Xe cảnh sát hộ tống quả tim từ sân bay về bệnh viện ghép cho bệnh nhân

Xã hội 20/03/2018 11:24

Chỉ có 6 giờ để đưa quả tim khỏi ngực người hiến ở Hà Nội về Sài Gòn ghép cho bệnh nhân, hàng không và công an phải vào cuộc.

Người đàn ông 45 tuổi bị tai nạn chết não tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Hà Nội) ngày 25/2, gia đình có nguyện vọng hiến tạng của ông. Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người đã khởi động tìm kiếm bệnh nhân nhận tạng trong danh sách chờ cả nước.

Chàng trai 29 tuổi quê Tiền Giang điều trị bệnh tim giãn nở tại Bệnh viện Chợ Rẫy 5 năm nay, được chọn. Nam bệnh nhân từng từ chối nhận tim hai lần vì nhà nghèo không đủ chi phí khoảng 300 triệu đồng cho ca ghép, chấp nhận sống với quả tim yếu ớt từng ngày chực chờ ngừng đập. Lần này các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy đã động viên người bệnh ghép tim, chi phí sẽ tìm cách tính toán sau. 

Tiến sĩ Nguyễn Thái An, Trưởng Khoa Hồi sức Phẫu thuật Tim Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết thời gian quả tim từ lúc đưa ra cơ thể người hiến đến khi ghép vào người nhận phải đảm bảo trong vòng 6 giờ. Nếu chọn phương án đưa bệnh nhân ra Hà Nội ghép tạng, chi phí đi lại, ăn ở, phẫu thuật, hậu phẫu... sẽ là gánh nặng không xuể với gia đình. Các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy quyết định bắt tay vào hành trình chuyển tạng xuyên Việt về Sài Gòn. Mẫu máu của chàng trai được lập tức gửi ra Hà Nội.

Xe cảnh sát hộ tống quả tim từ sân bay về bệnh viện ghép cho bệnh nhân - Ảnh 1
Hai xe cảnh sát làm nhiệm vụ hộ tống quả tim từ sân bay Tân Sơn Nhất về Bệnh viện Chợ Rẫy. Ảnh bệnh viện cung cấp.

Để kịp mang món quà vô giá vượt khoảng cách hơn 1.700 km, hàng trăm y bác sĩ hai miền Nam Bắc đã vào cuộc chạy đua, phối hợp tính toán từng giờ từng phút. Trưa 26/2, quả tim vừa đưa ra khỏi lồng ngực người hiến tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã được kíp bác sĩ Chợ Rẫy túc trực mang ra sân bay Nội Bài. Những hành khách cuối cùng này được tạo điều kiện tối đa để kịp chuyến bay cất cánh lúc 14h cùng ngày. Suốt quá trình vận chuyển, cứ mỗi 2 giờ các bác sĩ phải bơm dung dịch bảo vệ tạng một lần. 

16h khi vừa đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhất, hai chiếc xe cứu thương của Bệnh viện Chợ Rẫy đã được đặc cách vào tận cửa thang máy bay đợi sẵn. Xe đặc chủng của cảnh sát giao thông TP HCM hỗ trợ dẫn đường, giúp rút ngắn khoảng thời gian từ sân bay về bệnh viện chỉ khoảng 15 phút ngay trong giờ cao điểm đường sá đông đúc.

Xe cảnh sát hộ tống quả tim từ sân bay về bệnh viện ghép cho bệnh nhân - Ảnh 2
Các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy tiến hành ca phẫu thuật ghép tim. Ảnh bệnh viện cung cấp.

Phó giáo sư Nguyễn Trường Sơn, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy cùng các bác sĩ hồi hộp túc trực ở cổng viện chờ đón quả tim từ Hà Nội về. Thùng đựng tim vừa xuống xe cấp cứu đã được băng ca đưa thẳng lên phòng ghép tim. 19h15, quả tim từ người đàn ông Hà Nội đã đập những nhịp đầu tim trong lồng ngực chàng trai trẻ. 21h30 cuộc mổ hoàn tất. Đây là ca ghép tim thứ hai được thực hiện tại Bệnh viện Chợ Rẫy.

Tiến sĩ Dư Thị Ngọc Thu, Trưởng đơn vị Điều phối ghép bộ phận cơ thể người Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết trong lúc các bác sĩ đang vội vã chuẩn bị tiếp nhận quả tim, Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người thông báo sẽ điều phối thêm một quả thận ghép cho bệnh nhân Chợ Rẫy. Ngay trong đêm 26/2, một ê kíp y bác sĩ khác lại khẩn cấp lên đường ra Hà Nội mang quả thận về ghép cho cô gái 25 tuổi quê Ninh Thuận, bị suy thận mạn giai đoạn cuối.

Bên cạnh tim và một quả thận được vận chuyển vào Nam, từ nguồn tạng hiến từ người đàn ông 45 tuổi chết não này, các bác sĩ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã thực hiện ca ghép phổi, ghép một quả thận và ghép giác mạc cho bốn bệnh nhân tại Hà Nội. 

Xe cảnh sát hộ tống quả tim từ sân bay về bệnh viện ghép cho bệnh nhân - Ảnh 3
Chàng trai ghép tim khỏe mạnh đi dạo ở hàng lang bệnh viện ngày 19/3. Ảnh: L.P.

Phó giáo sư Trần Quyết Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy đánh giá, lấy đa tạng ghép ở cùng một bệnh viện đã phức tạp. Với khoảng cách xa xôi như vậy, vấn đề tổ chức phối hợp càng khó khăn gấp bội. Nếu chậm trễ chừng 1-2 giờ, các bác sĩ không chỉ phụ tấm lòng người hiến mà còn bỏ qua cơ hội cứu sống người nhận. Sự hỗ trợ của các cơ quan ngoài ngành y tế như lực lượng công an, hàng không... đã giúp các thầy thuốc kết nối sự sống một cách kịp thời trọn vẹn.

Phó giáo sư Phạm Thị Ngọc Thảo, Phó Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết đây là ca ghép tạng xuyên Việt lần thứ ba cả nước nhưng là lần đầu tiên tạng từ Bắc chuyển vào Nam. Hai bệnh nhân được chọn ghép lần này đều có hoàn cảnh khó khăn, bệnh viện đã hỗ trợ một phần viện phí cũng như vận động mạnh thường quân giúp đỡ thêm để các cuộc ghép được diễn ra suôn sẻ. Ngày 19/3, cả hai đều hồi phục khỏe mạnh, chuẩn bị xuất viện.

"Lần nào chúng tôi cũng nguyên vẹn cảm giác bồi hồi xúc động, như một cuộc chạy đua với thời gian. Khi hoàn tất thành công hai cuộc mổ, các y bác sĩ rời viện lúc kim đồng hồ chuyển sang ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2 khiến chúng tôi càng cảm thấy trân quý hơn nghề của mình", bác sĩ Thảo chia sẻ.

Bảo vệ Bệnh viện K đánh người nhà bệnh nhân rạn xương, nhập viện

Một người nhà bệnh nhân đã bị bảo vệ Bệnh viện K Trung ương đánh rạn xương tay, phải nhập viện trong khi đến đây chăm sóc người thân.

TIN MỚI NHẤT