Liên quan đến vụ tài xế Mercedes tông chết người tại Phan Thiết, thông tin xoay về việc xử lý nghi phạm đang thu hút sự chú ý từ phía dư luận với nhiều luồng ý kiến trái chiều khác nhau.
- Vụ lái xe Mercedes truy sát làm 1 người tử vong ở Phan Thiết: Giám định thương tật tài xế và bạn đi cùng
- 4 năm bé gái Quảng Bình cõng bạn tới trường: 1 em là Liên đội trưởng, 1 em thường xuyên đạt giải tiếng Anh trên Internet, Trạng nguyên Toán
Theo nguồn tin từ Pháp Luật TP.HCM, khoảng 0 giờ sáng ngày 12-5, do mâu thuẫn, một người đàn ông điều khiển xe Mercedes màu trắng chạy nhiều vòng truy đuổi một số người trước quán nhậu Thuận Phát (bờ kè Phạm Văn Đồng, Phan Thiết) và tông thẳng vào anh Hà Xuân Hải (43 tuổi) ngụ Phan Thiết khiến nạn nhân tử vong tại chỗ.
Sau khi giết chết nạn nhân, người đàn ông điều khiển xe chạy khỏi hiện trường với tốc độ rất cao. Được biết, trước đó do suýt xảy ra va quẹt xe giữa người điều khiển xe Mercedes và xe máy do anh Hà Xuân Hải điều khiển nên xảy ra mâu thuẫn và dẫn đến vụ việc nghiêm trọng nói trên.
15g30 chiều 12-5, Phạm Văn Nam (43 tuổi) ngụ huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình, người điều khiển xe Mercedes tông chết người vào rạng sáng 12-5 tại Phan Thiết đã đến Công an tỉnh Bình Thuận đầu thú.
Được biết, sau khi truy sát chết người, Phạm Văn Nam đã một mình lái xe vào TP.HCM rồi liên lạc với cơ quan công an hứa sẽ sớm ra trình diện và chiều cùng ngày đã lái xe gây án ra Phan Thiết đầu thú.
Dẫn theo nguồn tin Dân Việt, bình luận về sự việc tài xế Mercedes tông chết người tại Phan Thiết, có ý kiến cho rằng cần xử lý nghiêm người lái xe ô tô gây chết người nhưng cơ quan công an cũng không thể bỏ qua hành vi của nhóm người đi xe máy trước đó.
Nêu quan điểm về sự việc, Luật sư Quách Thành Lực (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) chia sẻ, về tổng thể thì lái xe ô tô có thể đi khỏi hiện trường nhưng người này đã lựa chọn quay lại để dùng xe đe dọa nhóm người, thì hành vi này cũng đã có dấu hiệu cấu thành hành vi tội phạm.
Qua theo dõi clip ở những phút cuối, Luật sư Lực cho rằng khó có thể đánh giá đây là hành vi cố ý giết người, mà biểu hiện rõ nét ở hành vi cố ý gây thương tích dẫn đến hậu quả chết người, trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh.
Tội cố ý gây thương tích dẫn đến hậu quả chết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh được hiểu là hành vi cố ý gây thương tích cho nạn nhân trong tình trạng không tự chủ, không kiềm chế được hành vi phạm tội của mình (tức sự phản ứng của người phạm tội) do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân đối với chính người phạm tội hoặc người thân của người phạm tội được quy định tại Điều 135 BLHS năm 2015.
Trong đó, mục đích của hành vi phạm tội cố ý gây thương tích dẫn đến chết người là người phạm tội thực hiện hành vi chỉ nhằm mục đích gây tổn hại đến thân thể nạn nhân. Việc nạn nhân chết nằm ngoài ý thức chủ quan của người phạm tội. So với tội giết người, thì sự cố ý trong trường hợp gây thương tích mức độ nguy hiểm có thấp hơn vì người phạm tội chỉ mong muốn hoặc để mặc cho nạn nhân bị thương, bị tổn hại đến sức khỏe chứ không mong muốn nạn nhân chết.
Điều 135. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh:
1.Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân đối với người đó hoặc đối với người thân thích của người đó, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 31% trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc dẫn đến chết người.
Hiện vụ việc vẫn được lực lượng chức năng tiếp tục điều tra, làm rõ hành vi phạm tội của Phạm Văn Nam.