Nóng giận mất kiểm soát - kẻ thù lớn nhất của các ông bố bà mẹ trong giáo dục con trẻ
Trên đời, không có gì khó khăn, nguy hiểm hơn việc >nuôi dạy con trẻ. Nếu không may mắc sai lầm, sau này rất có thể sẽ hình thành nên các thói xấu hay một số tác hại nào đó khác mà họ không thể lường trước. Một đứa trẻ lớn lên với tính cách thế nào, suy nghĩ ứng xử ra sao, tất cả đều phụ thuộc vào sự dẫn dắt của cha mẹ.
Tuy nhiên, dù có dạy con theo cách nào đi chăng nữa thì hầu hết các ông bố bà mẹ đều mắc phải một căn bệnh chung: nóng giận mất kiểm soát.
1. Nóng giận hình thành nên bóng đen tâm lý cho trẻ nhỏ
Một chuyên gia giáo dục đã chỉ ra: "Thất bại trong việc dạy con không nằm ở vấn đề điều kiện kinh tế, mà mấu chốt nằm ở khả năng tiết chế cảm xúc cá nhân của cha mẹ".
Phần lớn các bức xúc trong cuộc sống đều xuất phát từ vấn đề kinh tế. Kiếm được một đồng thì khó mà việc gì cũng phải cần đến tiền. Vì thế, áp lực về tiền bạc luôn khiến các bậc cha mẹ cảm thấy mệt mỏi và nặng nề, dẫn đến dễ dàng bộc phát nóng giận trước lỗi lầm của trẻ nhỏ.
Đại đa số các bậc phụ huynh cho rằng, con họ trở nên dễ bảo và nghe lời hơn sau khi bị ăn mắng. Tuy nhiên, điều này vô hình chung gây ra một bóng đen tâm lý cho con trẻ. Việc con trẻ không lặp lại những lỗi lầm trước đó không có nghĩa là chúng đã thực sự hối lỗi, mà là do cảm giác sợ hãi, bất an đối với chính bố mẹ của mình.
2. Nóng giận là một căn bệnh di truyền
Môi trường sống hình thành nên tính cách của con trẻ. Môi trường tốt sẽ tạo ra một đứa trẻ tốt và ngược lại. Vì thế, nếu một đứa trẻ phải sống chung với những ông bố bà mẹ dễ bùng phát tức giận, trong tương lai chúng cũng sẽ phát triển theo xu hướng tiêu cực như vậy, thậm chí nghiêm trọng hơn sẽ còn có hơi hướng bạo lực.
Vì thế, dù vô tình hay cố ý thì những đứa bé đều sẽ trở thành nạn nhân của những cơn nóng giận, chỉ có thể chấp nhận bị chúng đeo bám và dày vò từ tuổi thơ cho đến tận khi trưởng thành.
3. Nóng giận là vũ khí phá vỡ tình thân đáng sợ nhất
Nếu một đứa trẻ nhìn thấy bố mẹ đang nổi giận, sẽ chẳng đời nào chúng dám chủ động tiến đến để làm thân hay bắt chuyện. Bởi suy nghĩ của chúng rất đơn giản, bị mắng tức là bị bố mẹ ghét bỏ. Chúng chẳng thể đưa ra các lý do khác để giải thích cho những cơn thịnh nộ của bố mẹ, cuối cùng sẽ tự đổ lỗi lên bản thân và dần hình thành lối suy nghĩ tự ti, khép kín.
Điều này sẽ càng trở nên nghiêm trọng hơn khi con trẻ trưởng thành. Bởi nếu không xây dựng được mối quan hệ thân thiết từ khi chúng còn nhỏ thì khoảng cách ấy sẽ ngày càng bị kéo dãn tỉ lệ thuận với thời gian mà chúng lớn lên. Nhất là trong những giai đoạn con cái gặp phải các vấn đề tâm lý, những thay đổi về cơ thể, chúng tuyệt nhiên không mở lời tâm sự mà sẽ loay hoay tự mình giải quyết tất cả. Và vì thế, bố mẹ sẽ không thể phát huy hết vai trò của mình. Đồng nghĩa với việc, những dấu mốc trưởng thành của con cái sẽ không hề có bóng dáng hay bất cứ kỉ niệm gì với bố mẹ mình.
Chặng đường phát triển của trẻ nhỏ là một quá trình tự phản chiếu và tự điều chỉnh. Vì thế, thay vì tức giận, rập khuôn con phải làm thế này thế kia thì mỗi ông bố bà mẹ nên có đủ kiên nhẫn để tin tưởng rằng con trẻ chắc chắn có đủ khả năng để tự nhìn nhận và sửa chữa lỗi sai của mình.