Nghiên cứu đã chỉ ra rằng, các sản phẩm chăm sóc mẹ dùng khi mang thai có thể ảnh hưởng tới độ tuổi dậy thì của con sau này.
- 6 triệu chứng khó chịu nhất trong tam cá nguyệt thứ 3 và lời khuyên của chuyên gia dành cho mẹ bầu
- Những loại quả cực bổ dưỡng nhưng nguy hại không ngờ với mẹ bầu
Các bé gái thường bước vào giai đoạn dậy thì sớm hơn, một trong những nguyên nhân chính đó là từ các sản phẩm mẹ sử dụng trong thời gian mang thai bé, chứ không phải chỉ do sản phẩm bé sử dụng khi con bước vào tuổi thiếu niên.
Một nghiên cứu chỉ ra rằng, các hóa mỹ phẩm mẹ dùng khi mang thai có thể ảnh hưởng tới độ tuổi dậy thì của con sau này.
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Berkeley (Mỹ) đã tìm thấy mối liên hệ đáng lo ngại này nhờ khảo sát các sản phẩm được các bà mẹ sử dụng trong thời kỳ mang thai. Họ phát hiện ra rằng những cô bé đã tiếp xúc với hóa chất thường thấy trong dầu gội, kem đánh răng và xà phòng (do mẹ của bé sử dụng) có thể dậy thì sớm hơn.
"Chúng ta biết rằng một số thứ chúng ta thoa lên cơ thể có khả năng ngấm vào cơ thể. Nguyên do bởi chúng xuyên qua da hoặc do chúng ta hít vào. Chúng ta cũng có thể vô tình ăn phải chúng.
Chúng ta cần biết những hóa chất này ảnh hưởng đến sức khỏe của chúng ta như thế nào. Những hóa chất này được gọi là chất gây rối loạn nội tiết. Chúng hoạt động tương tự như hormone và khiến trẻ lớn phổng lên trước thời gian tự nhiên. Nói cách khác, hóa chất trong các sản phẩm chăm sóc cá nhân có thể làm gián đoạn các hormone thực trong cơ thể chúng ta", Kim Harley - phó giáo sư trợ lý và tác giả chính của nghiên cứu tại Trường Y tế Công cộng tại Berkeley (Mỹ).
Nguyên nhân gây dậy thì sớm từ các sản phẩm chăm sóc cá nhân
Hóa chất thường gây ra dậy thì sớm bao gồm phthalates. Phthalates thường được tìm thấy trong các sản phẩm có mùi thơm như nước hoa, xà phòng và dầu gội đầu. Paraben được sử dụng làm chất bảo quản trong mỹ phẩm là một hóa chất khác cũng ảnh hưởng tới quá trình dậy thì sớm.
Phthalates, paraben và triclosan không bị cấm sử dụng trong các sản phẩm chăm sóc cá nhân. "Bởi không có được bằng chứng rõ rệt về sự gây hại của các chất này tới sức khỏe của con người", bà Kim Harley cho biết.
Nghiên cứu của Đại học Berkeley cũng cho thấy do thói quen sinh hoạt, việc tiếp xúc các hóa chất này là khá phổ biến. Các bậc cha mẹ cần nhận thức được mối nguy hiểm tiềm tàng của các hóa chất này đối với dậy thì sớm ở con cái.
Trong 20 năm qua, nghiên cứu đã chỉ ra rằng các bé gái và có cả các bé trai đang có xu hướng dậy thì ngày càng sớm hơn. Các nhà khoa học đã chỉ ra mối liên hệ giữa dậy thì sớm với nguy cơ mắc bệnh tâm thần, ung thư vú và ung thư buồng trứng ở bé gái. Trong khi đó, dậy thì sớm ở bé trai thường liên quan tới ung thư tinh hoàn. Dậy thì sớm hay còn gọi là phát triển sớm, đối với các bé gái được xác định từ khi có ngực phát triển và bắt đầu xuất hiện kinh nguyệt trước năm 8 tuổi. Ngược lại, tuổi dậy thì trung bình của bé gái "bình thường" là khoảng 11 tuổi.
Trong khi ngành công nghiệp sản xuất hóa mỹ phẩm và chính phủ cần giải quyết những vấn đề này ở cấp độ toàn cầu, cha mẹ vẫn luôn là những "vệ sĩ" hàng đầu có thể giúp con giảm thiểu các yếu tố dẫn đến dậy thì sớm thông qua các lựa chọn chế độ ăn uống và lối sống:
- Khuyến khích con gái nhỏ tránh dùng mỹ phẩm: Chọn sản phẩm gốc tự nhiên nếu con thực sự muốn sử dụng chúng. Nó có thể đắt hơn nhưng không hại cho sức khỏe.
- Tránh sử dụng nhựa càng nhiều càng tốt: Bao gồm việc sử dụng chai nhựa và hộp đựng thức ăn bằng nhựa, đặc biệt khi dùng hộp nhựa để hâm nóng và lưu trữ thực phẩm nóng.
- Trò chuyện với các con về vấn đề tuổi dậy thì: Nhằm mục đích giúp con cảm thấy thoải mái với cơ thể mình.