Nhiều người mẹ cứ nghĩ rằng yêu con, chiều con vô điều kiện là thể hiện tình cảm dành cho con, thế nhưng đôi khi sự yêu chiều quá mức lại là một trong những điều có thể hại cả cuộc đời con sau này!
Người mẹ không chỉ là người nuôi nấng, dạy dỗ con cái ngay từ khi chào đời mà còn là người bạn tuổi thơ của con, là người thầy đầu tiên trong cuộc đời mỗi đứa trẻ. Hành động cử chỉ, tình cảm yêu thương, sự giáo dục của người mẹ có ảnh hưởng quan trọng đến cuộc sống sau này của con cái.
Đã là mẹ tất nhiên ai nào cũng thương con nhưng không ít người mẹ có những hành vi, cử chỉ khiến tuổi thơ con sống trong màu hồng nhưng tương lai lại một màu xám xịt. Có thể kể ra 3 kiểu mẹ ảnh hưởng tiêu cực đến tính cách và năng lực sau này của con cái, những người mẹ này nên soi xét lại mình và tự đưa ra sự điều chỉnh bản thân khi song hành suốt tuổi thơ con cái.
Người mẹ chẳng bao giờ khen, chỉ biết phê bình
Nhiều bậc phụ huynh chẳng bao giờ mở lời khen con cái, luôn luôn phê bình, chê bai trách móc con. Họ quan niệm rằng, khen con nhiều sẽ làm con cái tự mãn, kiêu căng nên khen ngợi là từ ngữ không nhắc đến trong từ điển của họ.
Tuy nhiên, một nghiên cứu trên Baidu chỉ ra rằng, khen chê là cảm xúc tình cảm bình thường của mỗi con người. Con được khen hay bị chê, mẹ khen con hay chê con đều là những cung bậc tình cảm cần được giải phóng bằng lời nói, cử chỉ. Người mẹ không nên kìm nén cảm xúc của mình, hướng nó theo cách tiêu cực qua những lời chê bai trách móc con.
Với người mẹ, việc dồn nén lâu ngày sẽ ảnh hưởng đến tâm lý, tình cảm, không nhận xét khách quan về con, tích tụ dần sẽ biến đổi tính cách, dễ cáu gắt, lớn tiếng với con cái. Với con cái, có một người mẹ chỉ biết chê, chẳng bao giờ khen khiến trẻ tự tin, nghĩ mình làm việc gì cũng sai. Khi trưởng thành, trẻ có sẵn tâm lý sợ sai, ngại xông pha, ngại tìm hiểu cái mới, sống bó hẹp trong những tư tưởng cũ, đi theo lối mòn của người khác mà không có sự phát triển bản thân. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến tương lai, sự nghiệp của một đứa trẻ.
Tuy nhiên, nói như vậy cũng không nên khen con quá mức. Người mẹ hãy đóng vai trò như một người bạn, nhận xét khách quan về các việc làm của con. Người mẹ có thể khen con nhưng hãy khen tinh tế "Con làm được này, mẹ ngày xưa chưa làm được như con đâu"...
Người mẹ yêu chiều con quá mức
Đây thực sự là một người mẹ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính cách của con sau này. Không ít phụ huynh ngày nay cưng chiều con quá mức, con đòi mua gì cũng mua bằng được cho con, thích đồ chơi của bạn là mua một thứ y hệt. Lúc bé có thể chỉ là một món đồ chơi, lớn vị thành niên đòi điện thoại, xe đẹp, lớn hơn chút nữa liệu có đòi mẹ mua nhà, mua đất...?
Nói như vậy để thấy rằng, việc đáp ứng nhu cầu của con một cách vô điều kiện vô tình sẽ tạo cho con suy nghĩ "mình là trung tâm vũ trụ, thích gì được nấy", chẳng bao giờ lo có chuyện bố mẹ đánh mắng.
Tuổi thơ đứa trẻ "bội thực" trong sự chiều chuộng, lớn lên sẽ tự mặc định ai cũng phải nghe theo ý của mình, mình là nhất, là trung tâm. Tính cách này ảnh hưởng đến cuộc sống và tương lai của trẻ, trẻ dễ bị thất bại trong công việc vì tính ích kỷ, chỉ biết mình, không hòa đồng nổi với tập thể. Với cuộc sống hôn nhân, bé trai có thể trở thành người đàn ông gia trưởng, độc đoán, bé gái trở thành người vợ ích kỷ, thực dụng...
Ngay từ khi con cái biết nhận thức, mỗi người cha, người mẹ hãy tạo cho con thói quen muốn được đáp ứng nhu cầu thì phải làm việc tương xứng. Chẳng hạn, muốn được bố mẹ đưa đi chơi thì phải làm việc tốt, hay dạy trẻ coi sự đáp ứng nhu cầu của trẻ như một phần thưởng cho thành quả học tập của trẻ. Dạy như vậy để trẻ hiểu rằng, cuộc sống điều gì cũng có giá trị của nó, có công làm thì mới có sự hưởng thụ, không thể muốn gì cũng chỉ thích là có.
Người mẹ lúc nào cũng ủ rũ
Không sai khi nói mẹ là nguồn lực sống của con cái, nuôi con tốt hay không phụ thuộc rất nhiều vào cảm xúc của người mẹ. Một người mẹ lúc nào cũng muộn phiền, ủ rũ, tâm trạng rối bời, bừa bộn, khó điều khiển hành vi, cảm xúc của mình thì con cái ít nhiều cũng bị ảnh hưởng.
Khó có đứa bé nào có thể tươi cười khi sống với một người mẹ ủ rũ, bất ổn tâm lý. Vì vậy, không muốn con bị ảnh hưởng, ít nhất người mẹ nên tạo cho một cuộc sống vui vẻ, lạc quan. Sự lạc quan, vui vẻ trong cuộc sống là điều vô cùng quan trọng, nó củng cố niềm tin, yêu đời, nhìn đời theo hướng tích cực nhất, một đứa trẻ lạc quan tỷ lệ thành công sẽ cao gấp nhiều lần so với những đứa trẻ tiêu cực, hay buồn chán.
Trách nhiệm của người mẹ là nuôi con và tạo cho con tiền đề phát triển toàn diện nhất, không thể cho con một cuộc sống đầy đủ về vật chất thì cũng nên tạo cho trẻ sự dồi dào, phong phú về tinh thần, tình cảm. Hãy tự biết vận dụng điểm mạnh của cá nhân để dạy con theo cách của riêng mình, 1 triệu đứa trẻ có 1 triệu tính cách và 1 triệu bà mẹ khác nhau, nhưng thành công hay không phụ thuộc rất nhiều vào người mẹ!