Giây phút tên trộm đột nhập vào giữa đêm ăn trộm tài sản khiến các thành viên trong gia đình ông Phương vẫn chưa hết bàng hoàng. Vợ ông cho biết, chỉ vì muốn bảo vệ tính mạng của gia đình nên ông không kiểm soát được, đã đánh tên trộm trọng thương, nay ông phải đối mặt với vòng lao lý.
- Chủ hiệu tạp hóa chém nam học sinh trộm đồ bị khởi tố tội danh “giết người”
- Đục tường nhà mình để trộm két sắt... hàng xóm
Buổi tối kinh hoàng khi thấy tên trộm trong nhà
Vụ việc người đàn ông đánh thiếu niên 14 tuổi vì lẻn vào nhà ăn trộm đang khiến dư luận đặc biệt quan tâm. Nhiều ý kiến cho rằng hành vi đánh người của ông Lê Minh Phương (1967, trú tại phường Tây Tựu, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) chủ ngôi nhà chỉ nhằm tự vệ cho bản thân và gia đình. Tuy nhiên một số người cho rằng, ông Phương đã ra tay đánh nạn nhân quá dã man, dù thế nào thì cũng là vi phạm pháp luật.
Chiều 3/12, chúng tôi đã tìm về ngôi nhà xảy ra vụ việc để tìm hiểu rõ hơn về câu chuyện trên. Thời điểm chúng tôi đến cửa hàng tạp hóa của gia đình ông Phương đã đóng cửa, không còn buôn bán.
Chia sẻ với chúng tôi, một hàng xóm sinh sống ngay cạnh nhà ông Phương cho biết, vụ việc xảy ra với nhà ông khiến người dân nơi đây bàn tán xôn xao, ai cũng thông cảm cho người đàn ông này.
"Cũng tại vì ông Phương bức xúc quá không kiềm chế được bản thân nên mới đánh thanh niên trộm nặng tay như vậy, chứ bình thường ông ấy là người hiền lành, không mâu thuẫn với ai, chưa có tiền án tiền sự gì hết.
Cậu thanh niên ăn trộm cũng là người cùng xóm với ông, người này còn nhỏ nhưng từng ăn cắp nhiều lần, hay đi lại với các thành phần tiêu cực. Chúng tôi mong cơ quan chức năng xem xét, xử lý vụ việc có tình có lý", một người dân chia sẻ.
Tiếp chuyện với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Bích Liên (vợ ông Phương, SN 1973) không giấu nổi vẻ mệt mỏi, lo lắng.
Nhớ lại buổi tối xảy ra vụ việc, bà Liên vẫn chưa hết sợ hãi. Theo lời bà, vào khoảng 11h30 đêm 23/11, gia đình bà đang ngủ trong nhà thì bất ngờ bà phát hiện trộm vào nhà. Hoảng sợ bà đã nói với chồng, chồng bà lúc này cũng hốt hoảng, dặn bà không được xuống dưới tầng.
"Khi phát hiện tên trộm vào nhà chúng tôi rất sợ, chồng tôi đã gọi điện cho một người khác nhưng người này không nghe máy. Lúc này, con dâu tôi và 3 người cháu nhỏ của tôi đang nằm ở bậc thềm ngay sát cửa hàng tạp hóa.
Tôi định la hét lên nhưng lúc này cửa nhà đã khóa, tôi sợ tên trộm làm liều lao vào bậc thềm đánh con dâu và các cháu tôi vì chỗ ngủ của các cháu rất gần nơi tên trộm đang đứng nên tôi không dám la.
Ngay lúc đó, chồng tôi đi xuống, tôi chỉ kịp gọi điện bảo con dâu tôi chạy vào nhà khóa trái cửa nhà. Một lúc sau chồng tôi xuống chỗ tên trộm đang mò trộm tiền, khi nhìn thấy nó chồng tôi vớ lấy cây dao đã cũ lao vào đánh nó", bà Liên kể.
Cũng theo bà Liên khi chồng bà vừa đánh tên trộm, bà đã chạy xuống nhà nhà hét lớn, hàng xóm gần bên đã chạy đến.
Đúng lúc này bà bật bóng đèn điện lên thì thấy tên trộm đang nằm dưới nền nhà. Khi phát hiện nạn nhân chảy máu, gia đình bà đã gọi cứu thương đưa nạn nhân đi viện, đồng thời gọi công an đến giải quyết.
"Chồng tôi chỉ muốn bảo vệ 5 mạng người trong nhà"
Nhận được thông báo, công an phường Tây Tựu đã có mặt tại hiện trường, khi xác định ông Phương là người gây ra vụ việc, đơn vị này đã ra lệnh tạm giữ ông để phục vụ công tác điều tra.
Đến ngày 2/12, công an quận Bắc Từ Liêm đã khởi tố vụ án hình sự, chuyển hành vi "Cố ý gây thương tích" sang hành vi "Giết người" đối với ông Phương.
Nhận tin dữ về bố mình, chị Huyền cùng người thân rất bàng hoàng, lo lắng. Chị kể, từ sau đêm xảy ra vụ việc đến nay, do căn bệnh tiền đình nên mẹ chị phải nằm một chỗ, công việc gia đình đều do người con dâu và chị đang mang bầu tháng thứ 9 gánh vác. Cửa hàng tạp hóa, nguồn thu nhập chính của gia đình ông Phương nay cũng đã phải đóng cửa.
Theo bà Liên, việc chồng bà đánh tên trộm là hành vi tự vệ, do ông thực hiện trong lúc bị kích động về tinh thần.
"Chồng tôi không cố ý giết người, chồng tôi đánh tên trộm là để bảo vệ 5 mạng người trước mối nguy hiểm đang hiện hữu. Thử hỏi rằng lúc đấy, con dâu và các cháu tôi đang ngủ ở bậc thềm ngay cạnh chỗ bán hàng, gần với nơi tên trộm đang đứng, lúc này nhà tôi đã khóa cửa, nếu ai đó hét lên chắc chắn rằng tên trộm này sẽ hoảng sợ và có những hành động không kiềm chế.
Tên trộm sẽ lao tới chỗ con dâu và cháu tôi và lúc đó không biết sẽ xảy ra chuyện gì. Thực tế nhiều vụ thấy trộm người nhà hét lên sau đó tên trộm không giữ được bình tĩnh nên đã ra tay sát hại mấy mạng người.
Còn nữa, chồng tôi đánh tên trộm trong trạng thái bị kích động vì trước đó đã bị trộm 12 triệu đồng nên khi thấy trộm đã không kiềm chế được.
Nhưng một phần chồng tôi đánh nạn nhân trong bóng tối nên không biết được thương tích nạn nhân để dừng lại. Sau khi sự việc xảy ra chúng tôi đã nhanh chóng gọi cứu thương đưa nạn nhân đi cấp cứu", bà Liên chia sẻ.
Nhìn nhận sự việc khách quan, người con gái của ông Phương cho rằng hành vi đánh người của bố chị đã vượt quá việc phòng vệ chính đáng nên cũng phải chịu tội trước pháp luật. Nhưng chị yêu cầu cơ quan chức năng làm rõ hành vi đột nhập nhà riêng trái phép, ăn trộm tài sản của nạn nhân. Chính những hành động này đã dẫn đến việc làm không mong muốn của bố chị.
"Mong muốn gia đình tôi hiện giờ là bố tôi được giảm nhẹ tội, cơ quan chức năng cần làm rõ hành vi sai trái của nạn nhân. Trong vụ việc này, không chỉ bố tôi mà nạn nhân cũng sai pháp luật", chị Huyền chia sẻ.
Người gây án trong trạng thái bị kích động mạnh.
Luật sư Nguyễn Anh Thơm (đoàn luật sự Hà Nội) cho rằng, hành vi phạm tội của ông Phương được thực hiện trong hoàn cảnh người bị hại đã phạm hai lỗi. Lỗi thứ nhất nạn nhân đã đột nhập chỗ ở trái phép, lỗi thứ hai là đột nhập vào gia chủ thực hiện hành vi trộm cắp tài sản vào buổi đêm.
Chính vì điều này đã khiến chủ nhà bức xúc rất lớn, không kiềm chế được bản thân nên bị kích động tâm lý dẫn tới việc sử dụng hung khí chém gây thương tích nhằm ngăn chặn hành vi xâm phạm gia cư và bảo vệ tài sản.
"Khi bị hại đột nhập vào nhà ban đêm vừa gây lo lắng, sợ hãi trước sự tấn công lại của người ăn trộm và vừa bất bình nên việc dùng hung khí chém kẻ trộm là do bị kích động mạnh về tinh thần", ông Thơm chia sẻ.
Theo quan điểm của ông Thơm, đây cũng là bài học cảnh tỉnh cho việc sử dụng vũ lực đối với người có hành vi vi phạm pháp luật.
Trong trường hợp phát hiện người có hành vi phạm tội bị bắt quả tang thì bất kỳ ai cũng có quyền bắt giữ và áp giải ngay đến Cơ quan pháp luật hoặc thông báo ngay cho Cơ quan Pháp luật bắt giữ theo quy định.