Cứ nghĩ rằng con khôn ngoan lanh lợi nhưng quả thật cha mẹ đã sai lầm khi nhìn nhận 3 hành vi dưới đây của con theo hướng tích cực.
Cha mẹ nào sinh con ra cũng mong con mình thật khỏe mạnh và thông minh. Không ít bậc cha mẹ vui mừng khi thấy con nhanh nhẹn, khôn ranh và lầm tưởng điều đó thể hiện sự thông minh hơn người, báo hiệu một tương lai sáng lạn của đứa trẻ.
Thế nhưng, mọi chuyện không hề đơn giản như người lớn nghĩ, những biểu hiện của con được cho là thông minh, thực chất lại có thể khiến trong tương lai, con bạn trở thành những người thiếu trung thực, sống lươn lẹo và có những phát triển tâm lý lệch lạc.
Thích cái gì là cầm cái đó
Trong thực tế, có rất nhiều đứa trẻ có hành vi tiện tay, thích thứ gì là cầm về, lấy về dù không phải của mình. Chẳng hạn như đến nhà hàng xóm chơi, đến nhà bạn chơi, thấy đồ chơi của bạn đẹp, không hỏi ai mà giấu diếm cầm về coi như đó là của mình. Nguy hiểm hơn, khi đi siêu thị, đi mua hàng cùng mẹ, tranh thủ lúc mẹ không để ý lấy đồ mang về nhà hoặc bóc ra ăn luôn.
Bản thân đứa trẻ còn nhỏ, khi làm những hành động này chúng chưa hiểu được đâu là đúng đâu là sai. Chính vì vậy, người quan trọng nhất trong những trường hợp này chính là bố mẹ, các bậc phụ huynh nên nói cho con hiểu hành động của con là sai, không được phép tái diễn.
Cha mẹ nên dạy con hiểu được giá trị đồng tiền, phải bỏ tiền ra mua mới được sử dụng, đồ vật của ai phải được sự đồng ý của người đó mới được dùng. Đừng nghĩ một đứa trẻ còn nhỏ, dạy con giá trị đồng tiền là vĩ mô nhưng đó là điều hoàn toàn nên làm. Ngay từ nhỏ, cha mẹ phải dạy con những giá trị cơ bản để hình thành phẩm chất tốt, bắt đầu ở hành động, bởi hành động tạo thói quen, tạo tính cách làm nền tảng của tương lai sau này.
Không chịu thua bất cứ điều gì
Nhiều bậc cha mẹ cứ nghĩ rằng, con không chịu thua bất cứ điều gì là một đứa trẻ có ý chí, nghị lực. Tuy nhiên, phụ huynh nên nhớ không chấp nhận thua cuộc khác với không bỏ cuộc. Không bỏ cuộc có nghĩa trẻ cố gắng, phấn đấu để làm mọi việc, hoàn thành được nhiệm vụ. Trong khi không chấp nhận thua cuộc lại là phản ứng gay gắt, cay cú, khóc lóc và giãy nảy lên vì mình thua.
Nhiều bậc phụ huynh cho rằng, phản ứng đó chứng tỏ con mình có "tố chất" hơn người, sau này sẽ thành công. Tuy nhiên, nếu tính cách này được duy trì, cha mẹ sẽ phải làm mọi điều theo ý thích của con, đứa trẻ luôn cho rằng mình là trung tâm, mình luôn giành phần thắng, sau này khó chấp nhận được thực tế trong xã hội.
Khi lớn lên, đứa trẻ có tính cách này sẽ bắt mọi người làm theo ý mình, khi không thành công đổ lỗi cho kẻ khác. Đó là những người ích kỷ, sống biệt lập và khó hòa nhập trong môi trường làm việc teamwork.
Khéo ăn nói nhưng lười làm
"Mồm miệng đỡ chân tay" - các cụ ngày xưa thường nói vậy, ngay cả trong môi trường làm việc hiện nay ở nhiều nơi, những kẻ nịnh bợ, khéo mồm miệng nhưng ít làm lại được các sếp trọng dụng và thăng tiến hơn những người chính trực, thẳng thắn. Tuy nhiên, lâu dần nếu đánh giá qua hiệu quả công việc, bản chất của những người giỏi nịnh bợ, lười lao động sớm cũng bị lật tẩy.
Ở nhiều đứa trẻ, ngay từ bé chúng đã có tính cách này. Nhiều em bé thường "rào trước đón sau" vì hiểu được ý bố mẹ, ví dụ khi chúng làm sai điều gì thường rối rít xin lỗi bố mẹ, ninh bợ bằng những câu nói khéo mồm miệng nhưng không hề chú ý đến việc mình làm sai. Lần sau vẫn tiếp tục mắc phải và nghĩ rằng chỉ cần xin lỗi bố mẹ, nói "con yêu bố mẹ" là nghiễm nhiên được tha thứ, không bị đánh mắng.
Những trẻ này thường được nhiều người khen ngợi khéo miệng, mồm mép khi mới gặp nhưng tiếp xúc nhiều, trẻ sẽ lộ hạn chế trong tính cách của mình. Khéo miệng, giỏi ăn nói sẽ là tốt nếu cha mẹ biết hướng con vào hành động cụ thể, bắt con giải quyết và làm việc như những gì con nói thể hiện.
Nói chung, "nhân chi sơ tính bản thiện", 3 loại tính cách này chưa thể đánh giá một đứa trẻ tốt hay xấu, bởi trẻ em như tờ giấy trắng tâm tính và bản chất của chúng lương thiện. Muốn trẻ phát huy và tránh được những tính cách xấu xí như trên, cha mẹ là người quan trọng nhất để dạy dỗ, hướng con cái đến những phẩm chất tốt đẹp.
Trẻ con là tấm gương phản chiếu của người lớn, vì thế ngay từ nhỏ cha mẹ đã phải quan tâm, chú ý đến những phát triển trong tâm lý tính cách của trẻ để có cách dạy dỗ phù hợp.