hợp đó phải tiêm tới mũi thứ 5-6 thì mới có đủ đáp ứng miễn dịch.