Đa phần những ca bị nhiễm HIV trên địa bàn huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ đều đi làm xa, một số là do quan hệ vợ chồng hay nghiện ma túy
- Chưa xác định được nguyên nhân 42 người ở Kim Thượng mắc HIV
- Về xã Kim Thượng nơi hàng chục người dương tính HIV: "Chúng tôi không muốn quy kết trách nhiệm cho ai, chỉ mong người thân được chữa trị"
Tỉnh Phú Thọ có số người nhiễm HIV/AIDS xếp thứ 21/63 tỉnh, thành của cả nước với hơn 4.300 người nhiễm và hơn 1.500 ca tử vong. Riêng huyện Tân Sơn với 17 xã, hơn 80.000 dân; trong đó xã Kim Thượng có 42 ca mắc HIV mới được phát hiện, xã Minh Đài: 42 ca, xã Mỹ Thuận: 29 ca…
Hàng chục người đã tử vong
Theo ông Dương Văn Khái, Chủ tịch UBND xã Minh Đài, thực tế trên địa bàn toàn xã có tổng số 42 người nhiễm HIV chứ không phải 46 như thống kê của Bộ Y tế vì khi đi khám có nhiều người trùng tên, trùng năm. 42 người này là con số tích lũy từ trước tới nay. Ông Khái cho biết thêm: "Căn bệnh HIV hiện không còn lạ lẫm, mọi người không còn xem đây là nỗi ám ảnh, vẫn sống bình thường với những người bị nhiễm HIV, tất nhiên vẫn có phòng ngừa nhất định".
Nhiều năm gắn liền với công tác phòng chống HIV, bác sĩ Bùi Thị Hường, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Minh Đài, cho hay: "Những người mắc HIV tùy thể trạng của từng người và do uống thuốc đều đặn mà kéo dài sự sống rất lâu, sinh hoạt hằng ngày cũng bình thường. Nhiều đối tượng nghiện chích, bị HIV nhưng giấu bệnh rồi lây sang vợ, nhiều trường hợp mắc bệnh sau khi đi làm ăn từ nơi xa về… Trên địa bàn hiện có ít nhất hơn 20 ca nhiễm HIV đã tử vong, hiện còn gần 20 ca đang được theo dõi, quản lý, cho dùng thuốc. Những người tử vong trước đây là do xã Minh Đài mới chỉ tiếp cận được thuốc cách đây vài năm".
Theo bác sĩ Phùng Thị Minh Diện, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Mỹ Thuận, toàn xã từ trước đến nay có 29 trường hợp bị nhiễm HIV, đa phần là phụ nữ, độ tuổi thanh niên rất ít. Do dùng thuốc đầy đủ nên trong 29 trường hợp này chưa có ca nào tử vong và khi sinh con cũng không bị lây nhiễm HIV.
Nhiễm HIV ở mức khá nghiêm trọng
Theo PGS-TS Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS - Bộ Y tế, từ năm 2015 đến nay, tại xã Kim Thượng đã có 5 người tử vong vì AIDS. Như vậy, vấn đề nhiễm HIV tại địa phương này đã xảy ra từ lâu nhưng gần đây qua triển khai xét nghiệm HIV rộng rãi mới phát hiện được. "Con số 42 người nhiễm HIV được coi là khá nghiêm trọng bởi tỉ lệ nhiễm HIV cao hơn khoảng 2,5 lần so với mức trung bình toàn quốc và cần có biện pháp kiểm soát dịch ngay" - ông Long nhận định.
Hiện Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương phối hợp với Cục Phòng chống HIV/AIDS, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và các cơ quan có liên quan của tỉnh Phú Thọ khẩn trương tìm hiểu nguyên nhân, xem xét toàn diện các đường lây... PGS-TS Đỗ Duy Cường, Trưởng Khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Bạch Mai, cho biết việc dùng chung bơm kim tiêm, nhất là với người tiêm chích ma túy; dùng chung các loại kim xăm trổ, kim châm cứu, các dụng cụ xăm lông mi, xăm mày, lưỡi dao cạo râu... đều có nguy cơ cao lây nhiễm HIV.
Tuy nhiên, xác suất lây truyền HIV qua bơm kim tiêm chỉ 0,3%. "Bơm kim tiêm là loại sử dụng một lần, sau khi dùng sẽ đậy nắp kim tiêm và được xử lý theo quy trình xử lý vật sắc nhọn của Bộ Y tế. Bơm kim tiêm có bán trên thị trường và giá rất rẻ nên việc lây truyền HIV qua dùng chung bơm kim tiêm là rất khó, việc lây đồng loạt cho nhiều người lại là điều càng khó xảy ra" - PGS Cường phân tích.
Theo PGS-TS Cường, nếu không may bị vật sắc nhọn, bơm kim tiêm có nghi ngờ phơi nhiễm HIV, người dân cần bình tĩnh, rửa vết thương dưới vòi nước, để nguyên máu chảy nhưng không nặn ra; với vết thương hở lớn cần cầm máu, đến cơ sở y tế để được uống thuốc dự phòng lây nhiễm tốt nhất trong vòng 6 giờ đầu (hoặc trong vòng 72 giờ) sẽ có hiệu quả ngăn chặn virus qua da vào máu.
Người bệnh nghi nhiễm HIV sau 1 tháng cần đánh giá lại và sau 3 tháng kiểm tra để xác định chính xác có dương tính với HIV không? Với nhân viên y tế, người làm nhiệm vụ như công an truy bắt tội phạm nếu có máu người nhiễm HIV bắn vào mắt, da, niêm mạc cần uống thuốc kháng virus trong vòng 28 ngày để bảo đảm virus không nhân lên.
Tuân thủ phác đồ điều trị có thể sống 50 năm
Ông Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS - Bộ Y tế, cho biết người đầu tiên phát hiện bị nhiễm HIV ở Việt Nam vào tháng 12-1990 là một phụ nữ 30 tuổi. Đến nay, sau gần 30 năm, người phụ nữ này vẫn sống khỏe mạnh do dùng thuốc ARV đều đặn và sống tích cực, lạc quan. Virus HIV không lây truyền qua các tiếp xúc thông thường, không thể sống trong không khí, nước hoặc thức ăn và rất dễ chết khi ở ngoài cơ thể. Theo giới chuyên môn, đến nay, virus HIV chưa có vắc-xin phòng bệnh nhưng nếu người bệnh tuân thủ phác đồ điều trị, sử dụng thuốc kháng virus ARV thì có thể sống tới 50 năm