Vụ việc cô gái 16 tuổi mất tích ở TP.HCM có dấu hiệu hình sự với 2 tội danh là Tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép và Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản.
- Người thân xác nhận đã tìm thấy thiếu nữ 16 tuổi mất tích khi vào TP.HCM làm 'việc nhẹ lương cao'
- Tin MỚI nhất vụ thiếu nữ 16 tuổi mất tích ở TP.HCM: Gia đình nhận tin báo 'đã thả người' đầy uẩn khúc
Liên quan đến vụ thiếu nữ tên Nguyễn Thị Thu Ngọc (16 tuổi) mất tích ở TP.HCM, theo báo Lao Động, ông Hương (bố của Ngọc) cho biết con gái được cảnh sát tìm thấy vào ngày 18/6 ở Campuchia, sau đó dẫn qua cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) rồi đưa về TP.HCM, bàn giao cho gia đình trong tình trạng sức khỏe tốt, tinh thần ổn định.
Theo lời kể của Ngọc với gia đình, vào hôm 5/6, khi từ thị xã Sông Cầu (Phú Yên) vào đến TPHCM tìm việc, Ngọc được một phụ nữ đến đón tại bến xe ở số 537 Phạm Văn Đồng (quận Bình Thạnh) rồi chở về một căn nhà. Nơi này có khoảng 5 người con gái khác cũng giống như Ngọc, trên dưới 20 tuổi. Ngày hôm sau, có khoảng 3 người chở Ngọc cùng các cô gái còn lại lên Tây Ninh rồi băng qua một cánh đồng lúa để vượt biên vào đất Campuchia. Khi đến bên kia biên giới, cả nhóm được đưa vào một phòng riêng, có người canh gác ngày đêm.
“Thời điểm Ngọc gọi điện về gia đình là có người giám sát ở bên cạnh. Con gái kể là nói theo những gì mà nhóm người canh gác đã hướng dẫn trước đó, nếu không sẽ bị đánh đập, bỏ đói”, ông Hương kể.
Cũng theo ông Hương thông tin thêm, sau khi thông tin Ngọc mất tích lan truyền trên mạng xã hội, báo đài và công an đồng loạt vào cuộc thì vài ngày sau, nhóm người trên đã thả Ngọc ra, trong khi các cô gái còn lại đi cùng Ngọc vẫn bị giữ lại.
Trước đó, gia đình ông Hương cũng nhận được một số cuộc điện thoại yêu cầu đòi tiền chuộc 70 triệu đồng để nhận lại con.
Theo Zing News, liên quan đến sự việc, luật sư Trần Minh Hùng (Trưởng Văn phòng luật sư Gia Đình) nhận định sau khi Ngọc trở về, cơ quan chức năng sẽ làm việc với cô gái cùng những người liên quan để xác minh, làm rõ những người đã đưa Ngọc vượt biên. Với các tình tiết như vượt biên trái phép, bắt cóc hay tống tiền, ông Hùng nhận định vụ việc có thể có dấu hiệu hình sự.
Với những người tổ chức cho Ngọc và 5 cô gái khác vượt biên trái phép sang Campuchia, họ có thể bị xử lý về tội Tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh trái phép theo Điều 348 Bộ luật Hình sự 2015. Theo đó, người nào vì vụ lợi mà tổ chức hoặc môi giới cho người khác xuất cảnh trái phép sẽ bị xử lý về tội danh này.
Với trường hợp thực hiện hành vi với từ 5 đến10 người, người phạm tội sẽ bị xử lý theo khoản 2, Điều 348 Bộ luật này với khung hình phạt 5-10 năm tù.
Về yếu tố "vụ lợi", luật sư Hùng cho biết theo Công văn 1557/VKSTC-V1 năm 2021 của VKSND Tối cao, vụ lợi là động cơ của người phạm tội nhằm đạt được lợi ích vật chất hoặc phi vật chất không chính đáng cho mình hoặc cho cơ quan, tổ chức, cá nhân khác. Trên thực tiễn, động cơ của người phạm tội chủ yếu vì lợi ích vật chất; trường hợp người phạm tội vì lợi ích phi vật chất thì cần chứng minh rõ lợi ích phi vật chất đó để bảo đảm việc buộc tội có căn cứ.
Như vậy, nếu đủ căn cứ chứng minh những người đó tổ chức cho Ngọc vượt biên trái phép nhằm yếu tố vụ lợi, họ có thể bị xử lý hình sự về tội danh này.
Đồng quan điểm, luật sư Quách Thành Lực (Giám đốc Công ty Luật Pháp trị) cũng cho rằng nếu làm rõ tính chất, động cơ và mục đích thực hiện hành vi, công an có thể xử lý những người tổ chức cho Ngọc vượt biên trái phép theo tội danh tại khoản 2, Điều 348 Bộ luật Hình sự 2015.
Ngoài ra, cơ quan chức năng sẽ xác minh danh tính nhóm người canh gác, giám sát các cô gái; danh tính những cá nhân đã gọi điện, đòi gia đình ông Hương số tiền chuộc 70 triệu đồng và mối quan hệ, sự liên quan giữa họ cũng như nhóm người tổ chức xuất cảnh trái phép. Trường hợp xác minh được sự liên quan giữa những cá nhân này, cơ quan chức năng có thể khởi tố vụ án Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản theo Điều 169 Bộ luật Hình sự 2015 để điều tra theo quy định.
Khung hình phạt cho tội danh này là 1-7 năm tù. Trường hợp hành vi thuộc các tình tiết định khung như có tổ chức; đối với 2 người trở lên hay chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50 triệu đến dưới 200 triệu đồng..., mức án tối đa có thể áp dụng là 12 năm tù.
Trường hợp những người canh gác và đòi tiền chuộc không có sự liên quan, hoạt động độc lập, cơ quan chức năng có thể tách vụ việc thành các vụ án Bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật (Điều 157) và Cưỡng đoạt tài sản (Điều 170) theo Bộ luật Hình sự 2015 để điều tra theo quy định.