Đầu tháng này, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã tuyên bố dịch bệnh đậu mùa khỉ bùng phát tại Công hoà Congo và 11 quốc gia khác ở châu Phi là tình trạng khẩn cấp.
- Tuyệt thực 3 ngày đòi mẹ mua iPhone
- Công an chỉ 4 cách nhận biết lừa đảo qua điện thoại và đưa khuyến cáo quan trọng
Theo trang SMCP, hôm 27/8, WHO cho biết các giọt bắn từ người bệnh có khả năng lây truyền bệnh nhanh hơn so với việc tiếp xúc gần gũi, đồng thời khẳng định sẽ cần phải nghiên cứu thêm để nắm bắt kỹ hơn về diễn biến dịch bệnh lây lan.
Tổ chức Y tế Thế giới cũng ban bố tình trạng khẩn cấp quốc tế về bệnh đậu mùa khỉ vào ngày 14/8, bày tỏ lo ngại về sự gia tăng các trường hợp mắc chủng Clade 1b tại Cộng hòa Congo và sự lây lan sang các quốc gia lân cận.
Trên trang web, Cơ quan y tế của Liên hợp quốc ghi nhận bệnh đậu mùa khỉ lây lan từ người qua người chủ yếu thông qua tiếp xúc gần với người mắc virus.
"Tiếp xúc gần bao gồm tiếp xúc da kề da (như chạm vào hoặc quan hệ tình dục) và tiếp xúc miệng kề miệng hoặc tiếp xúc miệng kề da (như hôn)", cơ quan này cho biết.
Trong một số trường hợp, bệnh có thể lây lan khi nói chuyện hoặc qua hơi thở gần nhau.
Bệnh đậu mùa khỉ cùng họ virus với bệnh đậu mùa nhưng gây ra các triệu chứng nhẹ hơn như sốt và đau nhức cơ thể. Những người bị các trường hợp nghiêm trọng hơn có thể phát triển mụn nước nổi rõ trên mặt, tay, ngực và bộ phận sinh dục.
Người phát ngôn của WHO Margaret Harris hôm 27/8 đã cho biết nếu một người nhiễm virus nói chuyện gần với ai đó, thở vào họ, tiếp xúc vật lý gần gũi mặt đối mặt thì khả năng lây lan virus có thể xảy ra nhưng đây là nguồn lây nhiễm nhỏ. Trong khi đó, những gì chúng ta đang thấy đều là tiếp xúc da kề da và xem là lý do lây nhiễm chính.
"Khi người bệnh nói chuyện với ai đó, bạn đang khạc ra các giọt bắn và vẫn có nguy cơ lây nhiễm sang người khác. Cần nghiên cứu thêm để hiểu đầy đủ về động lực lây truyền", bà Harris nói thêm.
WHO cũng khuyến cáo những người mắc bệnh đậu mùa khỉ, những người tiếp xúc gần và nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân mắc bệnh nên đeo khẩu trang. Có hai phân nhóm của bệnh đậu mùa khỉ: nhóm 1 gây bệnh ở Cộng hòa Congo thuộc miền trung châu Phi; và nhóm 2 gây bệnh ở Tây Phi.
Bùng phát các biển thể mới lây lan mạnh hơn
Trong nhiều thập kỷ, căn bệnh này chủ yếu được phát hiện ở Trung và Tây Phi, nhưng hiện tại đã bắt đầu lây lan ở châu Âu và Bắc Mỹ vào năm 2022.
Trước đó, vào tháng 7/2022, WHO đã tuyên bố sự lây lan của dịch bệnh đậu mùa khỉ là trường hợp khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu nhưng đã chấm dứt tuyên bố đó vào tháng 5/2023.
Đợt bùng phát ở Cộng hòa Congo chủ yếu là do hai biến thể Clade 1 khác nhau. Đợt đầu tiên bùng phát ở tây bắc Cộng hòa Congo với biến thể Clade 1, hiện được gọi là Clade 1a. Trong khi đó, đợt thứ hai bùng phát ở đông bắc Congo, xác định là nhánh mới của Clade 1, gọi là Clade 1b, lần đầu tiên được phát hiện vào tháng 9 năm ngoái và đang lây lan nhanh chóng.
Sự lây lan của biến thể Clade 1b ở Cộng hòa Congo và việc phát hiện ra chủng này ở các quốc gia láng giềng là lý do chính khiến WHO phải ban bố tình trạng khẩn cấp hàng đầu.
Biến thể Clade 1 bệnh đậu mùa khỉ được đánh giá là nguy hiểm hơn so với biến thể Clade 2 bởi tỷ lệ tử vong do loại biến thể này cao hơn.
Về việc Clade 1b có nguy hiểm hơn Clade 1a hay không, bà Harris cho biết chúng tôi chưa có dữ liệu nghiên cứu cụ thể. Các nghiên cứu đang được tiến hành để hiểu thêm về đặc tính của chủng mới. Hiện dữ liệu dịch tễ học hiện có chưa cho thấy biến thể clade 1b gây ra nhiều trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ nghiêm trọng hơn hay gây ra tử vong cao hơn.
WHO ngày 27/8 cũng cho rằng tổ chức sẽ cần huy động thêm 87,4 triệu đô la Mỹ từ tháng 9/2024 đến tháng 2/2025 để thực hiện các kế hoạch nhằm ngăn chặn đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ.
Trong khi đó, cơ quan tị nạn của Liên hợp quốc cũng cảnh báo các trại tị nạn ở Cộng hòa Congo và các quốc gia bị ảnh hưởng khác ở châu Phi có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng nếu dịch bệnh bùng phát.
"Nếu không có thêm sự hỗ trợ khẩn cấp thì đợt bùng phát dịch bệnh đậu mùa khỉ mới được công bố gần đây có thể trở nên tàn khốc hơn đối với người tị nạn và cộng đồng phải di dời", Allen Maina, Giám đốc y tế công cộng của Cao ủy Liên hợp quốc về Người tị nạn (UNHCR) cho biết.
Ông Allen Maina cũng nhấn mạnh việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa bệnh đậu mùa khỉ đối với những người tị nạn là một "thách thức to lớn", khi mọi người phải tạm trú những nơi quá đông đúc với điều kiện vệ sinh kém./.