Phát hiện con trai liên tục xuất hiện những dấu hiệu lạ: chán ăn, đòi ăn đồ ngọt và thậm chí còn đái dầm. Người mẹ đã đúng khi biết có chuyện đáng sợ đang xảy đến với con mình.
- 4 MỐC mẹ bầu buộc phải đi siêu âm để phát hiện 7 DỊ TẬT nghiêm trọng, mốc 1 nhiều người thường bỏ quên
- Cậu bé bị THỦNG DẠ DÀY, biết nguyên nhân khiến nhiều bố mẹ phải giật mình xem lại cách chăm con của mình
Tôi biết có chuyện không ổn với con trai 6 tuổi của mình. Có thể gọi đó là trực giác của người mẹ hoặc cũng có thể do "bệnh nghề nghiệp" - công việc của một nhà văn kiêm quản lý marketing mà tôi đang làm đòi hỏi phải hiểu "con người" và đọc được các dấu hiệu ngôn ngữ cũng như phi ngôn ngữ. Sau kỳ nghỉ lễ Giáng sinh, con gầy đến mức trông con như thể bị chứng chán ăn vậy.
"Chán ăn ở tuổi này cũng là bình thường thôi. Bọn trẻ thường kén ăn lắm. Rồi lại tới giai đoạn con lớn vọt lên cho mà xem", mọi người nói như vậy. Và con trai tôi thì gầy khẳng khiu, hai cánh tay rộc đi, xương sườn lộ cả ra, lớp da mỏng dính trên gò má, nhìn như trong suốt vậy.
Con hoàn toàn mất hết cảm giác ngon miệng. Nhưng con đòi ăn kem và dưa hấu mỗi ngày, như thể con chẳng bao giờ ăn đủ đường vậy. Đó là vào kỳ nghỉ hè và thành thực mà nói, những quy định rồi lịch trình cũng có nới lỏng đôi chút. Đôi khi, bữa tối được bỏ qua. Tôi cố giúp con ăn tối nhưng con không chịu. Rồi tới khoảng sau 10 giờ tối, tôi bắt đầu ngồi lo lắng khôn nguôi. Con nghiện đồ ngọt mất rồi. Làm thế nào mà tôi có thể xử lý chuyện này đây?
Hoàn toàn bất ngờ, con bắt đầu tè dầm. Con nhảy ra khỏi giường khi vừa sáng, chạy sang phòng tôi, má đỏ hồng vì ngượng rồi nói: "Mẹ ơi, mông con ướt rồi". Sau đó, con kêu khát và uống rất nhiều nước. Con chộp lấy bình nước uống tôi thường mang theo tới phòng gym, cầm chặt trong tay rồi tu ừng ực như thể sắp chết khát đến nơi.
Một ngày trước khi trở lại trường, con tỏ ra bồn chồn và hôm sau con về nhà, phàn nàn về cảm giác cực kỳ khó chịu.
"Có lẽ con bị căng thẳng khi vào lớp mới thôi. Anh cũng bị thế hồi còn nhỏ", chồng tôi nói.
Giáo viên mới của con phát hiện thấy con rõ ràng không ổn. Điều này càng làm tôi tin rằng, mối lo ngại của tôi hoàn toàn có cơ sở. Vài ngày sau, tôi đặt lịch hẹn với bác sĩ. Và buổi chiều hôm đó, khi tôi đón con ở trường về, biểu hiện của con cho thấy điều tồi tệ nhất từ trước đến nay. Con uể oải, lờ đờ và thở không ra hơi. Sau đó, con bắt đầu lắp bắp, nói chẳng thành lời khi bác sĩ hỏi con một số câu hỏi. Sau xét nghiệm đường huyết và những lời giải thích của tôi về tình trạng suy sụp của con, bác sĩ khuyên chúng tôi lập tức đưa con tới bệnh viện.
"Chị cần phải đưa cháu tới phòng cấp cứu ngay bây giờ. Đó là tiểu đường tuýp 1. Tôi sẽ gọi trước tới phòng cấp cứu và họ sẽ đợi chị ở đó", đó không phải là những gì tôi muốn được nghe.
Bác sĩ bước vào phòng, xem xét các ghi chép, sau đó, nhìn vào máy tính, nói về các con số rồi cố gắng giải thích cho chúng tôi chuyện gì đang xảy ra. Hai vợ chồng tôi nghe bác sĩ nói, đầu thì gật mà thực sự không hiểu gì mấy.
Sau đêm ở phòng cấp cứu, Christian còn ở lại bệnh viện 4 ngày nữa. Chúng tôi đăng ký một khoá cấp tốc học về cách kiểm soát bệnh tiểu đường. Cảm giác lúc đầu là choáng ngợp. Nhưng rồi chúng tôi bắt đầu hiểu và chấp nhận thực tại: đây chính là cuộc sống của chúng tôi. Cuộc sống với những ngày gặp gỡ chuyên gia ăn kiêng, chuyên gia tiểu đường, nhân viên xã hội, y tá...
Các mũi tiêm insulin, xét nghiệm máu, xét nghiệm xeton, các bài học về thực phẩm đóng đinh tôi lại bên giường bệnh của con. Tôi chỉ thực sự hiểu được phân nửa những gì nghe thấy bởi tôi đang ở trong trạng thái âu lo triền miên.
Khoảng 6 tuần kể từ khi Christian được chẩn đoán mắc tiểu đường tuýp 1, mọi thứ trong cuộc sống của chúng tôi đã đảo lộn. Phần lớn mọi người đều nghĩ rằng, họ biết cách kiểm soát tiểu đường tuýp 1. Nhưng thật khó khăn vô cùng để thấu hiểu, trừ khi bạn thực sự sống chung với nó.
Không có thời gian nghỉ ngơi. Không một ngày nào bạn có được chút thư giãn vì phải kiểm tra đường huyết liên tục, phải lo chuẩn bị cho con ăn gì trong từng bữa. Chưa kể tới việc tiêm 4 mũi insulin mỗi ngày, tới những lần thay đổi tâm trạng thất thường; rồi khi đường huyết tụt xuống mức thấp khiến con có thể bất tỉnh và sau đó là những lần cao chót vót khiến con phải trở vào viện.
Cảm giác mỏi mệt không ngừng nhưng theo thời gian, mọi thứ trở nên dễ dàng hơn. Nhiều tuần trước, tôi thực sự không biết gì về tiểu đường. Tôi chưa bao giờ tiêm cho ai và cũng chưa bao giờ phải nằm viện vì ốm nặng. Nhưng chỉ trong một thời gian rất ngắn, tôi đã học được rất nhiều điều và cho tới giờ, tôi vẫn đang học.
Chúng tôi đã trải qua rất nhiều thăng trầm của cảm xúc nhưng chúng tôi đã dần dần vững bước trên con đường đi của mình. Đã có những giọt nước mắt. Đã có những cơn giận dữ. Đã có những ngày tốt, những ngày xấu. Và đúng vậy, như mọi người vẫn nói, nó sẽ trở thành một phần trong cuộc sống thường ngày. Nhớ lại, tôi ngỡ ngàng nhận ra, con người chúng ta có thể thích nghi nhanh tới mức nào, khi chúng ta không còn lựa chọn. Đó còn là khả năng của chúng ta khi học những điều mới. Là con cái chúng ta, những em bé tuyệt vời, vô cùng can đảm và bền bỉ. Tôi hi vọng câu chuyện này sẽ giúp mọi người nhận thức rõ hơn về tiểu đường tuýp 1 ở trẻ.
Dấu hiệu nhận biết sớm bệnh tiểu đường ở trẻ nhỏ đó là trẻ khát nước, tiểu nhiều, tăng cảm giác đói, nhìn mờ, mệt mỏi… Tiểu đường tuýp 1 là loại tiểu đường thường gặp ở trẻ em, chiếm 90-95% trẻ dưới 16 tuổi.
Các em nhỏ bị bệnh tiểu đường tuýp 1 phải cấp cứu và nhập viện nhiều hơn so với trẻ lớn hơn và thanh thiếu niên. Bệnh tiểu đường tuýp 1 là bệnh tự miễn dịch tiêu diệt các tế bào sản xuất insulin trong tuyến tụy.