Hai người phụ nữ đi bán tăm bông bị đánh đập dã man vì nghi bắt cóc trẻ em ở Sóc Sơn - Hà Nội. Người phao tin giả gây hoang mang dư luận là một hot girl bán mỹ phẩm.
Hai người phụ nữ nghi bắt cóc trẻ em bị đánh đập dã man
Vào khoảng trưa ngày 22/7, người dùng mạng xã hội xôn xao với clip nghi bắt được hai người phụ nữ trung niên có hành vi bắt cóc trẻ em tại xã Thái Phù, Sóc Sơn, Hà Nội. Đoạn clip ghi lại cảnh một nhóm người dân đang tạm giữ và hành hung hai người phụ nữ bị nghi "bắt cóc trẻ em và buôn bán nội tạng", không để họ giải thích hay phân bua.
Đoạn clip được chia sẻ đầu tiên bởi một tài khoản có tên Đ.T.H. Cô tự nhận là người nhà của hai đứa trẻ bị bắt cóc, kể chuyện rõ ràng và chi tiết việc 2 người phụ nữ có ý định bắt cóc cháu mình thế nào.
Đ.T.H còn cho biết trong túi của 2 người phụ nữ lạ mặt này có 1 mẩu giấy mà cô cho là “bảng giá buôn nội tạng”, 1 bùa chú thôi miên và 1 chai nước thuốc mê. Đ.T.H khẳng định khi bị người dân phát hiện, 2 người phụ nữ đã có hành vi bỏ chạy nhưng không thành. Và sau đó đã bị người dân giữ lại và hành hung.
Chính quyền địa phương xác nhận không hề có vụ bắt cóc
Theo nguồn tin từ báo ANTĐ, hai người phụ nữ bị nghi là kẻ bắt cóc trẻ em trong đoạn clip có tên là L.T.B (SN 1977, ở xã Lê Thanh, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội) và N.T.P (SN 1965, ở xã Sơn Công, huyện Ứng Hòa, TP Hà Nội). Cả hai đều là thành viên của Hợp tác xã tình thương huyện Mỹ Đức, sáng ngày 22/7 đã đến thôn Thái Phù - Sóc Sơn để bán tăm bông từ thiện.
Khi đến nhà cháu Đ.H.A (SN 2012, ở thôn Thái Phù, Sóc Sơn), họ hỏi bố mẹ cháu H.A có nhà không để bán tăm bông. Thấy hai người phụ nữ lạ mặt hỏi han cháu H.A, bà nội cháu đã đuổi chị B. và chị P. ra khỏi nhà và hô hoán hai chị bắt cóc trẻ em. Một số người dân thôn Thái Phù, xã Mai Đình chưa hiểu rõ sự việc đã nghe theo và đuổi đánh đến địa phận Khu 1, xã Phú Minh, huyện Sóc Sơn. Ngay sau khi nhận được thông tin vụ việc, cơ quan chức năng đã kịp thời xuống hiện trường ngăn cản đám đông, đưa hai nạn nhân đến bệnh viện khám và điều trị. Đồng thời công an tiến hành lấy lời khai những người có liên quan, xác nhận không có hành vi bắt cóc trẻ em.
Người tung tin giả thường nhằm mục đích câu like, bán hàng
Trong những ngày qua, cộng đồng mạng xuất hiện khá nhiều sự việc hiểu lầm gây thiệt hại nghiêm trọng cho nạn nhân như clip rửa chân vào xô trà đá chiến chủ quán bị mất công việc mưu sinh, máy bay rơi ở sân bay Nội Bài hay gần nhất là vụ bị đốt xe tiền tỷ chỉ vì nghi ngờ là bắt cóc trẻ em.
Tất cả những người châm ngòi nổ cho tin đồn, phao tin sai sự thật, gây hoang mang dư luận dẫn đến hành động quá khích, độc ác đều làm công việc bán hàng, mỹ phẩm online.
Nguyên nhân chính của việc người dân lao vào đánh dã man hai người phụ nữ dù chưa hiểu rõ câu chuyện bắt nguồn từ việc thông tin bắt cóc, cướp giết được lan truyền hàng ngày, hàng giờ trên mạng xã hội mà không được theo dõi, kiểm chứng. Chính những lời xuyên tạc hư cấu nhằm mục đích câu like rẻ tiền khiến hai chữ "tình người" trong xã hội trở nên ngày càng xa xỉ, người ta sẵn sàng lao vào đánh đập dã man, đốt xe hay giết người chỉ vì "nghi ngờ".
Vì thế, hãy trở thành một người dùng mạng xã hội và một công dân tỉnh táo sáng suốt. Khi có bất cứ trường hợp nghi ngờ nào hãy báo cho cơ quan chức năng kịp thời xử lý, bởi mọi hành vi đánh đập người khác đều là trái pháp luật và bị xử lý nghiêm minh.