Câu hỏi của ông bố trẻ khiến cậu con trai nhỏ ngừng khóc ngay lập tức.
Trẻ nhỏ là đối tượng đặc biệt cần được người lớn bảo vệ, chăm sóc cẩn thận. Tuy nhiên, sự chăm sóc cần có giới hạn, nếu quá mức thì sẽ gây ra những hậu quả trái ngược.
Nhiều bậc cha mẹ bao bọc con trẻ quá kỹ lưỡng, không dám cho trẻ tự làm bất cứ điều gì. Hay nếu trẻ chỉ bị một xây xước nhỏ, họ cũng cuống quýt lên, vội vàng ôm ấp rồi xuýt xoa.
Ngay từ nhỏ, trẻ cần được học cách tự lập thì sau này trưởng thành mới có thể vững bước, thành công trên đường đời. Nếu bố mẹ bao bọc quá kỹ sẽ khiến trẻ ỷ lại, chỉ biết dựa dẫm vào người lớn. Điều tốt nhất bố mẹ cần làm là để mặc trẻ tự làm những điều trong khả năng của chúng.
Như khi trẻ bị ngã, bố mẹ đừng vội chạy ra mà hãy để trẻ tự đứng dậy. Giống như cách ông bố trẻ trong câu chuyện sau đây đã làm:
Ông bố trẻ có cậu con trai nhỏ mới 2 tuổi. Một ngày nọ, cậu bé chạy nhảy trong phòng và sơ ý đâm vào bàn. Cú va chạm khiến cậu bé bị sưng u 1 cục ở đầu. Cậu bé bắt đầu khóc lóc ầm ĩ dù đã được mẹ dỗ dành hết mực.
Cậu bé khóc lóc ăn vạ dù đã được mẹ dỗ dành.
Thấy tiếng khóc của con càng ngày càng lớn, ông bố trẻ biết mình cần phải hành động. Ông bố đi ra khỏi phòng và bước tới cạnh bàn, lớn tiếng hỏi:
"Này bàn, ai làm bạn bị thương và khóc nhiều quá vậy?".
Cậu bé liền ngừng khóc và ngơ ngác nhìn bố với những giọt nước mắt trên mặt. Ngay lúc này, ông bố lại tiếp tục vuốt ve cái bàn:
"Ai làm bạn đau thế?".
"Là con đấy ạ", cậu bé rụt rè trả lời.
"Thế con đã xin lỗi cái bàn chưa? Cái bàn bị con va vào trước mà!"
"Mình xin lỗi!". Cậu bé ngượng đỏ mặt và cúi đầu hối lối với cái bàn.
Chỉ bằng 1 câu nói đơn giản nhưng ông bố trẻ đã khiến cậu con trai nhỏ xấu hổ trước hành động ăn vạ của mình. Những lần sau đó, khi tự ngã, cậu bé cũng tự đứng lên mà không khóc lóc, đổ tại ai nữa.
Cậu bé đã học được một bài học về sự tự lập và tự chịu trách nhiệm trước hành động của mình.
Và không chỉ cậu bé này mà người lớn chúng ta cũng cần phải học theo tấm gương của ông bố trên trong việc giải quyết các vấn đề của trẻ.