Các chuyên gia tâm lý khuyến cáo đối tượng nữ giới phải cảnh giác trong những giao dịch mập mờ để tránh tự đặt mình vào vòng nguy hiểm. Nếu đã rơi vào vòng nguy hiểm, nạn nhân phải tìm cách không gây "leo thang" hành vi tổn thương chính mình.
- Tâm sự đau xót của bố mẹ nghi phạm trẻ nhất vụ nữ sinh giao gà bị sát hại: "Nó cầm xẻng ra khỏi nhà, ngờ đâu lại là hôm nó đi gây tội"
- Dậy sóng MXH: Lộ clip kẻ chủ mưu sát hại nữ sinh giao gà lái xe tải gây tai nạn vào 28 Tết, xuống xe bắt tay giảng hòa
Tự thân cảnh giác, rèn luyện kỹ năng
Sự việc nữ sinh ở tỉnh Điện Biên bị hiếp dâm, sát hại khi đi giao gà chiều 30 Tết vừa qua khiến nhiều người bàng hoàng, lo lắng. Trước đó, vụ việc nữ sinh Đại học Sân khấu Điện ảnh bị cưỡng bức, sát hại khi đi thuê trọ ở Hà Nội từng gây rúng động hồi tháng 6 năm 2018.
Từ đó, đặt ra vấn đề kỹ năng phòng vệ, đảm bảo an toàn cho bản thân, đặc biệt là đối tượng nữ giới mới lớn.
Đại tá, PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn - Chuyên gia nghiên cứu tội phạm học cho biết, trong nhiều vụ án, ngoài phương thức, thủ đoạn, động cơ, mục đích của tội phạm thì yếu tố ảnh hưởng đến rất quan trọng đến quá trình thực hiện hành vi phạm tội của đối tượng đó là yếu tố nạn nhân.
"Trong vụ án nữ sinh giao gà bị sát hại, khi giao dịch món hàng với người chưa hề quen biết trên địa bàn miền núi, thời điểm chập tối vắng vẻ nhưng nạn nhân được cho là không hề xuất hiện một ý thức cảnh giác nào.
Cũng không hề đặt ra những câu hỏi liên quan đến sự an toàn của mình nên nạn nhân rất vô tư mang hàng đi giao.
Như vậy, nạn nhân đã tự đặt mình vào vòng nguy hiểm. Đồng thời, thúc đẩy tội phạm thuận lợi hơn trong việc thực hiện hành vi phạm tội quyết liệt nhất" - PGS.TS Cảnh Thìn phân tích.
Theo PGS.TS Cảnh Thìn, một số vụ án nghiêm trọng xảy ra gần đây liên quan đến phụ nữ đều ở hai tội danh hiếp dâm và cướp tài sản. Hầu hết nạn nhân đều mất cảnh giác và không có kỹ năng phòng ngừa, đặt ra những câu hỏi, thông tin liên quan đến việc mình làm và đối tượng giao dịch.
Từ đó, chuyên gia cảnh báo, luôn luôn cảnh giác trong những giao dịch và quan hệ mà mình chưa có thông tin đối tượng. Phải yêu cầu địa điểm an toàn như nơi công cộng, gần nhà dân thay vì đi theo những dẫn dắt của đối tượng đến những địa điểm vắng vẻ.
Ngoài ra, phải tìm sự công khai hóa hoạt động của mình đến nhiều người khác nhau như người thân, người xung quanh. Nếu có dấu hiệu nghi ngờ thì cần thông tin kịp thời, quay lại ngay hoặc yêu cầu đối tượng đặt hàng thực hiện một số yêu cầu chính đáng khiến cho đối tượng nhụt chí, cảnh giác, chột dạ.
"Có thể lúc đó, đối tượng chưa có ý định thực hiện hành vi phạm tội nhưng trong hoàn cảnh thuận lợi, nạn nhân tự đặt mình vào vòng nguy hiểm, đối tượng sẽ phạm tội quyết liệt, đến cùng và tước đi mạng sống nạn nhân" - PGS.TS Cảnh Thìn kiến giải.
Cần phải đồng bộ giải pháp đảm bảo an toàn
Chuyên gia tâm lý, TS Trần Thành Nam (ĐHQG Hà Nội) khuyến cáo, nữ giới đặc biệt ở tuổi xuân thì phải luôn ý thức được nguy cơ bị tấn công để cảnh giác. Khi bị tấn công, chính sự chống cự, la hét gây leo thang, kích động tội phạm tổn thương mình nhiều hơn.
Vì thế, nếu có dấu hiệu nghi ngờ, phải tìm cách để lại những dấu vết, ví dụ lén thả rơi một đồ vật tùy thân trong người như khăn tay hay giấy tờ.
Tuy nhiên, chuyên gia tâm lý Thành Nam cho rằng, để đảm bảo an toàn, đặc biệt là đối tượng nữ giới thì cần những giải pháp đồng bộ.
Chẳng hạn, như ở nước ngoài, có hệ thống tuyên truyền cộng đồng cách phản ánh những đối tượng có dấu hiệu khả nghi.
Về mặt xã hội, để đảm bảo an toàn dân cư, cần có những khuyến cáo tùy từng khu vực.
Đồng thời, bổ sung những chương trình giáo dục kỹ năng cho từng tình huống bị tấn công bất ngờ. Huy động sự chung tay của cộng đồng trong cách thức phát hiện sớm và cảnh báo đối tượng xấu, tạo an toàn cho bản thân mình.
Cuối cùng, về cơ sở hạ tầng có thể thời điểm này chưa phù hợp với điều kiện chung nhưng hi vọng sau này có thể tích hợp công nghệ. Khu vực vắng vẻ ngoài cảnh báo phải có những cách báo cáo nhanh như những cột tự động báo hiệu cho cảnh sát, lực lượng chức năng.