Cứu thai phụ 30 tuổi sốc mất máu do vỡ thai ngoài tử cung

Bài học làm mẹ 30/10/2024 09:04

Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng đau đầu, chóng mặt, nôn dịch tiêu hóa, không sốt, có tiền sử kinh nguyệt không đều, nay thấy chậm kinh, bụng chướng đau, ấn đau toàn ổ bụng, huyết áp bắt đầu hạ thấp, không ra máu âm đạo.

Thông tin từ Sở Y tế Quảng Ninh cho biết, các bác sĩ Trung tâm Y tế Thị xã Quảng Yên đã cứu sống thai phụ sốc mất máu chửa ngoài tử cung vỡ cận kề "cửa tử".

Trước đó, chị B. T. L. (30 tuổi, trú tại xã Cẩm La, Thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh), đột ngột bị ngất ở công ty, đã được sơ cứu và đưa vào Trung tâm Y tế Thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh).

Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng đau đầu, chóng mặt, nôn dịch tiêu hóa, không sốt, có tiền sử kinh nguyệt không đều, nay thấy chậm kinh, bụng chướng đau, ấn đau toàn ổ bụng, huyết áp bắt đầu hạ thấp, không ra máu âm đạo.

Các bác sĩ đã nhanh chóng cho thử nước tiểu (thử thai) và siêu âm luôn ngay tại giường bệnh. Kết quả que thử thai cho thấy chị đang có thai, siêu âm: trong ổ bụng người bệnh chứa rất nhiều dịch.

Cứu thai phụ 30 tuổi sốc mất máu do vỡ thai ngoài tử cung - Ảnh 1
Bác sĩ kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhân sau phẫu thuật.

Ngay lập tức bác sĩ đã hội chẩn bác sĩ Khoa Sản và Khoa Ngoại chẩn đoán: Chửa ngoài tử cung vỡ có sốc mất máu. Xác định đây là trường hợp cấp cứu sản phụ khoa, thai ngoài tử cung vỡ gây xuất huyết nội, lượng nhiều, nếu không can thiệp khẩn, người bệnh sẽ rơi vào sốc mất máu rất nguy kiểm.

Bệnh nhân được chuyển đến phòng mổ để mổ cấp cứu. Các bác sĩ khoa Phẫu thuật - Gây mê hồi sức; Khoa Chăm sóc sức khỏe sinh sản và phụ sản đã phối hợp khẩn trương thực hiện gây mê, truyền dịch và thuốc duy trì ổn định huyết áp.

Khi vào ổ bụng, quan sát ổ bụng ngập máu, bác sĩ phẫu thuật thấy khối thai nằm ở một bên vòi trứng phải đã bị vỡ, mạch máu bị xé rách tại chỗ vỡ, đang phun máu vào ổ bụng. Êkíp mổ nhanh chóng cầm các mạch máu đang phun và tiến hành cắt bỏ khối thai ngoài tử cung bị vỡ, vừa mổ vừa hồi sức tích cực.

Bệnh nhân được truyền khối hồng cầu nhóm AB, Rh(+) 350mlx2 đơn vị, huyết tương 100ml x 2 đơn vị ngay trong mổ và lượng máu được các bác sĩ hút ra từ bụng thai phụ khoảng 1600ml máu loãng không đông và 500ml máu cục.

Sau phẫu thuật, bệnh nhân tiếp tục được truyền khối hồng cầu nhóm AB, Rh(+) 1050ml. Sau đó, bệnh nhân đã ổn định và hồi phục nhanh chóng. Hiện tại, bệnh nhân tỉnh táo hoàn toàn, vết mổ khô, giao tiếp tốt. Hồi tỉnh sau ca mổ, chị L. cho biết, do kinh nguyệt không đều nên bản thân chị không rõ mình thụ thai từ bao giờ.

BSCKI. Mai Thành Nam - Phó Trưởng Khoa Chăm sóc sức khỏe sinh sản và phụ sản - Trung tâm Y tế Thị xã Quảng Yên cho biết, thai ngoài tử cung vỡ là một tình trạng cấp cứu trong sản phụ khoa, đe dọa nghiêm trọng tính mạng phụ nữ nếu không đến bệnh viện kịp thời và nếu chẩn đoán xử trí chậm.

Yếu tố nguy cơ gây thai ngoài tử cung gồm: người có tiền sử bị thai ngoài tử cung, nạo phá thai, viêm nhiễm phụ khoa, viêm vòi trứng… Thai ngoài tử cung có thể có các triệu chứng dễ nhận biết như trễ kinh, đau bụng dưới, ra huyết âm đạo rỉ rả kéo dài, nhất là nếu đau tăng dần, mệt nhiều, vã mồ hôi, ngất xỉu… cần phải đến các bệnh viện hoặc cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán, điều trị kịp thời.

Mẹ yêu bà nội hay bà ngoại hơn?

Rơi vào tình huống khó xử khi con hỏi: “Mẹ yêu bà nội hay bà ngoại hơn”, câu trả lời của người mẹ sau một hồi suy nghĩ nhận được ngàn lời khen của cộng đồng mạng.

TIN MỚI NHẤT