Sự nổi giận vô cớ của trẻ với mẹ thực chất không phải vì chúng hỗn láo. Lý do đằng sau sẽ khiến các bà mẹ vô cùng ấm lòng.
Có một điều rất kỳ lạ ở nhiều đứa trẻ! Đó là khi ra ngoài đường, gặp người lạ, trẻ thường gọi dạ bảo vâng, cư xử rất lễ phép. Thế nhưng khi ở nhà, chúng lại không cư xử với mẹ như vậy.
Nhiều trẻ thường nổi nóng vô cớ với mẹ, hay đòi hỏi những điều rất vô lý. Khi không được đáp ứng, chúng bắt đầu tức giận và la hét, cư xử không đúng mực. Điều này khiến cho các bà mẹ vô cùng buồn phiền.
Thật ra, trẻ cư xử như vậy không phải vì ghét mẹ. Cơn giận dữ của trẻ chính là một tín hiệu: "Con cần mẹ!". Và những hành vi không đúng mực của trẻ cũng chỉ nhằm mục đích thu hút sự chú ý của mẹ.
Với bất kỳ đứa trẻ nào, mẹ cũng là "nguồn cung cấp" cho mọi nhu cầu cơ bản như đồ ăn, sự an toàn,... Đó là lý do trẻ thường xúc động mạnh hơn khi có mẹ ở bên. Có thể nói mẹ chính là "vùng an toàn" mà ở đó, trẻ được nũng nịu, vòi vĩnh. Đây chính là điều mà Tiến sĩ, chuyên gia Giáo dục Mỹ Ann Corwin lý giải.
Mẹ là vùng an toàn của con
Như đã nói ở trên, với mọi đứa trẻ, mẹ đều là "vùng an toàn". Trẻ em không có xu hướng thể hiện toàn bộ cảm xúc của mình với những người mà chúng không tin tưởng. Nếu bạn nghĩ rằng, con dành hết sự tồi tệ để cư xử với mình thì điều đó không hề đúng!
Có thể nói, trẻ đã dành hết sự tin tưởng để thể hiện cảm xúc thật, giận dữ, vòi vĩnh mẹ. Bởi chúng biết mẹ là người an toàn nhất, gần gũi nhất, đáng tin cậy nhất. Nói một cách khác, sự giận dữ của trẻ chính là một cách tôn vinh mẹ: "Con cảm thấy an toàn và thoải mái khi ở bên mẹ!".
Mẹ cần làm gì để đối phó với cơn giận của trẻ
Dù biết rằng, hành vi giận dữ của trẻ là bởi chúng cảm thấy an toàn và thoải mái khi ở bên mẹ nhưng chúng ta vẫn phải có biện pháp để dạy dỗ, uốn nắn. Điều này sẽ giúp trẻ không sa vào những thói quen xấu. Dưới đây là một số giải pháp mà các mẹ có thể tham khảo:
- Để trẻ giận dữ và tự bình tĩnh lại: Mẹ hãy cho trẻ thời gian và không gian riêng khi chúng nổi nóng, để chúng tự suy xét lại hành động của mình và dịu dần cơn tức tối. Mẹ chỉ cần đảm bảo, trẻ không tự làm tổn thương mình hay bất cứ ai xung quanh là được.
- Cho trẻ cơ hội trút giận: Nếu trẻ đi học cả ngày thì có nghĩa chúng đã phải giữ thái độ tốt, nề nếp trong một thời gian dài. Và việc được thoải mái, sống với bản tính khi trở về nhà là điều cần thiết. Giận dữ không phải điều duy nhất có thể giúp trẻ xả stress. Thay vào đó, mẹ có thể tạo ra một số hoạt động khác như: chơi đùa ở công viên, vẽ tranh hay đọc truyện,…
- Hãy cho trẻ thêm thời gian với bố: Nếu trẻ giao tiếp với bố ít hơn thì có khả năng chúng đối xử với bố tốt hơn. Thỉnh thoảng, mẹ hãy nhờ bố tắm hoặc cho trẻ ăn, bất cứ khi nào mẹ cảm thấy trẻ lại bắt đầu nổi giận.
- Nói chuyện thẳng thắn với trẻ: Nếu trẻ đã đủ lớn và có nhận thức thì mẹ hãy nói chuyện thẳng thắn, giải thích cảm xúc của mẹ mỗi khi trẻ nổi nóng vô cớ. Mặc dù hành động của trẻ thể hiện sự tin tưởng nhưng mẹ vẫn cần có hình phạt.
Tất nhiên, mẹ sẽ luôn ở bên để an ủi và giúp đỡ trẻ, nhưng mẹ cũng có cảm xúc và cần được tôn trọng!