Liên quan đến vụ việc một bác sĩ rút ống thở của cha mẹ, nhường máy thở cho mẹ con sản phụ, Sở Y tế TP.HCM khẳng định thông tin lan truyền là hư cấu. Những trường hợp có hành động đăng tải, lan truyền sẽ bị xử phạt như thế nào?
- Căng thẳng gần 1 tiếng đồng hồ giúp sản phụ mắc COVID-19 'lâm bồn', 3 nhân viên y tế ngất xỉu, phải chuyển lên phòng cấp cứu
- Người dân về quê tránh dịch, có thể quay lại TP.HCM tiêm vắc xin theo lịch hẹn được không?
Theo thông tin từ VietNamNet, trưa ngày 8/8, Sở Y tế TP.HCM khẳng định thông tin lan truyền về trường hợp một bác sĩ rút ống thở của cha mẹ, nhường máy thở cho mẹ con sản phụ là hư cấu. Sở Y tế đang phối hợp với các cơ quan chức năng xác minh làm rõ nguồn gốc bài đăng này để xử lý theo quy định của pháp luật.
Đại diện truyền thông Bệnh viện Chợ Rẫy cũng xác nhận thông tin bác sĩ Khoa làm việc tại Bệnh viện Chợ Rẫy không đúng sự thật. Bệnh viện không có Khoa Sản và không có sự việc mổ bắt con tại bệnh viện.
Người này cũng cho biết, việc rút máy thở cho bệnh nhân phải thông qua hội đồng chuyên môn quyết định. Vị đại diện này thông tin thêm: "Bệnh viện chúng tôi khi tiếp nhận bệnh nhân phải xem xét có đầy đủ trang thiết bị để điều trị cho họ hay không mới nhận, chứ không cứ nhận rồi để xảy ra tình trạng như trên".
Việc một số người đưa thông về bác sĩ rút ống thở, cơ quan chức năng đang tiến hành xác minh, làm rõ. Việc xử lý cụ thể sẽ còn được xem xét bởi động cơ, mục đích của những người này sau khi cơ quan chức năng kết luận.
Tuy nhiên, tất cả những người đưa tin, phát tán tin tức này đều sẽ bị Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM xử lý về hành vi đưa tin giả.
Liên quan đến hình thức xử phạt đối với những trường hợp lan truyền thông tin sai lệch, Người Lao Động đưa tin, việc những cá nhân, tổ chức đưa những thông tin không chính xác, không chỉ thể hiện sự thiếu trách nhiệm xã hội, mà còn vi phạm quy định của pháp luật và là một trong những điều cấm tại điều 8 Luật An ninh mạng và sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định số 15/2020/NĐ-CP trong lĩnh vực bưu chính viễn thông.
Theo đó, mức xử phạt dao động từ 10-30 triệu đồng, đồng thời áp dụng hình thức xử phạt bổ sung. Ngoài ra người đưa tin, cung cấp thông tin sai sự thật còn bị xử lý theo quy định của pháp luật hình sự, được quy định tại Điều 288, Bộ Luật hình sự.
Tại điều 288 "Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông" có hình phạt thấp nhất là phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 7 năm.
Ngoài ra người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.