Đồng tình với quan điểm luật sư, bị cáo Quốc cho rằng nếu thay thêm 2 màng lọc có giá 12 triệu đồng thì không xảy ra chuyện tồn dư hóa chất, khiến 8 bệnh nhân tử vong.
- Vụ 8 người chạy thận tử vong: Đề nghị toà tuyên bác sĩ Hoàng Công Lương vô tội
- Món quà đầu năm từ nữ lao công khiến bệnh nhân chạy thận lặng người
Ngày 17/5, phiên xử vụ án 8 bệnh nhân tử vong khi chạy thận tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình bước sang phiên làm việc thứ ba. Các luật sư tiếp tục xét hỏi 3 bị cáo và người liên quan về sự cố y khoa xảy ra một năm trước.
Thay 4 màng lọc, 8 nạn nhân không chết?
Để làm rõ một số tình tiết liên quan hợp đồng sửa chữa hệ thống lọc nước RO số 2 tại đơn nguyên thận nhân tạo, luật sư Lê Văn Thiệp (bào chữa cho bị cáo Hoàng Công Lương) đã đặt câu hỏi cho bị cáo Bùi Mạnh Quốc, Giám đốc Công ty TNHH xử lý nước Trâm Anh.
Quốc xác nhận ông Đỗ Tuấn Anh, Giám đốc công ty Thiên Sơn, nói việc xét nghiệm mẫu nước sau khi sửa chữa hệ thống lọc nước mất 15 ngày. Do bệnh nhân nhiều, có thể ảnh hưởng đến hoạt động doanh nghiệp nên ông Tuấn dặn Quốc cứ đưa thiết bị vào hoạt động, rồi lấy mẫu nước xét nghiệm sau.
Giám đốc công ty TNHH xử lý nước Trâm Anh khai anh ta từng đề xuất thay cả 4 màng lọc thẩm thấu ngược RO. Nếu hợp đồng thay cả 4 màng lọc thì không cần dùng hóa chất để bảo dưỡng lại 2 màng lọc còn lại. Việc thay thêm 2 màng lọc tốn thêm khoảng 12 triệu đồng.
"Tức là chỉ cần bỏ ra thêm 12 triệu là có thể cứu sống 8 mạng người"? Trước câu hỏi trên của luật sư, bị cáo Quốc đồng ý.
Bị cáo Quốc nói báo giá đã gồm phí xét nghiệm tiêu chuẩn lọc nước dành cho máy chạy thận. Trước khi bàn giao phải lấy mẫu nước xét nghiệm có sự chứng kiến của 3 bên gồm Phòng vật tư, đơn vị sửa chữa và Công ty Thiên Sơn (công ty thuê Trâm Anh thực hiện hợp đồng).
Sáng 29/5/2017, bị cáo chưa kịp xét nghiệm nước thì đơn nguyên thận nhân tạo đã đưa máy vào vận hành.
Về hợp đồng sửa chữa đề ngày 25/5/2017, Quốc khai anh ta ký vào chiều hôm sự cố xảy ra. Bị cáo này nói chiều 29/5/2017, một Phó giám đốc Công ty Thiên Sơn mới chuyển hợp đồng cho anh ta ký để hợp thức. Tuy nhiên, đại diện Công ty Thiên Sơn phủ nhận việc này.
'Cứu bệnh nhân không phải giết bệnh nhân'
Bị cáo Hoàng Công Lương có được giao phụ trách đơn nguyên thận nhân tạo hay không là vấn đề được nhắc đến suốt 3 ngày qua.
Luật sư Lê Văn Thiệp đặt câu hỏi cho bị cáo Lương: "Bị cáo có nhận được quyết định giao phụ trách đơn nguyên thận nhân tạo bằng văn bản không?”
Bị cáo sinh năm 1986 khẳng định chỉ làm công việc khám chữa bệnh, chưa từng nhận lương hay phụ cấp trách nhiệm về việc quản lý đơn nguyên thận nhân tạo. Hoàng Công Lương cho rằng đã làm đúng quy định bệnh viện, quy chế khám chữa bệnh của Bộ Y tế nên không có trách nhiệm về việc 8 bệnh nhân tử vong.
"Tôi học chuyên môn khám chữa bệnh, mục đích là để cứu bệnh nhân chứ không phải giết bệnh nhân", bác sĩ Lương khẳng định sự cố xảy ra do tồn dư hóa chất trong hệ thống lọc nước RO trong quá trình sửa chữa, không thuộc trách nhiệm của y bác sĩ đơn nguyên thận nhân tạo.
Nam bác sĩ một lần nữa khai ngày 29/5/2017, anh ta không nhận được bất kỳ cảnh báo nào của bên sửa chữa cũng như lãnh đạo bệnh viện về thiết bị máy móc chạy thận.
"Bị cáo sẽ chịu trách nhiệm nếu nguyên nhân tử vong thuộc lĩnh vực khám chữa bệnh của bị cáo, còn nếu ngoài chuyên môn thì bị cáo không chịu trách nhiệm", bị cáo Lương nói.
Cáo trạng xác định ngày 28/5/2017, bị cáo Bùi Mạnh Quốc được thuê sửa chữa hệ thống lọc nước RO dùng để chạy thận tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình nhưng để tồn tại axit trong hệ thống. Bị cáo Trần Văn Sơn không kiểm tra việc Quốc sửa chữa, không lấy mẫu xét nghiệm mẫu nước nhưng vẫn thông báo cho điều dưỡng về việc hệ thống có thể sử dụng bình thường.
Ngày 29/5/2017, bị cáo Hoàng Công Lương - bác sĩ được giao phụ trách đơn nguyên thận nhân tạo - đã không kiểm tra, không báo cáo kết quả sửa chữa cho cấp trên, đồng thời ra y lệnh chạy thận cho 18 bệnh nhân. 8 người trong số này đã tử vong do hóa chất trong nước cao gấp 260 lần mức cho phép.
“