Nhập viện trong tình trạng bị bỏng cồn nặng, bé Đức buộc phải cắt bỏ một bên chân vì bị hoại tử sâu. Hôn mê liên tục 15 ngày, sức chiến đấu kiên cường đã đưa em về với gia đình dù toàn thân bị biến dạng, nhiều vết sần sùi chạy dọc khắp cơ thể.
- Vợ sắp cưới mang thai 14 tuần bị bỏng nặng, chồng nhẫn tâm ôm tiền quyên góp bỏ trốn
- Hai người bị tạt axit bỏng nặng vì ghen tuông mù quáng
Đầu bài tôi chỉ muốn nhấn mạnh một điều, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào thì những ước mơ ngô nghê của con trẻ vẫn luôn được trân trọng...
"Sau này con muốn làm nghề gì?
"Nghệ... nghệ... sĩ".
"Con muốn đánh piano hay guitar?"
"Pi... a... no".
"Bây giờ con có đau nữa không?
"..."
Bạn sẽ không thể tưởng tượng được nỗi đau mà đứa trẻ 6 tuổi khi đó phải hứng chịu. Cả cơ thể băng bó, khuôn mặt biến dạng, những ngón tay co quắp, giọng nói ú ớ. Giành giật mạng sống với tử thần, ngày trở về một bên chân cũng buộc phải cắt bỏ do hoại tử. Em là Phạm Tuấn Đức (sinh năm 2011) - chú lính chì dũng cảm vẫn luôn cười khanh khách mỗi khi xem phim hoạt hình.
Từ cậu bé khỏe mạnh bỗng hóa ngọn đuốc sống
Đã hơn 5 tháng trôi qua từ cái ngày mà khi nhắc lại, chị Nông Thị Út Ngọc (27 tuổi, Phú Xuyên, Đại Từ, Thái Nguyên) lại rơi nước mắt. Bé Đức là con trai đầu lòng của chị Ngọc và anh Phạm Tuấn Anh (27 tuổi).
Trưa ngày 22/7/2017, Đức vừa đi học về liền chạy sang nhà hàng xóm chơi. Thời điểm này mọi người đang dùng cồn nướng mực thì bất ngờ bị bén lửa vào tay. Giật mình, người hàng xóm vội ném lọ cồn đi nhưng không may trúng vào người Đức khi em đang ngồi gần đó. Từng dòng cồn nướng mực trong cuộc vui đổ từ trên đầu xuống, đứa bé 6 tuổi bỗng biến thành ngọn đuốc sống bùng cháy dữ dội.
Tức tốc chạy sang, chị Ngọc đau đớn chứng kiến cảnh đứa con bị lửa thiêu khắp cơ thể, da lột gần hết từ đầu đến tận chân. "Khi lấy lại được bình tĩnh, tôi liền lấy cái khăn to cuộn cháu vào đưa đi sơ cứu ở bệnh viện huyện. Nhưng do vết bỏng quá nặng, cháu được chuyển gấp lên tuyến trên. Lúc ấy tôi cũng không còn nước mắt mà gào khóc, phải cứu con trước cái đã", chị Ngọc nhớ lại.
Nhập viện và điều trị cấp cứu tại Viện bỏng Quốc gia, bé Đức được chẩn đoán bỏng cấp độ 4, mức độ tổn thương vô cùng nguy hiểm, vết thương đã ăn sâu vào gân và xương, tiên lượng xấu.
"Cháu bị suy hô hấp nặng, có khả năng tử vong trong đêm. Tôi báo trước để gia đình chuẩn bị tinh thần...". Nghe bác sĩ thông báo, chị Ngọc òa khóc nức nở. Một đứa trẻ 6 tuổi chỉ vừa mới bắt đầu cuộc sống lúc này phải đấu tranh để sinh tồn. Nghĩ về con, người làm mẹ ngã quỵ vì phải để mình Đức trong phòng cấp cứu mà chẳng thể làm gì.
Đêm 22/7, bé Đức không thở được. Các bác sĩ tức tốc đặt ống thở, bé chìm vào hôn mê sâu kéo dài. Suốt 14 ngày trôi qua, Đức liên tục hôn mê và không tỉnh dậy.
Ngày thứ 15, em mở mắt. Vợ chồng chị Ngọc, anh Tuấn Anh ôm nhau khóc lớn đầy hạnh phúc. Bước đầu trên chặng đường tìm lại sự sống, một mình em đã có thể chiến đấu đầy kiên cường như thế.
Trải qua nhiều lần phẫu thuật, những tổn thương trên cơ thể Đức dần ổn định. Tuy nhiên toàn thân, nhiều cơ, khớp bị co kéo, vô số những vết bỏng sần sùi. Những tháng đầu nhập viện, em hoàn toàn không thể lên tiếng do da cổ bị co rút quá mạnh. Cho đến bây giờ Đức chỉ có thể ú ớ, trả lời những câu hỏi đơn giản.
"Hiện tại không còn da trên cơ thể bé để lấy nữa. Các bác sĩ bảo phải đợi nuôi thêm da, chắc sang năm cấy ghép da cho con", chị Ngọc chia sẻ.
Ngày con lên bàn mổ cưa chân là ngày các bạn chuẩn bị vào lớp 1
Bé Đức 6 tuổi, chuẩn bị vào lớp 1. Ngày gặp nạn chỉ còn cách mấy tháng nữa là em sẽ vào mùa tựu trường cùng bạn bè. Nhưng đúng hôm các bạn tập trung ở trường, Đức lên bàn mổ. Bàn chân phải do bị bỏng nặng, hoại tử sâu buộc phải cắt bỏ. "Lúc ấy tôi không nghĩ được gì, đầu óc trống rỗng. Con tôi... giờ chỉ biết trông cậy vào bác sĩ". Dứt câu chị Ngọc lại òa khóc nức nở.
Trước đó Đức thông minh, hoạt bát, chạy nhảy tung tăng cùng lũ bạn. Số phận trớ trêu khiến em giờ chỉ biết bám giường nhìn ngày qua ngày. Thương con không thể ra ngoài chơi, chị Ngọc mua cho Đức một bé gấu bông làm bạn. Đức gọi gấu bông là em, còn mình là người anh lớn.
Hàng ngày mọi sinh hoạt của Đức đều phụ thuộc vào mẹ Ngọc. Tay không thể tự cầm đồ vật, bữa cơm nào em cũng cần bón. Thỉnh thoảng Đức lại hỏi bâng quơ: "Tại sao con lại không có chân phải hả mẹ?". Chị Ngọc chỉ biết lặng im nhìn đứa con trai bé bỏng. Trong lòng người mẹ gần 30 tuổi, chị sợ một điều về tương lai của con: "Sau này chẳng biết con có hòa nhập được không. Và tôi rất sợ.. sợ những ánh mắt kì thị dành cho con mình".
Nếu không biết trước hoàn cảnh của mẹ con Đức, nhiều người tiếp xúc với em lần đầu có thể sẽ bất giác sợ hãi. Nhưng đằng sau lớp da nhăn nheo của cậu bé lên 6 là cả một tâm hồn vui tươi, trong sáng. Đức không quan tâm nhiều về mọi thứ xung quanh, với em chỉ có bố mẹ, em trai và bé gấu bông bé bỏng. Nhìn Đức cất tiếng cười khanh khách, chẳng ai biết được trước đó em đã trải qua những đau khổ như nào.
Sắp tới, Đức sẽ tiếp tục được mổ các khớp bị co kéo để có thể tự phục vụ, vệ sinh cá nhân sau này. Xa hơn nữa, chị Ngọc mong muốn con trai sẽ được lắp chân giả. Chị vẫn luôn nguyện ước: "Tôi mong đời con sẽ bớt nhọc nhằn, sẽ không còn sự việc đáng tiếc nào nữa"...
"Bây giờ con có đau nữa không?
"Con... có".
Mọi sự giúp đỡ, độc giả có thể liên hệ:
Chị Nông Thị Út Ngọc, xóm 4, Phú Xuyên, Đại Từ, Thái Nguyên. SĐT: 0169.278.8406.
“