Phó Giám đốc Sở GD&ĐT An Giang cho biết, Sở cũng nắm được thông tin cô H. có những lời lẽ ẩn ý, bình luận không hay về sự việc em Y. tự tử.
- Thấy vợ sắp cưới dùng bàn chải rửa rau, chàng trai hoang mang: Có nên thay đổi quyết định?
- Ngắm bức tượng đàn cá chép khổng lồ đẹp mê mẩn, dân mạng té ngửa khi soi ra mẩu giấy bé tí teo ghi giá bằng cả căn penthouse
Sau khi nữ sinh N.T.N.Y. (học sinh lớp 10A4, Trường THPT Vĩnh Xương, Thị xã Tân Châu, An Giang) được cho là tự tử trong nhà vệ sinh tại trường học, một tài khoản mạng xã hội mang tên "Yêu Màu Tím" đăng tải nội dung:
"Có một loài chim đã tìm cái chết rất vinh… để vu oan… trong một môi trường rất cao quý, chim chọn một nơi rất thanh sạch à nghen... Xin hãy trả lại sự thanh sạch cho cái chết của con chim hay sự thanh tao trong ca dao của con cò. Mong các bạn giải bài toán đố này nhé!".
Chị L. T. N. M. (chị của nữ sinh Y.) cho biết trên báo Dân trí, tài khoản "Yêu Màu Tím" là của cô H., giáo viên chủ nhiệm em Y. Sau khi bài đăng nhận nhiều chỉ trích thì chủ tài khoản đã gỡ bỏ nội dung.
Theo tin từ Zing.vn, ông Trần Tuấn Khanh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT An Giang nói, Sở cũng nắm thông tin cô H. có những lời lẽ ẩn ý, bình luận không hay, vô cảm về sự việc em Y. tự tử nên Sở đã yêu cầu cô gỡ những nội dung này. Sau những nội dung đăng trên mạng xã hội, giáo viên này bị nhiều người công kích, chỉ trích khiến cô bị ảnh hưởng tinh thần, sức khỏe.
Theo ông Khanh, ở vụ việc này, cô chủ nhiệm có sai hay không, sai ở mức độ nào còn đang trong quá trình xác minh nên nhà trường không thể đình chỉ công tác giáo viên này. Sở GD&ĐT An Giang đã yêu cầu phía nhà trường ổn định tâm lý giáo viên và học sinh, để đảm bảo việc dạy học bình thường. Sau khi có kết quả xác minh vụ việc xem ai sai, mức độ như thế nào, Sở kiên quyết xử lý đến đó.
Còn ông Nguyễn Văn Cường, Phó hiệu trưởng trường THPT Vĩnh Xương thông tin với Zing.vn, trường đang làm rõ mức độ liên quan, vai trò của cô H. để có hình thức xử lý phù hợp. Ông cho hay, hiện cô H. vẫn đi dạy bình thường, nhưng sức khỏe và tâm lý bị ảnh hưởng, suy sụp sau vụ việc em Y. tự tử.
Quanh vụ việc này, thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (Quận 10, TP.HCM) bày tỏ trên Tuổi trẻ online, khi đọc bức thư tuyệt mệnh của nữ sinh, ai cũng có thể cảm nhận là học sinh đang hoảng loạn tâm lý. Cách hành xử của giáo viên chưa thuyết phục, càng không thuyết phục khi trường ra quyết định kỷ luật học sinh trước cờ.
"Dù kỷ luật để răn đe học trò nhưng rõ ràng chưa làm trẻ tâm phục khẩu phục mới dẫn đến hành động như thế. Đúng như đã xác minh, sau sự việc phát hiện em tự tử bất thành, giáo viên viết trên Facebook là cách hành xử tệ, trái với sự dịu dàng, mẫu mực của một cô giáo, vi phạm văn hóa ứng xử nhà giáo.
Tôi nghĩ giáo viên, nhà trường phải thấy hết trách nhiệm của mình trước khi quá muộn, đừng để học sinh có hành động tiêu cực, để phụ huynh vào cuộc, thậm chí là luật pháp", báo Tuổi trẻ dẫn lời thầy Thanh Phú.
Cũng theo Tuổi trẻ online, cô Lê Thị Thanh Giang, Hiệu trưởng Trường THCS Trần Văn Ơn (quận 1, TP.HCM) nhìn nhận, cách giáo viên chủ nhiệm đăng thông tin trên mạng xã hội sau khi sự việc xảy ra thật đáng trách. Nó vừa không hay và vừa không đúng với đạo đức nhà giáo, mặc dù học sinh có lỗi thật.
Theo Lao động, Tiến sĩ tâm lý Nguyễn Hoàng Dũng, Giám đốc Hệ thống Cambridge Khai Minh cho hay, qua theo dõi thông tin trên báo chí, ông không đồng ý với biên bản kỷ luật của hội đồng trường này với học sinh.
Theo Tiến sĩ Dũng, trường học không phải là tòa án để kết tội học sinh đúng hay sai, mà chỉ dừng lại ở việc giải thích để học sinh hiểu, uốn nắn các em.
"Giáo dục xin đừng đẩy các em đến bước đường cùng. Tôi không bác bỏ tính kỷ luật, nhưng kỷ luật chứ không phải là trừng trị", Tiến sĩ tâm lý Nguyễn Hoàng Dũng nói với nguồn trên.
Ông Dũng cho rằng, trong các trường phổ thông hiện nay đang có một mảng trống rất lớn là thiếu vắng bộ phận tham vấn tâm lý học đường một cách độc lập, chuyên nghiệp.
Em N.T.N.Y., học sinh lớp 10A4, trường THPT Vĩnh Xương kể với báo giới, em tìm đến cái chết vì bị bạo lực tinh thần và tâm lý đè nén vì bế tắc.
Hôm 23/11, Y. đi khám bệnh, được bạn bè nhắn tin báo việc em bị nêu tên dưới cờ vì phản ánh sự việc ở trường với gia đình không đúng sự thật, gây hiểu lầm trong quan hệ nhà trường và gia đình, sử dụng điện thoại ghi âm giáo viên.
Tới ngày 30/11, em tới lớp, nhưng nghĩ đến việc phải đọc bản kiểm điểm trước toàn trường là việc rất nhục nhã. Em vào nhà vệ sinh, lúc này bệnh hen suyễn của em tái phát. Y lấy thuốc mang theo ra uống, nghĩ về những áp lực và bế tắc, em đã uống hết cả vỉ thuốc để giải thoát.
Trong thư tuyệt mệnh Y. viết trước đó có đoạn: "Sau cái chết của em xin nhà trường đừng bao giờ tin vào những việc chưa rõ ràng và bạo lực tinh thần với các bạn khác".
”