Vụ Nguyễn Khắc Thủy dâm ô trẻ em: Vì sao tội phạm xâm hại trẻ khó bị xử lý?

Xã hội 12/06/2018 06:53

Sau 2 năm kéo dài trong nhiều lùm xùm, vụ án "dâm ô trẻ em” mà bị cáo là ông Nguyễn Khắc Thủy (77 tuổi, ở TP.Vũng Tàu) vẫn chưa khép lại. Những ngày qua, gia đình các nạn nhân vẫn như “ngồi trên lửa” bởi ông Nguyễn Khắc Thủy có dấu hiệu trì hoãn việc thi hành án.

Vụ Nguyễn Khắc Thủy dâm ô trẻ em: Vì sao tội phạm xâm hại trẻ khó bị xử lý? - Ảnh 1
Bị cáo Nguyễn Khắc Thủy tại phiên tòa phúc thẩm. Ảnh: N.A.

 Ông Nguyễn Khắc Thủy muốn xin hoãn thi hành án

Ngày 1.6, chị T.N.T - mẹ của bé gái 6 tuổi (1 trong những bé gái mà Nguyễn Khắc Thủy thực hiện hành vi dâm ô) đã vỡ òa khi Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại TPHCM hủy bản án phúc thẩm xử án treo cho ông Thủy và giữ nguyên bản án sơ thẩm, tuyên phạt ông Thủy 3 năm tù giam.

Tuy nhiên, hành trình để bắt kẻ có tội phải đền tội cũng lắm gập ghềnh. Hai ngày qua, gia đình chị T và phụ huynh có con là nạn nhân trong vụ việc lại “sôi sục” khi ông Nguyễn Khắc Thủy vẫn chưa bị thi hành án.

Ngày 11.6, quyết định thi hành án đối với Nguyễn Khắc Thủy đã được gửi đến 7 cơ quan chức năng và tống đạt quyết định trực tiếp với bị cáo Thủy tại nơi cư trú hiện tại. Ông Thủy có 7 ngày để thực hiện quyết định này nếu không muốn bị áp giải tới trại giam.

Thế nhưng, trong 7 ngày tới, chưa biết điều gì sẽ xảy ra và gia đình các nạn nhân vẫn phải thấp thỏm lo, chờ ngày kẻ phạm tội phải đền tội.

Chia sẻ với Lao Động, Luật sư Phạm Xuân Hải - người bào chữa cho bị cáo Nguyễn Khắc Thủy - vẫn tiếp tục khẳng định, nhiều khả năng gia đình ông Thủy sẽ làm đơn xin hoãn thi hành án, vì sức khỏe của ông có chuyển biến xấu sau khi mắc phải rất nhiều căn bệnh. 

Trong trường hợp ông Thủy có giấy tờ xác nhận của bệnh viện, chứng minh sức khỏe đang rất yếu, thì khả năng được hoãn thi hành án rất cao. Và như vậy, hành trình bắt kẻ dâm ô phải đền tội mà gia đình các nạn nhân đeo đuổi suốt hai năm qua nhiều khả năng vẫn chưa thể khép lại.

Nhiều vụ án đã đi vào ngõ cụt

Hậu quả của hành vi xâm hại tình dục trẻ em là vô cùng lớn. Những vết thương về tinh thần mà các bé phải gánh chịu sẽ chờ nhiều thời gian để chữa lành. Nên bản án 3 năm tù giam với ông Thủy hay bản án với những kẻ dâm ô khác vẫn được xem là quá nhẹ.

Tuy nhiên, với tội phạm xâm hại trẻ em, từ việc bắt chúng nhận tội, đến đền tội là một hành trình đầy khó khăn. Thực tế đã có nhiều vụ việc bị chìm xuồng, thậm chí có những đứa trẻ vì quá uất ức đã chọn lựa cái chết.

Từng có nhiều năm tích cực hoạt động trong các phong trào phòng chống bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em, bà Nguyễn Vân Anh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về giới (CSAGA) - cho rằng, có nhiều lý do khác nhau khiến tội phạm xâm hại trẻ em khó bị xử lý.

Có thể vì định kiến xã hội, nạn nhân không muốn lên tiếng mạnh mẽ, hoặc quá trình điều tra, xét xử còn mất nhiều thời gian, thủ tục và bản án nếu có cũng chưa thích đáng, sự vào cuộc chưa quyết liệt của các cơ quan chức năng. Tất cả những điều này đang khiến nạn nhân bị xâm hại ngại lên tiếng, còn kẻ phạm tội thì vẫn nhởn nhơ.

Để những vụ án xâm hại trẻ em không đi vào ngõ cụt, trong phiên chất vấn tại Quốc hội vào tuần trước, Bộ trưởng Công an Tô Lâm đã đề xuất một quy trình xử lý tội phạm xâm hại trẻ em và được nhiều đại biểu đồng tình.

Theo ông Tô Lâm, Ủy ban Tư pháp sẽ đứng ra làm trọng tài, tạo điều kiện cho việc điều tra, truy tố, xét xử tội phạm trong lĩnh vực này theo quy trình đặc biệt.

Thẩm phán xử án treo cho ông Nguyễn Khắc Thủy sẽ bị xử lý như thế nào?

Theo Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, thẩm phán Huỳnh Ngọc Thiện (chủ tọa phiên tòa phúc thẩm tuyên Nguyễn Khắc Thủy án treo) sẽ bị xử lý kỷ luật theo đúng các quy định của ngành.

TIN MỚI NHẤT