Phản ứng dữ dội của con gái sau khi ăn miếng hạt điều nhỏ xíu khiến người mẹ không khỏi kinh sợ.
Nếu bạn vẫn chưa hình dung dị ứng thực phẩm có thể đáng sợ tới mức nào, thì hãy lắng nghe câu chuyện của bé Maren Berghaus ở bang Texas (Mỹ). Chỉ một mẩu hạt điều nhỏ xíu đã khiến cơ thể cô bé rơi vào tình trạng phản ứng vô cùng dữ dội.
Hồi đầu tháng này, Julie Berghaus đưa con gái 3 tuổi Maren tới gặp chuyên gia về dị ứng để kiểm tra xem bé có bị dị ứng với một số loại quả hạch nhất định không. Vị chuyên gia đã đưa cho Maren một mẩu hạt điều chỉ bằng 1/10 để ăn. Lúc đầu, có vẻ như cô bé chỉ bị dị ứng nhẹ khi đưa tay gãi gãi mang tai. Vài phút sau, Maren bắt đầu kêu đau bụng, ho và khó thở trước khi bị ngất đi.
Mẹ cô bé kể lại: "Hồi tháng 2, Maren đã được đi kiểm tra da và kết quả là bé bị dị ứng với mọi loại quả hạch. Nhưng con từng ăn vài loại hạt mà không có phản ứng dị ứng gì. Vậy nên, chúng tôi biết kết quả dương tính này không hoàn toàn chính xác. Do đó, chúng tôi đã đặt lịch để con được kiểm tra nguy cơ dị ứng bằng cách ăn trực tiếp qua đường miệng".
Thực ra, Berghaus muốn đăng ký để Maren tham gia một chương trình liệu pháp miễn dịch qua đường miệng. Theo đó, hệ miễn dịch của cô bé sẽ được huấn luyện để không nhận diện tác nhân gây dị ứng bằng cách ăn một lượng nhỏ thực phẩm. "Nhưng chương trình này rất đắt đỏ, diễn ra trong khoảng thời gian dài và đòi hỏi sự hợp tác thường xuyên của người tham gia. Vậy nên, trước khi bắt đầu chương trình, Maren phải được xác nhận về tình trạng dị ứng của mình".
Ngay cả lúc Maren bắt đầu cảm thấy ngứa sau khi ăn mẩu hạt điều, cô bé vẫn không có vẻ gì đáng lo và tiếp tục chơi iPad. Không lâu sau đó, Maren kêu bị đau bụng. Chuyên gia dị ứng tiêm một liều EpiPen cho bé. Liều thuốc có vẻ đã làm dịu các triệu chứng cho Maren.
Tuy nhiên, tất cả chỉ kéo dài được khoảng 10 phút trước khi Maren ngứa trở lại. "Khi kiểm tra, chúng tôi phát hiện cả người con chi chít các mảng phát ban cực kỳ nghiêm trọng".
Maren vẫn tiếp tục chơi iPad nhưng cô bé cũng bắt đầu ho. Khi một y tá tới để kiểm tra các chỉ số sống cho Maren, huyết áp bé giảm mạnh, mạch đập nhanh hơn. Cô y tá đặt ống nghe lên ngực Maren và mặc dù cô bé không hề thở khò khè, nhưng nữ y tá xác nhận, Maren đang gặp vấn đề về hô hấp. Đó chính là lúc mọi người nhận ra, Maren đang rơi vào trạng thái sốc phản vệ.
"Họ nhanh chóng đặt Maren xuống bàn kiểm tra và con sau đó trở nên tím tái cả người", bà mẹ 2 con viết trên Facebook. Sau đó, Maren lại được cho uống albuterol - loại thuốc ngăn ngừa triệu chứng hen suyễn và thêm một mũi EpiPen nữa cùng một loại steroid.
Trong bức ảnh được mẹ cô bé chia sẻ sau này, Maren phải thở bình oxy khi nằm trên bàn kiểm tra. Trên tay Maren đeo một chiếc vòng để đo huyết áp.
Bà mẹ 2 con cho biết, rất may, Maren không gặp phải nguy hiểm gì. "Chỉ mất khoảng 10 phút để thoát khỏi vùng nguy hiểm. Và mất 2 giờ nữa, các mảng phát ban mới lặn hết. Con giờ đã ổn, như thể chưa từng có chuyện gì xảy ra".
Nhưng cô muốn cảnh báo mọi người về tầm quan trọng của việc nhận biết dấu hiệu phản vệ hay còn gọi là tình trạng quá mẫn. Không có gì giống như trên phim hay trên tivi cả. Từ đó, họ mới có thể tìm kiếm biện pháp điều trị phù hợp cho con mình trước khi mọi chuyện trở nên quá muộn.
"Tôi cứ nghĩ sẽ phải chứng kiến cảnh con bị nghẹn, phải vật lộn để hít từng chút không khí vào phổi, nghe tiếng con thở khò khè, nhìn con ôm ngực và cổ. Tôi cứ nghĩ mọi chuyện sẽ diễn ra rất nhanh, rõ ràng và kịch tính. Trên thực tế, không khí rất yên lặng. Và Maren không cho thấy bất cứ rắc rối nghiêm trọng nào mãi cho tới lúc cuối".
Bà mẹ 2 con, vốn là một y tá phòng phẫu thuật, cũng cho biết thêm, cô muốn mọi người biết rằng, các mũi tiêm EpiPen không có gì đáng sợ cả. "Tiêm EpiPen càng sớm càng tốt, ngay khi xuất hiện 2 triệu chứng, như ngứa và đau bụng. Các bạn đừng sợ EpiPen. Nó không làm đau người bị dị ứng, ngay cả khi không thực sự cần phải tiêm EpiPen. An toàn vẫn là trên hết".
Chia sẻ của Berghaus đã nhận được hơn 37.000 phản ứng từ cộng đồng mạng và được chia sẻ hơn 87.000 lần.
Đầu tuần này, Viện Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) đã đưa ra những khuyến nghị mới nhất về việc ngăn ngừa dị ứng thực phẩm ở trẻ em.
Hướng dẫn trước đó nhấn mạnh, cha mẹ nên đợi 4-6 tháng trước khi cho trẻ làm quen với các loại thực phẩm có khả năng gây dị ứng cao như sữa, trứng, cá và lạc.
Trong hướng dẫn mới, AAP cho biết, việc để bé làm quen với lạc từ khi 4 tháng tuổi có thể giúp ngăn ngừa tình trạng dị ứng lạc ở những bé sơ sinh nguy cơ cao.