Chàm sữa là căn bệnh thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, mặc dù không phải là căn bệnh nguy hiểm nhưng lại làm bé khó chịu.
Chàm sữa hay còn gọi là lác sữa, viêm da cơ địa, eczema, căn bệnh thường gặp ở trẻ từ 3 tháng đến 24 tháng tuổi. Mặc dù chàm sữa là căn bệnh không dễ lây lan nhưng lại rất khó điều trị dứt điểm và thường xuyên tái phát.
Theo Ths.BS Nguyễn Đình Huấn – BV Nhi Đồng 1, TPHCM, chàm sữa (chàm thể tạng, viêm da thể tạng) là một dạng viêm nhiễm da mãn tính, có thể tái phát nhiều lần, bệnh không lây. Nói đơn giản, chàm sữa là một bệnh rối loạn hệ miễn dịch ở trẻ em.
Nguyên nhân khiến bé bị chàm sữa
Nguyên nhân điển hình nhất khiến bé bị chàm sữa là do hàng rào da bị hư tổn. Hàng rào da là lớp ngoài cùng của da, có chức năng quan trọng là lá chắn bảo vệ cơ thể khỏi các yếu tố bên ngoài môi trường và ngăn nước thoát ra ngoài, giúp giữ ẩm bên trong da.
Khi hàng rào da hư tổn, các tác nhân bên ngoài dễ dàng xâm nhập vào gây viêm da, kích ứng da, nước trong da thoát ra quá mức gây khô da, làm xuất hiện các triệu chứng bệnh như khô da, ngứa đỏ...
Ngoài ra, >trẻ bị chàm sữa cũng có thể do những nguyên nhân sau đây:
Những bé có cơ địa dễ bị dị ứng hoặc gia đình có tiền sử bị bệnh hen suyễn, mề đay, dị ứng da do thời tiết.
Trẻ bị dị ứng do nguồn thức ăn của mẹ. Cụ thể, nếu mẹ ăn nhiều hải sản, chất giàu đạm.. nhưng cơ thể bé không thích ứng được sẽ gây ra tình trạng dị ứng khi bé bú sữa mẹ.
Một số nguyên nhân khác do bên ngoài như khói bụi, thời tiết, lông chó, mèo... hoặc đồ chơi của bé không được vệ sinh kỹ cũng có thể khiến bé bị chàm sữa.
Cần làm gì khi trẻ sơ sinh bị chàm sữa?
Hiện tượng chàm sữa ở trẻ sơ sinh sẽ khỏi dần khi trẻ lớn lên. Tuy nhiên, các bậc cha mẹ cũng cần lưu ý đến chế độ >dinh dưỡng và loại bỏ các tác nhân gây kích ứng khiến bệnh trở nặng.
Hội chứng chàm sữa quá nặng có thể khiến bé khó chịu, quấy khóc, bỏ bú, mẹ có thể dùng một số sản phẩm dưỡng ẩm bôi lên vùng da trẻ. Các sản phẩm dưỡng ẩm dịu nhẹ thường khuyên dùng cho trẻ sơ sinh bị chàm như: Cetaphil, eucerin, dexeryl…
Trong quá trình vệ sinh thân thể cho bé, mẹ lưu ý giới hạn thời gian tắm chỉ từ 5 – 10 phút. Các sản phẩm làm sạch, xà phòng tắm cho trẻ có hiện tượng chàm sữa nên chọn loại dịu nhẹ, độ pH cân bằng. Sau khi tắm xong, mẹ dùng khăn bông mềm lau khô da đồng thời tiếp tục bôi các sản phẩm dưỡng ẩm.
Chế độ dinh dưỡng của mẹ khi cho con bú cũng cần được chú ý để hạn chế sự phát triển của chàm sữa. Bác sĩ Huỳnh Văn Quang khuyên các bà mẹ nên hạn chế ăn một số thực phẩm có nguy cơ gây dị ứng như hải sản, trứng, thực phẩm lên men, thực phẩm nhiều chất béo, thực phẩm cay...
Nếu tình trạng chàm sữa ở trẻ sơ sinh ngày càng nặng và lây lan lên nhiều vùng da, mẹ cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ chuyên khoa để có phác đồ điều trị chuyên sâu thích hợp.
Đối với những bé bị chàm sữa, mẹ nên chọn những loại quần áo làm bằng vải cotton thấm hút mồ hôi tốt, tránh để bé mặc các loại quần áo làm bằng vải len, vải có chất nilon hay chất liệu dễ gây kích ứng da. Đặc biệt, không nên để trẻ mặc nhiều quần áo khi thời tiết nóng.
Bé có thể sẽ gãi lên vết chàm hoặc chà xát vùng da bị ngứa khi ngủ hoặc thức. Vì thế mẹ hãy thường xuyên cắt móng tay, chân cho bé, để hạn chế việc bé gãi vào vùng mẩn ngứa mẹ có thể cho bé mang găng tay và vớ chân.
Lưu ý:
Khi trẻ bị chàm sữa, người mẹ hoặc người giám hộ cần phải lưu ý chăm sóc đặc biệt cho bé, từ việc ăn uống đến giữ vệ sinh môi trường.
- Tránh cho cơ thể bé đổ mồ hôi ẩm ướt; thay quần áo ngay sau khi tắm cho bé, giữ cho da bé luôn khô, thay tã lót nhiều lần trong ngày, tránh để lâu gây ẩm ướt do phân và nước tiểu dễ gây kích ứng da;
- Giữ môi trường xung quanh không quá nóng, quá lạnh hoặc thay đổi nhiệt độ quá nhanh; môi trường thoáng mát, không quá khô;
- Dùng các loại sữa tắm: Cetaphil, Saforell, Physiogel… để tắm cho bé;
- Khi bé bị các sang thương đang nổi đỏ hoặc rỉ dịch, có thể bôi các loại thuốc dạng dung dịch mang tính sát trùng nhẹ như: Milian, Eosin… Đối với các sang thương khô da, đỏ da, tróc vảy, có thể bôi các loại kem chứa corticosteroid nồng độ thấp như Eumovat (thoa trong thời gian ngắn từ 5-7 ngày), Cortebios, dung dịch hydrocortisol, Supricor-N, thuốc có tác dụng kháng viêm, chống ngứa;
- Nếu da khô tăng sừng thì có thể dùng các loại mỡ chứa chất tiêu sừng như Salicylic acid.
- Không nên tiêm chủng ngừa cho bé nhất là tiêm chủng đậu mùa vì có thể dẫn đến bệnh mụn mủ dạng thủy đậu. Lúc này, trẻ có biểu hiện sốt cao, sẩn, mụn nước, bóng nước, cuối cùng thành mụn mủ lõm ở giữa, quanh mụn mủ có quầng viêm đỏ, khi lành để lại sẹo làm mặt rỗ.
- Không dùng kháng sinh liều cao để điều trị chàm sữa, trừ khi bội nhiễm nhưng phải hết sức thận trọng vì dễ gây sốc phản vệ do dùng thuốc.
- Không cho bé ăn các thức ăn dễ dị ứng như trứng, đồ lên men, đậu phộng, cà chua, đồ biển… Không dùng xà phòng giặt đồ hoặc xà phòng của người lớn để tắm cho trẻ.
- Tuyệt đối không dùng corticosteroid có hàm lượng cao dùng cho người lớn để thoa cho bé vì sẽ gây teo da, mất màu da, nếu kéo dài có thể gây suy tuyến thượng thận.