Trong ngày đầu TAND TP. Hà Nội xét xử vụ án ông Đinh La Thăng và đồng phạm, có một số chi tiết đã gây chú ý.
- Ông Đinh La Thăng kháng cáo vì án 13 năm tù "quá nghiêm khắc"
- Đinh La Thăng lĩnh 13 năm tù, Trịnh Xuân Thanh án chung thân
- Chiều 19.3, khi Hội đồng xét xử thẩm vấn bị cáo Đinh La Thăng về vấn đề liên quan đến việc ký văn bản, bị cáo Thăng bất ngờ hỏi lại chủ tọa: Văn bản nào? Câu hỏi của bị cáo Thăng khiến không ít phóng viên theo dõi phiên xử đã ồ lên vì thấy cách hỏi đó giống như một lãnh đạo hỏi cấp dưới. Có thể nói, trong lần hầu tòa tháng 1.2018 đến phiên xử thứ hai này, đây là lần đầu tiên bị cáo Đinh La Thăng có sự bột phát “quên” mình đang là bị cáo đang trả lời Hội đồng xét xử.
Ngay sau đó bị cáo Thăng đã tự chấn chỉnh cách trả lời của mình trước Tòa. Bị cáo khai một cách chậm rãi, rõ ràng, thưa gửi đầy đủ. Đây cũng là cách bị cáo Đinh La Thăng thể hiện trong suốt phiên tòa lần thứ nhất (tháng 1.2018).
- Trước đó vào buổi sáng, trong phần thủ tục phiên tòa trước ý kiến của luật sư, đại diện Viện KS, Hội đồng xét xử đã vào hội ý. Sau khi hội ý, thẩm phán, chủ tọa phiên tòa Nguyễn Thị Xuân Thu cho biết: Trong ngày hôm nay Tòa đã triệu tập đại diện Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước nhưng cả hai cơ quan này đều vắng mặt, Tòa sẽ tiếp tục triệu tập.
Đến buổi chiều, trước khi phiên tòa bắt đầu, thẩm phán, chủ tọa phiên tòa đã hỏi: Đại diện Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước đã có mặt chưa, phía dưới phòng xử không thấy có tiếng trả lời.
Khi thời gian của phiên xử buổi chiều được quãng 2/3 thời gian, thẩm phán, chủ tọa phiên tòa tiếp tục hỏi: Đến giờ phút này đại diện Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính có mặt chưa? Phía dưới phòng xử vẫn im lặng.
- Trong chiều 19.3, vị chủ tọa phiên tòa sau khi xét thẩm vấn các bị cáo đã đề nghị đại diện Viện KS tham gia xét hỏi. Phía đại diện Viện KS đề nghị Hội đồng xét xử hỏi nhân chứng Hà Văn Thắm, nguyên Chủ tịch HĐQT OceanBank. Tuy nhiên vị chủ tọa phiên tòa trả lời thấy chưa cần thiết phải hỏi đến Hà Văn Thắm.
- Trong phần xét hỏi đối với nhóm bị cáo nguyên là Thành viên Hội đồng thành viên của PVN, điều lạ lùng là các bị cáo này đều nói khi ký không biết sai luật. Cụ thể, bị cáo Vũ Khánh Trường được xác định trực tiếp tham gia biểu quyết 2 lần (đợt 2 năm 2010 và đợt 3 năm 2011), trực tiếp ký Nghị quyết 4658/NQ-DK-VN góp vốn bổ sung giai đoạn 2 (300 tỷ đồng) và biểu quyết đồng ý để HĐTV ban hành Nghị quyết 4266 góp vốn bổ sung 100 tỷ đồng giai đoạn 3, nâng tổng số vốn góp thành 800 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 20% vốn điều lệ mới của OceanBank (4.000 tỷ đồng) là trái với khoản 2, Điều 55, Luật các tổ chức tín dụng năm 2010. Tuy nhiên bị cáo Trường nói không biết quy định mới của Luật các tổ chức tín dụng, nếu biết đã dừng hành vi lại. Sau này khi được cơ quan điều tra giải thích, bị cáo mới biết.
Bị cáo Nguyễn Xuân Thắng, Nguyễn Thanh Liêm (cả hai nguyên là Thành viên Hội đồng thành viên của PVN) cũng nói, khi ký biểu quyết việc đồng ý góp vốn bổ sung lần 3 vào OceanBank không biết quy định của Luật các tổ chức tín dụng. Đối với 3 bị cáo này, khi thẩm vấn chủ tọa phiên tòa đã dùng chung một câu hỏi: Theo quy định đã là Thành viên Hội đồng thành viên, có cần biết luật không? Cả 3 bị cáo đều không trả lời được thẳng vào câu hỏi mà giải thích lòng vòng.
Theo cáo trạng của Viện KSND Tối cao, sau khi PVN không được thành lập Ngân hàng TMCP Hồng Việt, bị cáo Đinh La Thăng khi đó với tư cách là Chủ tịch Hội đồng quản trị PVN đã chỉ đạo bị cáo Nguyễn Xuân Sơn làm việc với một số tổ chức tín dụng để thỏa thuận việc góp vốn, trong đó có OceanBank.
Thực hiện chủ trương góp vốn vào tổ chức tín dụng, tháng 9.2008, Nguyễn Xuân Sơn và Hà Văn Thắm (nguyên Chủ tịch HĐQT OceanBank) đã trao đổi, bàn bạc và thống nhất về việc PVN góp vốn để trở thành cổ đông chiến lược của OceanBank.
Thực hiện thỏa thuận, PVN đã nhiều lần góp vốn với tổng số tiền lên đến 800 tỷ đồng vào OceanBank. Tuy nhiên, toàn bộ số tiền 800 tỷ đồng này của PVN đã bị mất hoàn toàn khi OceanBank kinh doanh thua lỗ, mất vốn chủ sở hữu và Ngân hàng Nhà nước buộc phải mua lại với giá 0 đồng.
Hành vi của ông Đinh La Thăng và đồng phạm trong việc góp vốn trên được xác định là hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.