Con có thể vượt xa các yêu cầu giáo viên đặt ra thế nhưng vẫn không chịu tập trung khi học ở trên lớp, cha mẹ cùng tìm nguyên nhân thực tế sau đây.
Hầu như tất cả trẻ em đều thích đi học. Ngoài việc được đến trường vui chơi cùng các bạn, con còn rất thích được nghe các thầy cô giảng bài, háo hức làm bài tập, thậm chí có bé còn "nuốt" từng lời thầy cô nói.
Tuy nhiên, trên thực tế, có nhiều học sinh có năng khiếu lại hành xử hoàn toàn ngược lại: Con không tập trung chú ý nghe giảng và thường không làm bài tập về nhà.
Vì sao con có năng khiếu lại không tập trung trong học tập?
Các cha mẹ rất khó phân biệt được thế nào là trẻ có năng khiếu và thế nào được gọi là >trẻ thông minh bởi những đứa trẻ này đều có thể sẽ đứng đầu lớp về thành tích học cũng như về điểm số. Song, nếu để ý kỹ, cha mẹ sẽ nhận ra có sự khác biệt quan trọng giữa hai nhóm trẻ này.
Trong khi trẻ thông minh có xu hướng quan tâm đến các yêu cầu của bài tập và hoàn thành để làm hài lòng các giáo viên. Trẻ có năng khiếu lại chỉ dành sự tập trung vào một phần của bài tập hoặc bài học mà con cho là cần thiết và bỏ qua những phần còn lại. Đồng thời con không quan tâm quy định yêu cầu của thầy cô.
Đôi khi, con có năng khiếu có thể vượt xa các yêu cầu nhiệm vụ mà giáo viên đặt ra nhất là khi được tự tìm tài liệu để trình bày trước lớp. Thế nhưng, tại sao con vẫn bị giáo viên chê?
Ban đầu mới đi học, học sinh nào cũng rất chăm chú nghe giảng và thích học. Bởi trong suy nghĩ, con mong muốn trường học sẽ là nơi cung cấp nhiều kiến thức và kỹ năng mà con chưa biết. Nhưng rồi sau một thời gian, những đứa trẻ có năng khiếu nhận ra rằng thầy cô dạy toàn những điều mà con đã biết.
Ví dụ như khi mới vào lớp 1, các thầy cô sẽ dạy từng nét thẳng, nét móc, rồi mới đến dạy viết chữ a, chữ b, số 1, số 2…trong khi đó, con đã có thể đọc làu làu và làm toán trong phạm vi 10 một cách thuần thục.
Ngay cả khi thông tin trong bài học là những điều mới mẻ đối với con, thì với một bộ óc siêu việt, con sẽ tiếp thu và học nhanh hơn so các bạn đồng trang lứa. Nếu các bạn cần lặp đi lặp lại một khái niệm từ 9 đến 12 lần để nhớ, thì với những đứa trẻ có năng khiếu, con sẽ nhớ các khái niệm chỉ sau 1 đến 2 lần lặp lại.
Các trường học hiện nay đều xây dựng một mô hình giảng dạy chung cho tất cả các em học sinh, do đó, các bài học, bài tập được thiết kế để phục vụ chung cho tất cả các đối tượng học sinh này. Điều này có nghĩa là khi một đứa trẻ có năng khiếu không hề biết chữ bắt đầu đi học mẫu giáo, thì con cũng chỉ cần mất một tuần là đã có thể nhớ hết tất cả các mặt chữ cái. Và quãng thời gian sau đó, trong khi các bạn ôn luyện thì những bài học này lại khiến con cảm thấy bực bội và mất hứng thú.
Trẻ em có năng khiếu cần rất nhiều sự kích thích trí tuệ và nếu con không được nhận điều này từ giáo viên, con sẽ thường tự cung cấp cho mình bằng cách "thả hồn đi lang thang với những suy nghĩ thú vị hơn". Lúc này trông con chẳng khác gì những cô bé cậu bé đang mơ mộng nhìn ra ngoài cửa sổ, nhưng có khi trong đầu lại toàn là những câu hỏi như làm thế nào mà con chim có thể bay được, hoặc vì sao chiếc lá lại rụng?...
Điều đáng ngạc nhiên là mặc dù lơ đãng, nhưng con có thể trả lời vanh vách các câu hỏi mà giáo viên đặt ra. Tuy nhiên, cũng có những lúc con chìm đắm trong thế giới riêng của mình sâu đến nỗi con không nghe giáo viên nói gì, ngay cả khi thầy cô gọi đúng tên.
Đối với giáo viên, hành động mơ mộng của con là minh chứng cho việc con không thích học. Lại cộng thêm việc đôi khi con không hoàn thành bài tập hoặc thầy giáo gọi không nghe đã khiến các thầy cô có định kiến rằng con là một học sinh lười biếng.
Vậy làm thế nào để giúp con tập trung học?
Rất khó để thuyết phục các thầy cô giáo tin rằng con rất thích học và chỉ do những bài học trên lớp quá đơn giản nên con mới không quan tâm. Vì vậy, bước đầu tiên mà cha mẹ cần làm là nói chuyện với giáo viên của con.
Thay vì nói với thầy cô là con cảm thấy buồn chán về bài giảng hoặc con rất thông minh như kiểu thần đồng, thì cha mẹ nên nói về nhu cầu của con. Bởi chê bai bài giảng của thầy cô, cha mẹ chỉ nhận lại được sự phòng thủ, còn khen ngợi con mình thì giáo viên sẽ nghĩ rằng cha mẹ đang đánh giá trẻ quá cao. Do đó, nói về nhu cầu của con là lựa chọn thông minh dành cho cha mẹ.
Ví dụ: Cha mẹ hãy nói với thầy cô là con sẽ tập trung chú ý hơn nếu được giao bài khó. Nếu giáo viên nghi ngờ, hãy bảo thầy cô thử giao cho con một lần xem sao. Kết quả sẽ nói lên tất cả.
Bên cạnh đó, cha mẹ nên cho con được tham gia vào các hoạt động học tập đi đôi với thực hành để con vừa yêu thích việc học, vừa được thỏa mãn nhu cầu tìm hiểu của mình. Đồng thời, một chỗ học yên tĩnh, thoáng mát, đầy đủ các dụng cụ học tập cũng một chất xúc tác kích thích con tập trung học.
Ngoài ra, cha mẹ có thể cùng con đọc sách, làm bài tập về nhà, và khen ngợi mỗi lần con tập trung học xong bài. Cuối tuần, cha mẹ có thể cho con đi thư viện, viện bảo tàng hoặc các khu triển lãm để con vừa thư giãn vừa mở mang thêm kiến thức của mình