Chị Oanh quyết tâm tìm hiểu kiến thức, thiết lập lại nếp sinh hoạt đúng giờ giấc cho con. Nhờ đó mà việc luyện con ngủ cũng trở nên nhẹ nhàng hơn.

05:00 17/09/2019

Chị Kim Oanh (29 tuổi, hiện đang sống ở TP.HCM) bước vào hành trình làm mẹ cùng với nhiều bỡ ngỡ và nuôi con hoàn toàn theo bản năng. Thế nhưng khi con biếng ăn, thức đêm muộn, thường bắt bế rong nhiều lần từ lúc đi ngủ cho đến gần sáng thì chị mới rơi vào tình trạng khủng hoảng thật sự. Chị Oanh quyết tâm tìm hiểu về cách nuôi con khoa học, rèn con theo nếp và luyện con ngủ thành công. Bé Cá Heo (hiện 6 tháng tuổi) đã có thể tự ngủ từ 6h30 tối đến 6h30 sáng hôm sau mà không dậy ti đêm.

Bé Cá Heo tự đi vào giấc ngủ

Quyết tâm thay đổi khi cả nhà đều "đuối"

Chia sẻ lại tình trạng của bé Cá Heo trước đây, chị Oanh cho biết: "Hết tháng trăng mật, Cá Heo hầu như ngủ muộn vào khoảng 22-23h đêm, ngủ không sâu giấc, ba và mẹ thay nhau bế rong khắp nhà mới chịu ngủ".

Bé cũng ngủ trên tay và phải đặt thật nhẹ xuống giường, sau đó lại tỉnh lại liên tục, 5-10 phút ba mẹ lại phải vỗ hoặc thậm chí là bế đi rong nếu như con khóc to. Ban ngày, bé cũng chỉ ngủ 15 - 20 phút là giật mình dậy, dậy là khóc toáng lên.

Ban đầu, chị Oanh còn tự trấn an mình rằng bé nào cũng quấy, khó chịu như vậy, hết 3 tháng 10 ngày hoặc lớn hơn sẽ giảm đi. Tuy nhiên đến khi bé hết cữ, tình trạng vẫn không cải thiện. Thêm vào đó, bé ngủ không sâu giấc nên sức ăn cũng giảm hẳn, gần như biếng ăn, lúc nào cũng cáu gắt kể cả thức hay ngủ. Đến khi nhìn cả ba mẹ đều đuối, kiệt sức vì ròng rã bế ru con hàng đêm, chị Oanh mới quyết tâm tìm hiểu kiến thức nuôi con khoa học từ những quyển sách và các lời khuyên từ những bố mẹ có kinh nghiệm.

Bước 1: Thiết lập nếp sinh hoạt EASY

Việc đầu tiên chị Oanh thực hiện đó là bắt tay vào điều chỉnh nếp sinh hoạt cho con theo Easy. Khi đó bé Cá Heo được 15 tuần tuổi, chị áp dụng nếp sinh hoạt Easy 4: 2h thức, 2h ngủ.

Chị Oanh áp dụng quấn và ti giả cho bé.

"Để con thức đủ 2h, mình cho con ăn, lau mặt, tập cho bé nằm sấp (tummy time), lấy đồ chơi cho bé chơi. Cũng có lúc vẫn không thể thức được mẹ phải mở ti vi lớn, ầm ĩ bế đi khắp nhà cho bé nhìn mọi vật… Tuy nhiên cũng có nhiều lúc thức không đủ 2h mà chỉ 1h45, mẹ thấy bé đã mệt quá rồi vẫn linh động cho bé đi ngủ sớm hơn 1 chút", chị Oanh chia sẻ.

 

Đồng thời việc giữ cho con ngủ đủ giấc 2h cũng khó khăn khi trước đó bé Cá Heo thường ngủ giấc ngắn: "Ban đầu, mình chọn cách nằm cạnh bé để hỗ trợ cho bé ngủ đủ 2h bằng cách dùng quấn, tạo cho bé cảm giác được ôm, cho con dùng ti giả và vỗ. Cũng có nhiều khi bé không thức đủ và ngủ cũng không đủ nhưng mình cũng không nản lòng, vì hết chu kỳ này, mình lại thực hiện chu kỳ sau". Cứ như thế, chỉ sau 1 tuần, bé Cá Heo đã có nếp sinh hoạt tương đối chuẩn giờ.

Bước 2: Luyện con tự ngủ bằng quấn và ti giả

Sau khi con đã có nếp sinh hoạt đúng giờ giấc, chị Oanh bắt tay vào luyện con tự ngủ. Không can đảm để mặc con khóc nên chị chọn cách vỗ và trấn an con nhiều hơn. May mắn là bé Cá Heo rất hợp tác, tự ngủ thành công ngay từ những ngày đầu tiên.

Chị Oanh thực hiện quy trình đi ngủ 4S: quấn bé, tạo môi trường ngủ tối và mát, bế vác thư giãn rồi đặt bé xuống giường. Vì luyện cho bé tự ngủ muộn nên chị Oanh biến tấu một chút mà chị cho rằng phù hợp với con mình. "Mình đặt bé xuống giường, cho con dùng ti giả và vỗ ngay từ đầu để bé vào giấc ngủ cho dễ. Mẹ nằm bên cạnh hỗ trợ để bé ngủ đủ giấc 2h. Thật bất ngờ bé tự ngủ ngay vì dường như việc giữ cho con thức đủ 2h trước đó đã khiến con thấm mệt và buồn ngủ", chị Oanh chia sẻ lại.

Bé Cá Heo nay đã có thể tự ngủ từ 6h30 phút tối đến 6h30 phút sáng hôm sau mà không dậy ti đêm.

Mỗi ngày, chị bỏ dần động tác vỗ hỗ trợ bé vào giấc ngủ sáng, chiều, rồi đến giấc trưa và giấc đêm. Chị quan sát thấy bé dễ vào giấc nào thì sẽ chọn dừng vỗ hỗ trợ giấc đó trước. Tiếp sau nữa là bỏ ti giả dần, chỉ dùng khi bé vào giấc ngủ đêm.

Cứ như thế, hết tuần thứ 17 là bé đã có thể tự ngủ một cách ngon lành mà không cần mẹ hỗ trợ nữa. Vấn đề còn tồn tại duy nhất là bé vẫn thường dậy ti đêm. Chị Oanh quyết định làm bước cuối cùng trong quá trình luyện ngủ: Cai ti đêm.

Bước 3: Cai ti đêm hoàn toàn

Bé Cá Heo vốn biếng ăn từ khi 8 tuần tuổi. Dù từ 15 tuần mẹ đã cho bé ăn theo cữ, tuy nhiên lượng ăn cải thiện không nhiều. Khi bé được 19 tuần, mẹ quyết định cai ti đêm cho bé, đồng thời hoàn thành việc luyện ngủ xuyên đêm.

Bé được cai ti đêm bằng cách giãn cữ và tăng lượng ăn ban ngày.

Với chị Oanh, cai ti đêm là khó nhất vì bé dậy tới 2 lần trong đêm vào khoảng 1h sáng và 4h sáng.

Đầu tiên, chị đưa cữ bú của con về 2 giờ cố định 23h và 3h sáng: 23h mẹ cho bé bú no, 3h sáng chị lại gọi con dậy cho ti. Mất 3 ngày cho việc điều chỉnh cữ bú của con.

Tiếp đó, mỗi ngày giảm 30ml sữa ở cữ đêm thứ 2 cho đến khi bé chỉ ti 30ml vẫn có thể đi ngủ tiếp thì mẹ cắt hẳn. Nghe có vẻ đơn giản, nhưng mẹ và bé đã "chiến đấu" tới tận 1 tuần vẫn không thể cắt hẳn cữ thứ 2. Ba bé đề nghị ba sẽ ngủ với bé, mẹ ra phòng khác ngủ. Đến giờ bé dậy đòi ti là ba đi ra khỏi phòng, thế là mở mắt dậy không thấy ai, bé dù khóc cũng không ai vào bế nên lại tự ngủ. Mất 4 hôm như thế là cắt được cữ 3h sáng.

Cuối cùng, chị Oanh cũng giảm dần lượng sữa rồi cắt hẳn cữ 23h.

Kiên trì hơn 1 tuần, bé Cá Heo đã hoàn thành quá trình thiết lập lại giờ giấc, tự ngủ xuyên đêm. Cuộc sống gia đình của chị Oanh nhờ vậy cũng trở nên nhẹ nhàng, dễ chịu hơn. Chị gửi lời nhắn nhủ tới các mẹ đang luyện ngủ cho bé: Đừng cứng nhắc áp dụng các phương pháp tự ngủ (kể cả Easy), hãy thật linh hoạt, thật yêu thương và quan trọng nhất là kiên nhẫn với em bé của mình.

Theo Ocean/ Helino