Cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An đã bắt giữ 5 đối tượng để điều tra, làm rõ về hành vi trộm cắp và hủy hoại tài sản liên quan đến đoạn clip ông lão khóc bên vườn dưa bị tàn phá.
- Cận cảnh ruộng dưa bị phá tan hoang, cụ ông quặn lòng tiếc công, xót của: 'Bao nhiêu công sức chăm sóc của gia đình bỗng mất trắng'
- Cụ ông khóc ngất bên ruộng dưa hấu bị phá hoại khi gần đến dịp thu hoạch, công an vào cuộc xác minh
Theo VietNamNet, tối ngày 4/7, thông tin từ Công an huyện Diễn Châu (tỉnh Nghệ An) cho biết đơn vị đã điều tra, làm rõ 5 đối tượng thực hiện hành vi trộm cắp tài sản, huỷ hoại tài sản gồm: Chu Văn Cường (SN 2002); Chu Minh Nam (SN 2004); Nguyễn Đức Phong (SN 2004); Lê Trung Huấn (SN 2004) và Nguyễn Trọng Tấn (SN 2005) cùng trú tại huyện Quỳnh Lưu.
Được biết, đây là những đối tượng có liên quan đến vụ ruộng dưa hấu của ông Phan Văn Tôn (70 tuổi, xã Diễn Kỷ, Diễn Châu, Nghệ An) bị phá hoại.
Theo Dân Việt, dưới góc độ pháp lý, luật sư Trương Quốc Hòe (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, mọi hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác đều sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật.
Tùy từng tính chất, mức độ hành vi có thể bị xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Cụ thể, theo quy định tại Khoản 2 Điều 15 Nghị định 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội, sẽ phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 5 triệu đồng đối với hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác.
Đối với hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 2 triệu đồng trở lên hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác theo quy định tại Điều 178 Bộ luật hình sự 2015:
- Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm.
- Đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
- Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
- Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại.
Tùy từng tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi, mức hình phạt áp dụng đối với người phạm tội danh này là phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 20 năm tù.
Ngoài ra, đối tượng thực hiện hành vi còn phải bồi thường thiệt hại cho cá nhân do tài sản bị xâm phạm, bao gồm thiệt hại về tài sản bị mất, bị hủy hoại hoặc bị hư hỏng; lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản bị mất, bị giảm sút; chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại; thiệt hại khác do luật quy định tại Điều 589 Bộ luật dân sự 2015.
Từ bình luận trên, luật sư Hòe cho biết, sau quá trình điều tra, tùy tính chất, mức độ mà 5 đối tượng phá vườn dưa của ông Phan Văn Tôn có thể bị xử lý hành chính hoặc hình sự. Mức phạt cụ thể như đã phân tích ở trên.
Như đã đưa tin trước đó, theo báo Pháp luật TP.HCM, gia đình ông Tôn làm nông nghiệp thuộc diện khó khăn. Thời gian gần đây, vợ chồng ông trồng một sào dưa hấu trên cánh đồng xã Diễn Kỷ. Khi vườn dưa sắp đến ngày thu hoạch vợ chồng ông phải cắt cử nhau canh cả ngày.
Trưa ngày 3/7, sau khi trở về nhà ăn cơm rồi quay lại, ông Tôn phát hiện vườn dưa bị hái trộm những quả lớn và phá nát những quả nhỏ còn lại. Quá uất ức, buồn bã, ông Tôn gục xuống ruộng, nằm khóc ngất bên những quả dưa đỏ bị phá vỡ nát.
Một số người dân chứng kiến cảnh trên đã quay clip, đưa lên mạng xã hội. Nhiều người lên án, bất bình việc làm của kẻ xấu và kêu gọi quyên góp giúp đỡ vợ chồng ông Tôn. Hiện, sự việc đang khiến dư luận quan tâm.