Nhận biết và có cách dạy trẻ chậm nói sớm là điều quan trọng để bé có thể theo kịp bạn bè cùng trang lứa.
Trẻ chậm nói là một vấn đề được rất nhiều bậc phụ huynh quan tâm, đặc biệt khi bé chậm nói càng lúc càng trở nên phổ biến ở trẻ nhỏ. Chậm nói có thể cản trở quá trình giao tiếp và hòa nhập với cộng đồng của bé. Vì vậy bố mẹ cần sớm nhận biết dấu hiệu và thực hiện những >cách dạy trẻ chậm nói nhanh bắt kịp bạn bè.
1. Trẻ mấy tháng biết nói?
Mỗi bé có sự phát triển không giống nhau, có bé biết nói sớm, có bé biết nói muộn hơn. Đây là điều hoàn toàn bình thường, bố mẹ không cần quá lo lắng. Tuy nhiên, nếu bé đã bước qua cột mốc phát triển ngôn ngữ bình thường quá lâu mà vẫn chưa thể giao tiếp, nói chuyện bình thường như những bé khác thì bố mẹ cần đặc biệt chú ý theo dõi.
Sau đây là các giai đoạn phát triển ngôn ngữ bình thường của bé mà bố mẹ cần biết:
- Từ 3-6 tháng tuổi: Theo tiêu chuẩn phát triển bình thường, bé từ 3 đến 6 tháng tuổi đã biết cười, biết hóng chuyện và chăm chú lắng nghe khi mọi người xung quanh nói chuyện. Khi được 5-6 tháng tuổi bé cũng đã bắt đầu biết ê, a,…để nói chuyện và thể hiện cảm xúc.
- Từ 6-9 tháng tuổi: Bé bắt đầu phát âm được những từ có 2 âm tiết đơn giản, dễ nói như ma ma, ba ba…Đồng thời bé sẽ bập bẹ nói chuyện với người quen, bắt chước lại âm thanh mọi người xung quanh nói.
- Từ 9-12 tháng tuổi: Bé có thể phát âm được những câu dài nhưng câu từ chưa rõ ràng mà chỉ gồm nững tiếng ê, a hoặc phát ra âm có ngữ điệu để cố gắng trao đổi thông tin… Một số bé phát triển nhanh có thể nói được khoảng 3 từ. Bé cũng bắt chước cử động miệng của người lớn.
- Từ 12-15 tháng tuổi: Bé có thể nói được câu khoảng 4 từ. Ở giai đoạn này, bé cũng biết cách ghép và sắp xếp các từ thành câu đúng trật tự.
- Bé 2 tuổi: Bé biết khoảng 50 đến 75 từ và biết xâu chuỗi các từ lại thành cụm từ, câu. Bé biết chào mọi người, biết từ chối khi không thích. Giai đoạn này là giai đoạn bé đang phát triển ngôn ngữ, bố mẹ cần kiên nhẫn dạy bé ngữ pháp và bổ sung từ vựng cho bé.
- Từ 2,5-4 tuổi: Bé sử dụng các câu dài hơn, thường trên 3 từ. Vốn từ vựng của bé khoảng từ 300 đến 1000 từ. Bé sẽ rất thích nói và ca hát. Bé có khả năng đặt câu hỏi đơn giản, cũng như trả lời các câu hỏi của bố mẹ. Bé cũng thích miêu tả mọi thứ xung quanh bé gặp.
2. Dấu hiệu trẻ chậm nói
Nếu biết cách dạy trẻ chậm nói sớm, bé có thể có cơ hội theo kịp bạn bè cùng trang lứa. Sau đây là các dấu hiệu giúp bố mẹ nhận biết bé bị chậm nói:
- Bé sơ sinh: Bé không phản ứng với âm thanh hoặc không phát ra âm thanh nào đặc biệt cần chú ý.
- 3-4 tháng tuổi: Bé ít mỉm cười, ít giao tiếp bằng mắt. Bé không gây tiếng ồn hoặc gây tiếng ồn nhiều quá mức.
- 4-7 tháng tuổi: Bé gặp khó khăn khi ngồi, không phản ứng với âm thanh và lời nói xung quanh. Bé không tương tác với đồ vật và thờ ơ với mẹ hoặc bố.
- 7-12 tháng tuổi: Bé không bò, gặp khó khăn khi đứng thẳng, ít tò mò, ít nói và không sử dụng ngôn ngữ cơ thể.
- 12-24 tháng tuổi: Bé không lặp lại và bắt chước lời nói của mọi người. Bé không hiểu các yêu cầu đơn giản từ người lớn. Bé không thể phát âm tối thiểu 6 từ khác nhau.
- Trên 2 tuổi: Bố mẹ cần đưa bé đi khám khi bé có một trong các biểu hiện chậm nói sau: Bé chỉ có thể bắt chước âm thanh hoặc hành động mà không thể tự phát âm các từ, cụm từ. Bé chỉ nói một số từ lặp đi lặp lại và không thể giao tiếp để thể hiện những nhu cầu thiết yếu. Bé không tuân theo các yêu cầu đơn giản. Người lớn không hiểu bé nói gì.
3. Những cách dạy trẻ chậm nói
Nếu bé bị chậm nói kèm với các dấu hiệu tự kỉ thì bố mẹ cần đưa bé đi khám để được chữa trị phù hợp. Với các bé chậm nói bình thường, bố mẹ có thể áp dụng các phương pháp sau để dạy bé giao tiếp.
- Tích cực nói chuyện với bé: Dù bé không thể nói hay phản ứng lại thì bố mẹ vẫn nên nói chuyện thường xuyên với bé. Việc này sẽ giúp bé cản thiện khả năng ngôn ngữ, giao tiếp và ghi nhớ từ vựng. Đặc biệt, bố mẹ nên tích cực nói với bé mọi lúc mọi nơi. Khi đang làm bất cứ việc gì cũng nên mô tả cho bé hiểu.
- Sử dụng hình ảnh trực quan: Một trong những cách dạy trẻ chậm nói hiệu quả là sử dụng hình ảnh trực quan. Khi bé nhìn thấy vật gì hoặc làm hành động gì thì bố mẹ hãy miêu tả sự việc bằng một hai từ đơn giản để giúp bé nhớ từ vựng và học cách phát âm.
- Trả lời bé: Mẹ nên quan sát để hiểu bé muốn nói gì. Đặc biệt khi bé nói chuyện, mẹ nên trả lời lại để khuyến khích bé tập nói.
- Không bắt chước ngôn ngữ của bé: Khi bé chậm nói, bé sẽ phát âm không chuẩn. Bố mẹ không nên bắt chước những câu đó vì dễ khiến bé hiểu nhầm là bé nói đúng. Các dạy bé tốt nhất là bố mẹ cần sửa để bé phát âm chuẩn. Bố mẹ chỉ cần kiên nhẫn nhắc đi nhắc lại nhiều lần bé sẽ có tiến bộ.
- Tiếp xúc với nhiều người: Dù trẻ con chưa thể nói chuyện được như người lớn nhưng chúng có ngôn ngữ riêng với nhau. Vì vậy mẹ hãy tạo cơ hội cho bé gặp gỡ bạn bè cùng tuổi để bé phát triển khả năng ngôn ngữ, giao tiếp.
- Hạn chế cho bé xem ti vi, điện thoại: Xem tivi, điện thoại là cách tương tác một chiều không có hiệu quả cho bé tập nói. Vì vậy trong giai đoạn bé đang phát triển ngôn ngữ, bố mẹ nên hạn chế cho bé sử dụng các thiết bị này và cố gắng dành nhiều thời gian nói chuyện, tương tác với bé.