Ở cữ sau sinh được xem là cách tuyệt vời giúp các mẹ hồi phục lại cơ thể suốt chặng đường dài mang thai bé yêu và sinh con ra đời.
Do đó, hẳn là chúng ta sẽ thực hiện nhiều phương pháp kiêng cữ, đặc biệt ở các chị em lần đầu mang thai. Mặc dù các quan niệm về chế độ kiêng cữ sau sinh liên tục được các bà các chị thực hiện.
Tuy nhiên, tùy theo thời điểm, hoàn cảnh hay môi trường sống khác nhau, chúng ta cần loại bỏ một số cách được cho là lỗi thời, thậm chí chẳng mang lại tác dụng và còn dẫn đến phản ứng ngược, gây hại cho cơ thể.
Sự thay đổi của cơ thể phụ nữ sau sinh
Phụ nữ sau sinh có rất nhiều thay đổi, được kể đến ở cả thể chất lẫn tinh thần. Theo đó ngay sau khi sinh, sự sụt giảm nhanh chóng nồng độ estrogen và progesterone, nồng độ hormon tuyến giáp thyroid chính là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến cơ thể mệt mỏi, dễ rối loạn. Những vấn đề về tâm lý như khi con ra đời, người mẹ thường cảm thấy mình trở nên xấu xí và không còn sự hấp dẫn nữa.
+ Tử cung giãn nở nhưng sẽ trở lại kích thước bình thường: Trong vài ngày đầu tiên sau khi sinh, người mẹ có thể cảm nhận đỉnh tử cung ở khu vực rốn của mình. Trong một tuần, tử cung của mẹ sẽ nặng khoảng 0,5kg - một nửa so với cân nặng của tử cung ngay sau khi sinh con. Sau đó, tử cung cũng dần trở lại bình thường.
+Nếu phụ nữ sinh ra đứa trẻ có cân nặng lớn, thì khả năng cao ngực và hông của họ cũng tăng kích cỡ hơn so với trước khi sinh con. Tình trạng trên cũng bị ảnh hưởng bởi hormone relaxin khiến các gân, cơ linh hoạt và “phình” to hơn.
+ Ở một số phụ nữ, mồ hôi đổ nhiều hơn sau khi sinh con. Vấn đề này thường xảy ra vào ban đêm, khi nồng độ estrogen trong máu bị sụt giảm. Ở khía cạnh khác, những người phụ nữ thường xuyên bị đổ mồ sau khi sinh con có thể do ảnh hưởng của tuyến giáp.
+ Rụng tóc sau sinh: Nếu bạn cảm thấy tóc mình dần trở nên dày hơn trong thời kỳ mang thai thì hiện tại nó sẽ bắt đầu rụng đấy. Điều này xảy ra với một số bà mẹ mới trong vài tháng đầu sau khi sinh con. Theo thời gian (thường là trong vòng một năm hoặc lâu hơn), tốc độ mọc và rụng tóc sẽ trở lại như trước đây.
+ Làn da thay đổi: Thay đổi nội tiết tố, căng thẳng và mệt mỏi do lần đầu làm cha mẹ có thể ảnh hưởng đến làn da của bạn cũng như toàn bộ cơ thể. Một số phụ nữ có làn da hoàn toàn mịn màng trong thai kỳ sẽ có nhiều mụn hơn trong một vài tháng sau khi sinh.
+ Phụ nữ dễ gặp dị ứng hơn: Thật không may, nhiều nghiên cứu chứng minh rằng, phụ nữ sau khi sinh con dễ phát triển chứng dị ứng hơn so với trước. Nguyên nhân khi mang thai, hệ thống miễn dịch của họ ngăn chặn tất cả phản ứng kích thích của cơ thể, gây ra tình trạng dị ứng sau khi sinh.
4 quan niệm kiêng cữ sau sinh cần loại bỏ
Bó bụng sớm sau sinh
Các bà mẹ đều mong muốn lấy lại vóc dáng, vòng eo sau sinh. Điều đó có thể khiến nhiều bà mẹ nôn nóng. Một số sử dụng phương pháp bó bụng để mau đạt kết quả như mong muốn. Tuy nhiên, theo bác sĩ, việc bó bụng quá sớm, quá chặt ngay sau sinh có thể làm chèn ép mạch máu đến nuôi các cơ quan ở vùng bụng, làm ảnh hưởng xấu đến tiến trình lành sẹo tự nhiên đối với bà mẹ sinh mổ.
Bên cạnh đó, sau sinh và >chăm sóc con nhỏ vốn có nhiều áp lực, cộng với việc bó bụng chặt gây cản trở sinh hoạt làm cho tâm lý bà mẹ có thể bị ảnh hưởng tiêu cực.
Kiêng không tắm
Để tránh hậu sản, nhiều mẹ kiêng không tắm sau sinh. Thậm chí quan niệm xưa còn cho rằng phải kiêng ít nhất 1 tháng, có nơi còn bắt kiêng đủ 3 tháng 10 ngày. Đồng thời trong thời gian này mẹ bỉm phải hạn chế đụng tay vào nước. Nguyên do được cho là việc tắm gội sớm ngay sau sinh sẽ khiến tay chân phụ nữ nổi gân guốc, hay đau nhức mình mẩy và ốm vặt khi về già.
Tuy nhiên quan niệm này là hoàn toàn sai lầm. Theo các bác sĩ, trong lúc sinh con, người mẹ thường ra nhiều mồ hôi, bã nhờn, sản dịch... Sau sinh sự trao đổi chất tăng mạnh lại thêm bầu ngực chảy sữa và sản dịch chảy ra... nếu mẹ kiêng tắm quá lâu có thể dẫn đến viêm nhiễm.
Không những thế việc không tắm sẽ khiến mẹ cảm thấy khó chịu, ngứa ngáy. Vì vậy các bà mẹ nên giữ vệ sinh thân thể sạch sẽ, thường xuyên thay quần áo. Mấy ngày đầu sau sinh có thể lấy nước ấm rửa mặt lau người, 3-5 ngày sau là có thể tắm rửa gội đầu. Chỉ chú ý tuyệt đối không tắm bồn, khi tắm nên tắm nhanh, tắm nước ấm, tránh gió lùa là được.
Sưởi bằng than
Không những kiêng tắm, nhiều mẹ sau sinh còn nằm than ấm. Theo dân gian, cách này là để giữ cho mẹ và bé luôn ấm áp, không sợ gió độc. Em bé sẽ cứng cáp, khỏe mạnh.
Nhưng các bác sĩ khuyến cáo đây là việc làm không nên. Bởi khí than có chứa CO (cacbon monoxit) rất cao, trong phòng kín lại để khói than thì sẽ làm cả mẹ và bé ngạt thở, ngộ độc khí CO rất nguy hiểm cho tính mạng. Không những thế khi CO từ than đốt có thể ảnh hưởng đến hệ thần kinh, não của trẻ. Vì vậy, nếu mẹ có ý định nằm than sau sinh thì hãy loại bỏ ngay.
Ăn khô, ăn mặn
Nhiều mẹ sau sinh kiêng khem quá mức trong việc ăn uống, ví dụ như chỉ ăn cơm với muối, thịt nạc kho thật mặn, rau ngót nấu thịt mặn... Quan niệm này hết sức sai lầm, ăn uống thiếu chất không đủ các thành phần >dinh dưỡng, cơ thể mẹ chậm hồi phục, sự tiết sữa cho bé bú giảm, gây ít sữa. Đồng thời gây ra chứng táo bón, dẫn đến đi tiêu khó, có thể gây chứng bệnh nứt hậu môn, trĩ… Ở những bà mẹ có huyết áp cao, khi ăn mặn có thể rất nguy hiểm, làm tăng huyết áp và tiền sản giật - sản giật sau sinh có thể xảy ra.
Các bà mẹ sau sinh cần quan tâm việc ở cữ như thế nào?
Nên dùng món ăn có tính ấm
Theo bác sĩ, những thực phẩm có tính ấm thường được sử dụng cho bà mẹ sau sinh như: nghệ, thịt kho tiêu, gừng... dùng được nhưng cần kết hợp thêm trong bữa ăn cùng với rau xanh, trái cây... Đặc biệt, từ xa xưa, dân gian và cổ truyền xem nghệ là thực phẩm rất tốt đối với bà mẹ sau sinh.
Những món ăn có gia thêm nghệ: như thịt heo nạc kho nghệ, trứng hay cải xào nghệ, khổ qua xào nghệ giúp hoạt huyết, đẩy sản dịch ra nhanh, giúp hệ tiêu hóa tốt. Các món như giò heo, đu đủ xanh, su hào, củ sen, cam, bưởi, mè - có chứa các thành phần dinh dưỡng giúp tạo sữa nhiều cho sản phụ cũng được khuyên dùng.
Hạn chế xem tivi, máy tính
Theo bác sĩ, bà mẹ trong vòng một tháng sau sinh hạn chế xem ti vi, sử dụng máy tính quá nhiều - vì dễ gây mỏi mắt. Cần dành thời gian nghỉ ngơi nhiều để lấy lại sức.
Xông hơi bạc hà
Theo y học cổ truyền, trong tuần đầu sau sinh, bà mẹ có thể xông bằng lá bạc hà, kinh giới, tía tô, tràm, vỏ bưởi, lá bưởi, lá cam giúp bài tiết chất thải qua mồ hôi đồng thời làm ấm cơ thể. Tuy nhiên, sau khi xông xong cần lau khô cơ thể, giữ ấm, tránh gió lùa vào cơ thể, và uống nhiều nước.
Ăn uống đầy đủ
Không phải người mẹ nào sau sinh cũng tăng cân, nhiều trường hợp còn giảm cân khi cho con bú, chính vì vậy cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý để bà mẹ vẫn có đủ dưỡng chất trong sữa để cho con bú mà vẫn giảm cân đều đặn, nhanh lấy lại vóc dáng.