Tại cơ quan công việc, các bị can đều thể hiện sự thiếu hợp tác nhưng cuối cùng các điều tra viên cũng đã thu thập được nhiều chứng cứ xác thực buộc các đối tượng phải cúi đầu nhận tội.
- Cơ quan Công an hé lộ vai trò 'đặc biệt' của bị can Cao Thị Cúc trong vụ 'Tịnh thất Bồng Lai'?
- Vụ án Tịnh Thất Bồng Lai: Thêm một 'cộng sự đắc lực' của ông Lê Tùng Vân bị bắt tạm giam
Liên quan đến vụ án "Tịnh thất Bồng Lai", theo báo Người Lao động đưa tin, ngày 12/5/2022, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Long An đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam bà Cao Thị Cúc (sinh năm 1960, ngụ xã Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hòa) để điều tra về hành vi “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, tổ chức, cá nhân” theo Điều 331 Bộ luật hình sự.
Trước đó, ngày 5/1/2022, Công an huyện Đức Hòa đã tống đạt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Lê Thanh Hoàn Nguyên (sinh năm 1990), Lê Thanh Nhất Nguyên (sinh năm 1991) và Lê Thanh Trùng Dương (sinh năm 1995), cùng tạm trú tại nhà bà Cúc; riêng ông Lê Tùng Vân (sinh năm 1932) cũng bị khởi tố nhưng do già yếu nên được tại ngoại và cấm đi khỏi nơi cư trú.
Được biết, bà Cao Thị Cúc là chủ của khu đất – nơi tự xưng là "Tịnh thất Bồng Lai". Qua xác minh, năm 2014, bà Cúc mua lại nhà, đất với diện tích gần 2.000m2 ở ấp Lập Thành, xã Hòa Khánh Tây rồi chuyển về đây sinh sống, sau đó sửa chữa lại làm điểm tu tại gia. Từ năm 2015, ông Lê Tùng Vân (SN 1932; hộ khẩu thường trú phường 10, quận 6, TP.HCM) chuyển về đây sinh sống cùng nhà với bà Cúc và bắt đầu nhận nuôi trẻ em mồ côi, cơ nhỡ.
Tuy nhiên, thực tế, đa số trẻ sống trong hộ bà Cúc đều có mẹ đi cùng, không phải là trẻ em cơ nhỡ, không nơi nương tựa. Thời gian qua, hộ bà Cúc có 18 người đang cư trú, trong đó có 6 trẻ em đều có mẹ ruột cùng tạm trú.
Những người ở "Tịnh thất Bồng Lai" nhiều lần đưa lên mạng xã hội những thông tin sai sự thật, gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự và uy tín của chính quyền địa phương. Đồng thời, nhiều chuyện lùm xùm xảy ra nên "Tịnh thất Bồng Lai" được nhiều người để ý, quan tâm.
Theo báo Công an nhân dân đưa tin, tại Cơ quan công an, Nhất Nguyên, Hoàn Nguyên, Tùng Dương luôn vòng vo né tránh không đi vào trọng tâm của vụ việc và hầu như không trả lời bất cứ câu hỏi nào của điều tra viên, còn khi mở miệng thì chỉ một câu “chờ luật sư của chúng tôi đến trả lời”.
Mặc dù phải mất nhiều thời gian và đối mặt với sự thiếu hợp tác của các bị can nhưng cuối cùng các điều tra viên cũng đã thu thập được nhiều chứng cứ xác thực buộc các đối tượng phải cúi đầu nhận tội. Ngoài ra, Cơ quan công an cũng củng cố đầy đủ chứng cứ phạm tội để ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam, khám xét nơi ở đối với bà Cao Thị Cúc.
Cũng liên quan đến tịnh thất này, vừa qua theo thông tin của báo Pháp luật TP.HCM, cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Long An đã thông báo truy tìm Võ Thị Diễm My (sinh năm 1999, HKTT: số 15/2, đường số 20, khu phố 1, phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân, TP.Hồ Chí Minh; chỗ ở khác: số 191A, ấp Lập Thành, xã Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) về phục vụ công tác điều tra vụ án “Tịnh thất Bồng Lai".
Theo cơ quan điều tra, lý do thông báo này là vì Công an tỉnh có nhận được đơn của người thân Diễm My về việc mất tích. Thời gian qua, gia đình Diễm My cũng có tố cáo về việc những người ở “Tịnh thất Bồng Lai” đã có những hành vi lạm dụng, xâm hại đến Diễm My. Theo đó, cơ quan An ninh điều tra ra thông báo tìm Diễm My để xác minh, điều tra làm rõ.
Trước đó, cuối năm 2019, một nhóm người đã đến Tịnh thất Bồng Lai để tìm Võ Thị Diễm My (trong đó có cha, mẹ của Diễm My). Theo đó, giữa nhóm người đi tìm Diễm My và nhóm sinh sống ở Tịnh thất Bồng Lai do ông Lê Tùng Vân đứng đầu đã xảy ra xô xát.