Bé tè dầm trong khi ngủ cũng là chuyện không mấy xa lạ với các gia đình có trẻ nhỏ. Nhưng với 9 mẹo nhỏ hay ho này, cha mẹ có thể áp dụng để giúp bé kiểm soát chứng tè dầm hiệu quả hơn.
Tè dầm khi ngủ là hiện tượng bé tiểu tiện không tự chủ được trong lúc ngủ, thường gặp ở trẻ nhỏ từ 4-7 tuổi. Theo số liệu thống kê, có khoảng 15% trẻ ở độ tuổi này vẫn tè dầm ít nhất 2 lần mỗi tuần. Vậy nên nếu bố mẹ thấy bé nhà mình vẫn tè dầm khi ngủ thì đó cũng là chuyện hoàn toàn bình thường. Nhưng làm thế nào để giúp bé kiểm soát và vượt qua được tình trạng tè dầm thì rất cần đến sự khéo léo và phối hợp xử lý cùng con của các bậc cha mẹ.
Thay vì bực bội mỗi lần phải thay chăn ga vì bé trót tè ra lúc ngủ, cha mẹ hãy ghi nhớ 9 mẹo "nhỏ nhưng có võ" này để giúp con hạn chế tình trạng tè dầm buổi đêm nhé.
1. Hạn chế lượng nước uống trước khi đi ngủ
Hạn chế lượng nước bé uống sau bữa tối và trước giờ đi ngủ sẽ giúp giảm lượng nước tiểu sản xuất vào ban đêm. Nhưng mẹ cần lưu ý là hãy cho bé uống đủ nước vào ban ngày để đến giờ ngủ, hệ bài tiết của con sẽ không bị quá tải. Thêm vào đó, bố mẹ hãy giúp con hình thành thói quen đi tiểu trước khi đi ngủ nhé.
2. Hạn chế thực phẩm gây kích thích lợi tiểu
Có một số loại thực phẩm có thể gây kích thích bàng quang ở trẻ nhỏ, làm cho trẻ tè ngay trong khi ngủ vì cơ thể trẻ vẫn chưa có đủ khả năng kiểm soát bàng quang. Mẹ tránh cho bé dùng các loại đồ ăn, thức uống có nhiều axit như nước ép trái cây có chanh, cam, dứa, táo hoặc việt quất.
3. Đánh thức và cho bé đi tiểu đêm
Các chuyên gia gợi ý cha mẹ thiết lập khung giờ đi tiểu đêm và đánh thức bé dậy để vệ sinh, dần dần tạo cho bé thói quen tự mình thức dậy và đi tiểu đêm. Mẹ có thể theo dõi số lần, tần suất con đi vệ sinh trong ngày và đánh thức bé dậy để tránh bé tè dầm ra giường. Ví dụ, nếu con bạn đi vệ sinh 7 lần một ngày với tần suất 3 tiếng mỗi lần, vậy hãy đánh thức bé dậy cho đi tiểu cứ sau 3 tiếng. Sau đó tăng dần thời gian lên 4 tiếng và cuối cùng là mỗi đêm 1 lần.
4. Tích cực bổ sung magiê
Theo nghiên cứu được thực hiện bởi Trung tâm lâm sàng quốc gia Mỹ (National Clinical Center), một trong những nguyên nhân khiến trẻ tè dầm khi ngủ đêm là do thiếu magiê trong chế độ ăn uống. Thiếu magiê làm cho hệ thống thần kinh phản ứng kém hơn, không nhận biết được tín hiệu khi nào thì cần đi tiểu nên tiểu luôn không tự chủ. Mẹ hãy tích cực bổ sung và kết hợp thực phẩm giàu magiê trong chế độ ăn uống của bé như hạt vừng, bơ, chuối, cá hồi, các loại đậu và đậu phụ.
5. Theo dõi, ghi chép hoạt động của con
Việc cha mẹ theo dõi và ghi chép lại tỉ mỉ các hoạt động sinh hoạt, thức ăn, đồ uống, tình trạng tinh thần, cảm xúc và thể chất của con sẽ giúp tìm hiểu và biết chính xác nguyên nhân khiến con tè dầm buổi đêm là gì. Có thể một số loại thực phẩm khi ăn vào khiến trẻ bị kích thích hoặc các loại đồ uống kích hoạt phản ứng của hệ thần kinh. Từ đó cha mẹ sẽ biết cách giúp con khắc phục tình trạng này.
6. Trò chuyện với con
Khi thấy con có hiện tượng tè dầm, cha mẹ hãy thử trò chuyện cùng con, tất nhiên không phải về việc con tè dầm mà là tìm hiểu tâm lý, trạng thái cảm xúc của con. Nếu trẻ đã và đang trải qua một sự thay đổi lớn nào đó trong cuộc sống hàng ngày hay ở trường học hoặc bất kỳ tình huống cảm xúc nào khác có thể khiến trẻ bị căng thẳng, lo lắng, thì đây có thể là nguyên nhân khiến trẻ tè dầm. Tình trạng này sẽ biến mất khi trẻ quen với sự thay đổi đó. Cha mẹ hãy trấn an và giúp bé giữ tinh thần thoải mái.
7. Cài đặt thiết bị báo động
Trên thị trường có loại thiết bị nhỏ được gắn vào quần chip của bé, nếu phát hiện độ ẩm bắt đầu tăng hay có dấu hiệu tiết nước tiểu thì chuông báo sẽ kêu lên. Lúc này cha mẹ có thể đánh thức bé dậy và cho bé đi vệ sinh ngay. Sau một thời gian, chuông báo đái dầm sẽ luyện cho cơ thể con cơ chế tự cảm nhận được khi bàng quang đầy và con sẽ tự thức dậy đi vệ sinh lúc nửa đêm.
8. Động viên con tích cực cải thiện tình trạng
Những lời khen ngợi, động viên của cha mẹ có ý nghĩa vô cùng lớn trong việc tạo tâm lý thoải mái và bớt lo sợ ở trẻ. Cha mẹ có thể khen ngợi nếu bé có tiến bộ và tích cực tìm giải pháp cho tình trạng tè dầm của bản thân như đi tiểu trước giờ đi ngủ, uống ít nước vào buổi tối, ăn các món ăn giàu magiê.
9. Giao phó trách nhiệm cùng dọn dẹp giường
Việc trẻ tè dầm ra giường tuy không phải là bệnh lý nghiêm trọng nhưng sẽ ảnh hưởng một phần đến tâm lý của trẻ. Thay vì tạo tâm lý áp lực, quát mắng trẻ khiến trẻ cảm thấy tội lỗi, xấu hổ thì cha mẹ hãy đề nghị con cùng dọn dẹp chăn, giường, thay ga mới, cùng giao phó trách nhiệm cho con thực hiện và ý thức hơn về tình trạng của mình.
Tuy nhiên, bố mẹ hãy tham khảo ý kiến bác sĩ nếu thấy tình trạng tè dầm của con có những dấu hiệu sau:
- Trẻ trên 5 tuổi và tè dầm liên tục cả ban ngày lẫn ban đêm
- Trẻ trên 7 tuổi và tè dầm liên tục lúc ngủ đêm
- Trẻ trên 5 tuổi nhưng đột nhiên bắt đầu tè dầm