Bí thư Thành ủy TP.HCM yêu cầu cơ quan công an làm rõ rồi báo cáo về vụ giả bác sĩ vào khu điều trị F0 tại khu cách ly tập trung và điều trị cho người nhiễm COVID-19.
- Nghi vấn xuất hiện 'bác sĩ giả' vào khu cách ly ở TP.HCM chữa cho F0, cơ quan chức năng 'ráo riết' vào cuộc
- Nam thanh niên nghi giả dạng bác sĩ vào khu cách ly: Tự làm giấy khen để khoe ngoại, khẳng định không có hành vi trục lợi
Theo Pháp luật TP.HCM, chiều ngày 22/2, bên lề cuộc họp giao ban Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế TP.HCM, ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TP.HCM đã thông tin về vụ việc liên quan đến vụ việc bác sĩ giả mạo vào khu điều trị F0 tại khu cách ly tập trung và điều trị cho người bệnh COVID-19 ở Trường CĐ Điện lực TP.HCM (quận 12).
"Tôi đã yêu cầu Công an làm đến nơi đến chốn rồi báo cáo, chứ bây giờ chỉ mới thấy báo chí phản ánh thôi, chưa có thông tin nào hết. Tôi đã chỉ đạo cơ quan chức năng làm rõ vụ việc này" – ông Nên nói.
Như đã đưa tin trước đó, theo Tuổi Trẻ Online, PGS.TS Tăng Chí Thượng - giám đốc Sở Y tế TP.HCM - cho biết đã nắm được thông tin về một người giả danh sinh viên Trường ĐH Y dược để có tên trong danh sách tình nguyện viên phục vụ ở khu cách ly tập trung tại quận 12.
Trước mắt, theo ông Thượng, đơn vị đã giao Thanh tra sở phối hợp Trường ĐH Y dược TP.HCM, khu cách ly tập trung và điều trị người bệnh COVID-19 ở Trường CĐ Điện lực TP.HCM (quận 12) vào cuộc xác minh.
"Quan điểm của Sở Y tế TP.HCM là cái gì sai phạm, giả dối, nếu cần phối hợp công an xác minh xử lý nghiêm" - ông Thượng khẳng định.
Về trách nhiệm của Sở Y tế TP.HCM trong việc rà soát chuyển nhân sự chống dịch đến các cơ sở, ông Thượng cho rằng trong bối cảnh dịch căng thẳng thời gian trước, Sở Y tế TP.HCM tin tưởng danh sách do các trường cung cấp. Nay Trường ĐH Y dược TP.HCM có trách nhiệm rà soát lại.
"Quan trọng lúc này phải xác định rõ mục đích cuối cùng của người xưng bác sĩ này là gì, hậu quả gây ra ra sao. Thời điểm dịch bệnh căng thẳng như thời chiến, việc tình nguyện viên xung phong chống dịch cứu người là việc rất tốt. Chỉ có điều nếu lạm dụng là bác sĩ để lấy tiền bạc thì phải xử lý" - ông Thượng nói thêm.
Liên quan đến vụ việc giả bác sĩ, theo Lao Động, phía Trường Đại học Y Dược TP.HCM cũng cho biết qua kiểm tra thì không có người nào tên N.Q.K từng công tác, làm việc tại trường hay là sinh viên theo học tại trường tính đến thời điểm hiện tại. Theo nguồn tin này, vụ việc đã được quận 12 nắm bắt và đã tiến hành xử lý.
Theo Pháp luật TP.HCM, trước những ồn ào, N.Q.K cũng đã lên tiếng thừa nhận mọi sai lầm. Theo đó, người này cho biết có học y khoa nhưng bỏ ngang do về kinh tế gia đình (K. cho hay trước học ngành y bên Đại học Hồng Bàng rồi sau học bên Đại học Y Dược nhưng đại diện Trường Y Dược xác nhận không tìm thấy dữ liệu liên quan đến K.). Anh này cũng cho biết đã nhận thức được sai lầm của mình và mong được bỏ qua để tiếp tục cuộc sống và kinh doanh vì giờ không còn làm gì liên quan tới ngành y.
Theo Tuổi Trẻ Online, K. tiết lộ tuy giả làm bác sĩ nhưng không hề trục lợi gì cho bản thân và gia đình. Mỗi khi nhà hảo tâm tài trợ rau, gạo, K. và một chị (lúc ấy là trưởng khu cách ly) phát cho người dân, người bệnh.
Ngoài ra tất cả các số tiền mọi người có ủng hộ cho khu cách ly đều do thủ quỹ giữ, K. không hề đụng vào các khoản tiền đó.