Dạy trẻ thông minh từ nhỏ không cần những gì quá cao siêu. Quan trọng là cha mẹ cần đầu tư tình yêu và thời gian cho bé bằng 4 việc làm dưới đây.
Nhà triết học vĩ đại người Hi Lạp Aristotle từng nói rằng: "Hãy cho tôi 1 cậu bé cho đến 7 tuổi và tôi có thể cho bạn thấy cậu ta như thế nào khi lớn". Hàng ngàn năm sau, khoa học hiện đại vẫn cùng quan điểm này của ông về thế giới của trẻ trước 7 tuổi.
Giáo sư Lipton, nhà khoa học tiên phong người Mỹ về gen di truyền và hành vi của não bộ, từng nói rằng: "95% cuộc sống của chúng ta sẽ được lập trình trong 7 năm đầu đời". Vậy trong 7 năm đầu đời của con, cha mẹ cần làm gì để giúp con phát triển trí tuệ tốt nhất?
Dưới đây là 4 việc được bác sĩ Anh Nguyễn gợi ý, cha mẹ có thể tham khảo:
1. Nói chuyện với trẻ
Hãy tận dụng mọi thời gian để nói chuyện với trẻ. Não bộ trẻ trong độ tuổi này có thể truy xuất lên đến 100 nghìn từ mỗi ngày. Tốc độ xử lý này giúp trẻ phát triển ngôn ngữ, nhận thức hành vi xã hội. Bố mẹ hãy luôn tìm cách mở rộng vốn từ cho trẻ. Ví dụ thay vì nói là "con gà", hãy thêm những từ có thể làm nó đa dạng hơn như "gà ác có lông trắng, mình đen" hoặc "âm thanh như gà trống thì gáy ò ó o"!
Theo GS. Lipton: Lớn lên trẻ có tài ăn nói, hùng biện hay không chính là ở giai đoạn này trẻ có được cha mẹ quan tâm, nói chuyện hàng ngày hay không?
2. Cho trẻ hiểu bạn không "ba phải"
Trước khi lên 7 tuổi, trẻ học được kiến thức chủ yếu từ môi trường sống. Theo những nghiên cứu, người ảnh hưởng lớn nhất ở trẻ lúc này chính là cha mẹ, chứ không phải thầy cô hay bạn bè. Do đó cha mẹ cần hết sức chú ý đến mọi hành vi, lời ăn tiếng nói của mình.
Có những lúc cha mẹ cần thể hiện quan điểm rõ ràng trong cách xử lý hành vi của trẻ. Chỉ có 2 lựa chọn được đưa ra, đó là "có" hoặc "không", giống như chỉ có "trắng" và "đen". Do đó, khi cần cho thì "cho", khi cần nói không phải nói "không". Đừng vì trẻ bướng bỉnh hay ăn vạ mà bố mẹ thay đổi quyết định của mình.
3. Chơi với con
Cha mẹ có bao giờ tự hỏi tại sao trẻ có quá nhiều năng lượng để hét lớn, chạy đùa mỗi ngày? Một nghiên cứu của TS. Birat đến từ ĐH Clermont-Auvergne (Pháp) đã chỉ ra: Trẻ có nguồn năng lượng và khả năng phục hồi năng lượng nhanh hơn cả 1 người lớn >luyện tập thể thao.
Với sự khác biệt này, trẻ có một nhiệm vụ đặc biệt là khám phá thế giới thông qua các hoạt động vui chơi. Trong 1 bài phát biểu, GS. Lipton đã chia sẻ: "Các trò chơi giúp trẻ phát triển trí tưởng tượng, đẩy nhanh các kết nối thần kinh tích cực trong não bộ". Như chúng ta biết, những mối nối nào không có kết nối sẽ bị biến mất sau độ tuổi này. Vì vậy càng nhiều hoạt động, kết nối não bộ trẻ càng phát triển.
Hãy dành thời gian vui chơi với trẻ! Đừng để trẻ phí thời gian nằm dài với TV hay điện thoại. Trò chơi không cần phải có những đồ chơi đắt tiền bởi sự tham gia của bố mẹ chính là điểm nhấn tuyệt vời nhất.
4. Dạy trẻ càng nhiều điều tốt càng tốt
Khả năng ghi nhớ là điều đặc biệt trong độ tuổi này. Do đó, bố mẹ hãy tận dụng dạy cho trẻ càng nhiều càng tốt. Đọc sách về các tấm gương và việc làm tốt cũng là 1 cách lý tưởng để giúp trẻ hình thành nhân cách. Ngoài ra bố mẹ dạy con những điều nhỏ nhặt hàng ngày như biết cảm ơn, xin lỗi, học cách vui vẻ, sống lạc quan,...
Vài nét về tác giả:
Bác sĩ Anh Nguyễn hiện đang công tác tại ĐH Worcester-Anh, là thành viên của Hiệp Hội Dinh Dưỡng Lâm Sàng Anh (The British Association for Applied Nutrition and Nutritional Therapy). Bác sĩ có nhiều bài viết tư vấn về việc chăm sóc >sức khỏe cho Mẹ&bé trên trang cá nhân, cũng là đồng tác giả của cuốn sách "Làm mẹ không áp lực".