10 quan niệm dạy con sai lầm nhiều mẹ Việt có thể đang mắc phải

Bài học làm mẹ 25/03/2018 07:10

Việc nhận ra những quan niệm dạy con sai lầm sẽ giúp cha mẹ nhanh chóng phát hiện ra “lỗ hổng” trong cách dạy con và có phương án thích hợp để cải thiện, đồng thời tiếp cận được với những phương pháp nuôi dạy trẻ tích cực hơn.

Cha mẹ nào cũng mong muốn mang lại những điều tốt nhất cho con và được thể hiện tình cảm yêu thương dành cho con của mình. Tuy nhiên, một số phụ huynh lại mắc lỗi trong phương pháp dạy con khiến con càng trở nên ương bướng, có hành xử không tốt và chưa đúng đắn.

10 quan niệm dạy con sai lầm nhiều mẹ Việt có thể đang mắc phải - Ảnh 1

 Sai lầm số 1: Phản ứng thái quá khi con mắc lỗi

Hãy lấy 1 ví dụ, bé làm đổ chai sữa lên bàn ăn và thông thường cha mẹ sẽ ngay lập tức nổi cơn thịnh nộ, la mắng trẻ. Đây là một phản ứng thái quá của cha mẹ đối với hành động của con. Thực ra khi trẻ thấy cha mẹ tức giận và la mắng như vậy sẽ càng cảm thấy có lỗi, sợ hãi và kết quả là trẻ sẽ òa khóc, điều này lại càng khiến người lớn căng thẳng hơn và rất dễ xảy ra xung đột.

Thay vào đó, cha mẹ hãy bình tĩnh và rủ con cùng dọn dẹp đống lộn xộn: “Mẹ con mình cùng dọn bàn ăn cho sạch nhé”. Và tất nhiên bé cũng sẽ có phản ứng tích cực với lời đề nghị không thể tốt hơn của mẹ thay vì bật khóc, sợ sệt.

Sai lầm số 2: Liên tục phàn nàn, trách mắng con

Những lời trách mắng có tác dụng giúp trẻ nhận ra lỗi lầm của mình và cải thiện tốt hơn. Thế nhưng nếu cha mẹ liên tục phàn nàn, chỉ trích con mọi lúc mọi nơi thì sẽ phản tác dụng, khiến trẻ trở nên nhút nhát và không còn muốn tâm sự với cha mẹ nữa. Điều này chắc chắn sẽ khiến mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái trở nên xấu đi.

Các bé sẽ cảm thấy xấu hổ và tự ti hơn nếu cha mẹ liên tục mắng mỏ, chỉ trích lỗi của trẻ thay vì nhấn mạnh và khuyến khích hành động tốt, thành tích mà trẻ đã đạt được.

10 quan niệm dạy con sai lầm nhiều mẹ Việt có thể đang mắc phải - Ảnh 2
Thường xuyên trách mắng về lỗi lầm của con càng khiến trẻ tự ti, xấu hổ và dễ mắc lỗi hơn (Ảnh minh họa).

Sai lầm số 3: Thường xuyên kêu ca, phàn nàn về cuộc sống trước mặt con

Sự mệt mỏi khi phải thức trông con, làm thế nào để có thêm thời gian rảnh rỗi, hoặc những khoản chi phí phát sinh trong gia đình như tiền học cho con, chi phí mua bỉm, sữa, thức ăn… Tất cả những vấn đề trong cuộc sống đều được cha mẹ kể lể và than vãn trước mặt con. Điều này sẽ tạo ra một môi trường không lành mạnh đối với các bé. Bé liên tục phải hứng chịu sự mệt mỏi của người lớn, dẫn đến khả năng bé cũng bị căng thẳng và lo lắng theo cùng. Thậm chí, trẻ có thể tự vấn rằng liệu con có phải là lý do khiến cha mẹ cảm thấy mệt mỏi như vậy không, và nếu không có con thì liệu cha mẹ có giảm bớt áp lực đi không?

Sai lầm số 4: Không giữ đúng lời hứa với con

Trong cuộc sống, có những tình huống thường gặp khiến cha mẹ mắc lỗi đó là lúc muốn từ chối yêu cầu nào đó của con trẻ bằng cách đánh lừa trẻ dưới dạng lời hứa suông. Chẳng hạn, mẹ cần đi ra ngoài gấp trong khi bé lại nằng nặc đòi đi theo. Và để từ chối yêu cầu của con, mẹ thường đưa ra lời hứa đầy hấp dẫn: “Con ở nhà ngoan, mẹ đi về sẽ mua búp bê/đồ chơi/bánh kẹo cho con”. Sau đó, bé sẽ ở nhà chờ đợi, trông ngóng mẹ về với phần quà như đã hứa, nhưng thực chất chỉ là chiêu thức đánh lừa và mẹ sẽ quên ngay lời hứa đó sau khi vừa nói xong.

Giữ lời hứa với trẻ, tạo sự tin tưởng giống như cầu nối niềm tin giữa cha mẹ và con cái cũng như rút ngắn khoảng cách giữa hai thế hệ. Chính vì vậy khi đã hứa với con trẻ điều gì, cha mẹ hãy cố gắng thực hiện lời hứa của mình để khiến trẻ luôn cảm thấy vững chãi, tin cậy vào cha mẹ đồng thời giúp trẻ hình thành thói quen giữ lời hứa sau này.

10 quan niệm dạy con sai lầm nhiều mẹ Việt có thể đang mắc phải - Ảnh 3
Đừng hứa hẹn với con khi mà mẹ không thể giữ lời và cảm thấy không chắc chắn (Ảnh minh hoa).

Sai lầm số 5: Nói xấu người khác trước mặt con

Đối với con cái, bố mẹ chính là người thầy đầu tiên, những hành động, việc làm, lời nói của nói của bố mẹ có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển toàn diện của các bé, thậm chí khi lớn lên, các bé sẽ trở thành “bản sao hoàn hảo” của bố mẹ. Việc cha mẹ dù vô tình hay cố ý nói xấu người khác (bạn bè, đồng nghiệp, hàng xóm) trước mặt con cũng không phải là cách hay và hoàn toàn không nên bởi trẻ sẽ bị ảnh hưởng và có suy nghĩ theo chiều hướng như cha mẹ đang nói về người thứ 3 đó. Kể cả những lời nói bình phẩm, nhận xét là vô hại nhưng trẻ cũng sẽ ấn tượng và đặt nghi vấn, khiến mối quan hệ giữa trẻ và người đó xấu đi.

Sai lầm số 6: Giám sát, bảo vệ con quá mức

Những ông bố bà mẹ dạy con theo phong cách phụ huynh trực thăng (helicopter parents) thường “lởn vởn” quanh con như chiếc trực thăng với mục đích giám sát và bảo vệ con một cách thái quá. Ví dụ như can thiệp quá sâu vào các mối quan hệ bạn bè của con, xem con chơi với những ai, có chơi với các” phần tử” hư hỏng hay không được phép chơi cùng hay không, con có được đóng vai chính trong vở kích của trường hay không… Cách làm này cũng dễ khiến trẻ cảm thấy bị áp lực và không được tôn trọng, lâu dần cha mẹ vô tình biến con thành đứa trẻ ỷ lại và không thể phát triển các kĩ năng sống cần thiết.

Sai lầm số 7: Sắp xếp thời gian biểu cho con quá chặt chẽ

Có thể nhiều cha mẹ nghĩ rằng áp đặt cho trẻ 1 thời gian biểu chặt chẽ sẽ giúp trẻ đi theo đúng lộ trình phát triển, nhưng thực tế trẻ con vẫn là trẻ con, và chúng rất cần những khoảng thời gian được hoàn toàn thoải mái, tự do, không gò ép để vui chơi, sáng tạo. Nếu quá ép trẻ vào khuôn khổ mà không quan tâm đến nhu cầu chính đáng của trẻ thì hệ quả tất yếu là sự mệt mỏi, buồn phiền và trẻ không còn hứng thú, nhiệt tình nữa. Chính vì vậy, cha mẹ cần bố trí, sắp xếp cho con thời gian biểu hợp lý và lắng nghe nguyện vọng, mong muốn chính đáng của trẻ.

10 quan niệm dạy con sai lầm nhiều mẹ Việt có thể đang mắc phải - Ảnh 4
Cha mẹ có đăng kí cho con quá nhiều lớp học năng khiếu, học thêm với lịch học dày đặc? (Ảnh minh họa)

Sai lầm số 8: Để trẻ quá tự do, không đặt ra quy tắc

Cha mẹ không nên thả lỏng để mặc con tự hoạt động mà không có quy định. Việc đặt ra các quy tắc cần thiết sẽ giúp trẻ nhận thức được những gì có thể làm và không thể làm. Cha mẹ cũng cần phải giải thích nguyên nhân của những nguyên tắc đó chứ không chỉ đơn thuần là đặt ra và ép trẻ làm theo.

Sai lầm số 9: So sánh con với các bạn hoặc anh chị khác

Sự tự tin của trẻ là tố chất cần thiết cho thành công trong tương lai. Nhưng sự tư tin ấy sẽ bị giết chết nếu bố mẹ không ngừng so sánh. Việc so sánh con với các bạn khác hoặc các anh chị em khác của trẻ sẽ khiến trẻ cảm thấy bị tổn thương và hạ thấp lòng tự trọng. Khái niệm “con nhà người ta” chắc chắn được không ít ông bố bà mẹ đem ra để so sánh với con: “Nhìn con nhà ta kìa, vừa học giỏi lại ngoan ngoãn; Con nhìn bạn X nhà bác Y mà xem, bạn ấy học giỏi thế kia mà…”. Những câu so sánh như vậy khiến trẻ cảm thấy xấu hổ và cho rằng bản thân mình không có gì đáng để tự hào và được cha mẹ coi trọng.

10 quan niệm dạy con sai lầm nhiều mẹ Việt có thể đang mắc phải - Ảnh 5
Việc so sánh con với các bạn khác hoặc các anh chị em khác của trẻ sẽ khiến trẻ cảm thấy bị tổn thương và hạ thấp lòng tự trọng (Ảnh minh họa).

Sai lầm số 10: Nuông chiều con quá đà

Nhiều cha mẹ thường có thói quen nuông chiều con cái và luôn đáp ứng mọi yêu cầu của bé mà không nghĩ rằng hành động này lại ảnh hưởng xấu đến trẻ sau này.

Khi trẻ được đáp ứng mọi yêu cầu, trẻ trở nên tự mãn, dần có thói quen chỉ biết hưởng thụ và tỏ ra bướng bỉnh, cáu giận nếu bất ngờ bị từ chối. Chính vì vậy việc cưng chiều con cái, tuy là một tình cảm thiêng liêng, nhưng nếu cưng chiều quá mức thì lại lại phản tác dụng, khiến trẻ hư hỏng. Đây là sai lầm trong cách dạy con của không ít bậc phụ huynh.

Để con đi học vui vẻ và tự tin, đây là điều quan trọng nhất bố mẹ cần phải làm

Khái niệm về “thời gian” của trẻ khác xa với người lớn chúng ta và đó chính là điều khiến cho các buổi sáng thức dậy đi học trở thành thời gian căng thẳng nhất trong ngày đối với các gia đình có con vào lớp 1.

TIN MỚI NHẤT