Để phòng tránh tai nạn thương tích cho con, cha mẹ hãy lưu ý để sớm phát hiện và cùng nhà trường can thiệp ngay.
Tai nạn thương tích là sự cố không tránh khỏi khi có tới hàng nghìn học sinh đến trường mỗi ngày. Các em đang trong độ tuổi hiếu động nên thích đùa nghịch, tò mò, chạy nhảy nhưng lại chưa có kiến thức, kỹ năng phòng tránh và chỉ cần sơ ý đã gây ra tai nạn không đáng có.
Mới đây, em Tr.Q.V. (SN 2010, ngụ xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức, Long An), học sinh lớp 4, Trường Tiểu học Nguyễn Trung Trực đã bị que xiên đâm thủng mặt.
Được biết, trong giờ giải lao, V. cùng đám bạn ra sân trường nô đùa. Một người bạn của V. nhặt được que xiên nên cầm lên chơi đùa. Sau đó, bạn của V. cầm que xiên ném mạnh về phía thùng rác ở góc sân. Đúng lúc này, em V. chạy ra phía thùng rác nô đùa nên bị xiên bay trúng má phải, thủng sâu và dính chặt trên mặt.
Theo các bác sĩ, rất may em V. bị que bay vào má, nếu bay vào vùng mắt sẽ rất nguy hiểm.
Trước đó, một học sinh lớp 6 của trường THCS ở huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương bị tai nạn kinh hoàng khi chiếc cột có đinh cắm vào đầu.
Nguyên nhân ban đầu được xác định trong giờ tập thể dục, một chiếc cột nhảy cao có rất nhiều đinh sắt cắm ở sườn được mang ra cho các em học sinh làm dụng cụ thực hành. Do xảy ra va chạm nên học sinh đã ngã vào chiếc cột khiến đinh bên sườn cắm vào đầu.
Sau khi nhìn thấy chiếc cột nhảy có gắn đinh, nhiều người thắc mắc không hiểu tại sao nhà trường có thể đưa dụng cụ nguy hiểm như thế này vào giờ học của các em học sinh.
Theo Bộ Y tế, có những dạng tai nạn thương tích thường gặp khi học sinh đến trường là:
- Tai nạn giao thông
- Bỏng
- Đuối nước
- Điện giật
- Ngã từ trên cao xuống
- Động vật cắn
- Ngộ độc thức ăn, hóa chất
- Tai nạn do tiếp xúc với máy móc
- Bạo lực
- Bom mìn và các vật nổ
- Tự tử
Để phòng tránh tai nạn thương tích cho con, cha mẹ hãy lưu ý để sớm phát hiện và cùng nhà trường can thiệp ngay.
- Phòng ngã: Củng cố cơ sở vật chất của trường, cụ thể:
+ Sân trường cần bằng phẳng và không bị trơn trượt
+ Cửa sổ, hành lang, cầu thang phải có tay vịn, lan can.
+ Không cho trẻ học và chơi gần những lớp học không an toàn như tường nhà, mái ngói, cột nhà cũ có nguy cơ sập xuống. Đồng thời phải cho sửa chữa ngay.
+ Những cây ở sân trường cần có rào chắn để học sinh không leo trèo được.
+ Bàn ghế hỏng, không chắc chắn phải được sửa chữa ngay.
+ Dụng cụ thể dục thể thao phải chắc chắn, đảm bảo an toàn.
- Phòng ngừa đánh nhau, bạo lực trong trường học:
+ Giáo dục ý thức cho các em không được gây gổ, đánh nhau trong trường.
+ Không cho các em mang đến trường các vật sắc nhọn nguy hiểm như dao, súng cao su và các hung khí.
+ Xây dựng lớp tự quản, đoàn kết.
- Phòng ngừa tai nạn giao thông:
+ Trường phải có cổng, hàng rào.
+ Trong giờ ra chơi phải đóng cổng, không cho học sinh chạy ra đường chơi khi trường ở gần đường.
+ Phải có biển báo trường học cho các loại phương tiện cơ giới ở khu vực gần trường học.
+ Hướng dẫn học sinh thực hiện luật an toàn giao thông.
- Phòng ngừa bỏng, nhiễm độc:
+ Phòng học, phòng thí nghiệm và các phòng chức năng khác phải có nội quy hướng dẫn sử dụng an toàn hóa chất, an toàn điện cho các em.
+ Không cho học sinh tới bếp nấu nướng và chỉ ăn ở nhà ăn.
- Phòng ngừa đuối nước:
Trường gần ao hồ, sông suối phải có hàng rào ngăn cách.
Ở vùng lũ, học sinh đi học bằng ghe, thuyền phải đảm bảo an toàn.
Giếng, bể nước trong trường phải có nắp đậy an toàn.
Bể bơi cần có phao cứu sinh.
- Phòng ngừa điện giật:
+ Hệ thống điện trong lớp phải an toàn: Không để dây trần, dây điện hở, bảng điện để cao.
+ Dụng cụ điện ở phòng thí nghiệm phải đảm bảo an toàn trước khi cho học sinh thực hành.
- Phòng ngừa ngộ độc thức ăn:
+ Không cho bán quà bánh trong trường.
+ Dặn con không mua quà bánh không đảm bảo.
+ Thực phẩm do thức ăn nhà bếp, nước uống phải đảm bảo vệ sinh.
- Trường có cán bộ theo dõi về y tế học đường và có tủ thuốc cấp cứu