Tiến sĩ - Luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp) đã có phân tích về hành vi nữ công nhân dùng dao đã chuẩn bị sẵn từ trước để đâm nhiều nhát vào người nam thanh niên khiến nạn nhân tử vong.
- NÓNG: Người đàn ông quốc tịch Việt Nam bị đâm tử vong tại nhà ga Nhật Bản, hung khí 'biến mất', kẻ tình nghi có quen biết với nạn nhân?
- NÓNG: Chìm cano chở hơn 35 người ở biển Cửa Đại, có cả phụ nữ và trẻ em, ít nhất đã có 5 người tử vong
Liên quan đến vụ nữ công nhân Lê Thị Kim Cúc (SN 2001, ngụ tỉnh Bình Phước) đâm 3 người thương vong ở Công ty S&K (thuộc KCN Minh Hưng – Hàn Quốc, xã Minh Hưng, huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước), trao đổi với PV Dân Việt, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết, đây là một vụ việc nghiêm trọng, xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của người khác, gây mất an ninh trật tự, bởi vậy cơ quan điều tra sẽ làm rõ sự việc để xử lý các đối tượng vi phạm theo quy định của pháp luật.
Hành vi dùng dao đã chuẩn bị sẵn từ trước để đâm nhiều nhát vào người nạn nhân khiến nạn nhân tử vong có thể được xác định là hành vi giết người. Tuy nhiên cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ vụ việc có thuộc trường hợp phòng vệ chính đáng hay phạm tội trong trường hợp tinh thần bị kích động mạnh trước khi quyết định khởi tố vụ án hình sự.
Theo thông tin ban đầu từ phía cơ quan chức năng, Cúc sử dụng dao đâm nhiều nhát về phía các nạn nhân khiến một người tên Du tử vong do hai bên mâu thuẫn, xô xát với nhau.
Cơ quan điều tra sẽ làm rõ tại thời điểm Cúc dùng dao đâm về phía nạn nhân thì hành vi trước đó của các bên như thế nào, việc sử dụng dao có phải là tình huống không còn cách nào khác để bảo vệ tính mạng, sức khỏe của mình và của người khác hay không?
Theo quy định tại Điều 22 Bộ luật hình sự, "phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên. Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm".
Bởi vậy, để xác định hành vi của Cúc có phải là phòng vệ chính đáng hay không, cơ quan điều tra sẽ làm rõ hành vi của các nạn nhân có đang đe dọa uy hiếp tinh thần, tính mạng, sức khỏe của Cúc và của những người khác hay không.
Hành vi sử dụng dao đâm vào nạn nhân có phải là cách duy nhất, không còn cách nào khác để bảo vệ tính mạng của mình hay không? Khi đó mới xác định là hành vi này có được xác định là phòng vệ chính đáng hay không.
Nếu trường hợp, kết quả điều tra cho thấy Cúc đã chuẩn bị 2 con dao nhọn từ trước, do mâu thuẫn nên Cúc cũng có ý định sẽ dùng dao để gây thương tích, thậm chí sát hại nạn nhân. Khi sự việc xảy ra, hai bên xông vào nhau thì Cúc đã cầm dao và đâm nạn nhân, hành vi này không được xác định là phòng vệ chính đáng, động cơ mục đích của hai bên là điều mong muốn gây thương tích cho nhau, xâm phạm tính mạng, sức khỏe của nhau nên hành vi của hai bên đều là vi phạm pháp luật.
Trong tình huống do mâu thuẫn từ trước mà hai bên hẹn địa điểm để đánh nhau, cùng muốn gây ra thương tích cho nhau, vậy cả hai bên đều bị xử lý hình sự về tội giết người, tội cố ý gây thương tích và tội gây rối trật tự công cộng tùy thuộc vào hành vi và hậu quả cụ thể của mỗi bên.
Còn trong trường hợp Cúc không có ý định đánh nạn nhân, hành vi ban đầu được xác định là phòng vệ chính đáng nhưng quá mức cần thiết sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng.
Điều 22 Bộ luật hình sự cũng quy định: "Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại. Người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật này.
Nếu trường hợp Cúc bị xử lý về tội giết người nhưng quá trình tố tụng có căn cứ cho thấy nạn nhân cũng có lỗi một phần, đây là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị can, bị cáo.
Ngoài ra, đối với những đối tượng có mặt trên hiện trường, có thực hiện hành vi đánh nhau mà gây ra thương tích cho người khác có thể sẽ bị xử lý hình sự về tội cố ý gây thương tích.
Những đối tượng không gây thương tích cho người khác nhưng có tham gia đánh nhau sẽ bị xử lý hình sự về tội gây rối trật tự công cộng.
Các cơ quan tiến hành tố tụng sẽ điều tra làm rõ 2 con dao này ở đâu mà có, đem theo vì mục đích gì, sự tương quan lực lượng giữa các bên có tương xứng hay không... để xác định có phải là phòng vệ chính đáng hay không?"
Như đã đưa tin trước đó, theo nguồn tin từ Người Lao Động, ngày 11/3, Công an tỉnh Bình Phước thông tin về vụ án mạng xảy ra tại công ty trong khu công nghiệp Minh Hưng, xã Minh Hưng, huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước.
Công an bắt giữ Lê Thị Kim Cúc (SN 2001, ngụ Bình Phước) về hành vi giết người. Nạn nhân tử vong trong vụ việc là T.M.D (SN 1993, ngụ Bình Phước), hai người khác bị thương là Nguyễn Thị Th, Nguyễn Thị Tr(SN 1992, ngụ Bình Phước).
Theo Công an tỉnh Bình Phước, vụ việc xuất phát từ mâu thuẫn nhỏ trong lúc làm việc. Cụ thể, quá trình làm việc tại phân xưởng, giữa công nhân Lê Thị Kim Cúc và Phó quản lý xưởng Nguyễn Thị Tr xảy ra mâu thuẫn cự cãi nhưng đã được hòa giải.
Đến khoảng 16 giờ 30 chiều 9/3, khi tan ca làm, Cúc đi ra cổng để về thì gặp Tr cùng Nguyễn Thị Th (em Tr) và 3 nam thanh niên, trong đó có T.M.D.. Tr gọi Cúc đến để nói chuyện.
Cúc quay lại thấy chồng mình là Trần Thế H (20 tuổi) bị T.M.D đánh nên đã dùng dao đâm liên tiếp vào cổ và người T.M.D khiến D. gục ngã tại chỗ.
Th, Tr và T.M.D được đưa đi cấp cứu nhưng T.M.D đã tử vong tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Phước.