Vỡ đập thủy điện tại Lào: Nguy cơ bùng phát dịch bệnh

Xã hội 28/07/2018 07:03

Nhiều chuyên gia y tế có mặt tại hiện trường vụ vỡ đập thủy điện Xe-Pian Xe-Namnoy cho rằng nếu không hành động kịp thời, dịch bệnh sẽ bùng phát trên diện rộng và sẽ xuất hiện thêm thảm họa về môi trường

Ngày 27-7, tại huyện Sanamxay, tỉnh Attapeu, Lào, mưa tiếp tục đổ mạnh. Chính quyền và người dân ở đây càng thêm lo nước tiếp tục dâng cao và nguy cơ tiếp tục vỡ đập tái diễn.

Đã xuất hiện người mắc bệnh

Tại khu tạm cư, cứ vài chục phút lại nghe tiếng xe bán tải, cứu thương hú còi chở thêm những người vừa được giải cứu từ nơi bị ngập về. Hai hôm trước, mỗi căn phòng rộng chừng 40 m2 chứa khoảng 30 người thì hôm nay lượng người tăng lên nên có hiện tượng chen nhau chỗ nghỉ, mỗi người chỉ vừa đủ chỗ để ngả lưng.

Các nhà vệ sinh nơi đây đang quá tải. Dòng người xếp hàng chờ đợi đến lượt, lượng nước sinh hoạt rất hạn chế nên mùi hôi đã xuất hiện. Quần áo người dân giặt và phơi ngay tại nơi ngủ trong những ngày mưa đã có mùi ẩm mốc. Cơn mưa mấy ngày qua khiến khu vực xung quanh khu tạm cư bốc mùi ẩm thấp. Phía trước dãy nhà, một bãi rác với đủ thứ rác đã bốc mùi chẳng ai dọn dẹp.

Chị Chiankip, 37 tuổi, ngụ tại bản Mai, cho biết cơn lũ đã khiến một người thân trong nhà mất tích, hiện chưa biết sống chết. Khi dòng nước ập đến, mọi người trong nhà hoảng loạn bấu víu vào những gì có thể giữ mình và may mắn sống sót trên nóc nhà hơn một ngày. Khi nước rút, mọi người phải ngâm mình trong bùn lầy trong nhà và uống nước bẩn cầm hơi. Trưa 26-7, gia đình chị mới được một đoàn người cứu trợ tìm thấy và đưa ra ngoài. Dù được nhân viên y tế thường xuyên theo dõi, phát thuốc nhưng chị Chiankip không thể thoát cơn tiêu chảy. "Tôi đau bụng đi vệ sinh liên tục đến mức kiệt sức. Chân tay ngứa ngáy khắp nơi" - chị Chiankip nói.

Vỡ đập thủy điện tại Lào: Nguy cơ bùng phát dịch bệnh - Ảnh 1

Chị Trinchal, 45 tuổi cho biết vụ vỡ đập khiến căn nhà trôi đi hơn 500 m và vết thương vẫn còn ở trên người. Ảnh: LÊ PHONG

Vẫn còn đau vì vết thương do bị một cành cây đập mạnh vào vai, chị Trinchal, 45 tuổi cho biết vụ vỡ đập khiến nhà chị trôi đi hơn 500 m. Cả gia đình kịp nhảy lên chiếc xuồng gần đó nên may mắn thoát nạn. Qua người phiên dịch, chúng tôi biết chị rất hoảng loạn, lo lắng và không dám trở về nhà vì quá ám ảnh. Những ngày qua, chị chỉ biết nằm ngủ và chờ một điều gì đó không rõ ràng. Điều làm chị lo lắng nhất là con gái 17 tuổi của chị đang bị bệnh phụ khoa khi phải ngâm mình nửa ngày trong dòng nước lũ.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Bunsom Phonmasan, Chủ tịch huyện Sanamxay, cho biết trong 24 giờ qua, lực lượng cứu hộ đã di chuyển 256 người còn mắc kẹt ở 13 bản. Trong đó, lực lượng đã đưa thực phẩm, thuốc vào hỗ trợ dân làng ở 3 địa điểm bị cô lập. Ngoài ra, lực lượng cứu hộ cũng đưa gần 500 người sang lánh nạn tại tỉnh Champasak, đồng thời phát hiện ra 3 thi thể chôn vùi trong nước và bùn. Chính quyền đang nỗ lực hết mình để tìm kiếm những người mất tích, ổn định cuộc sống của người dân tạm cư. Còn về trách nhiệm sẽ được xem xét sau và sẽ bắt buộc chủ đầu tư phải bồi thường cho những người bị nạn.

Người Việt Nam tìm về Sanamxay hỗ trợ

Từ tâm lũ chúng tôi quay ngược đường về tỉnh lộ 18 trở về trung tâm tỉnh Attapeu. Hôm nay, đường vào tương đối dễ đi so với những ngày trước. Trên đường, các đoàn xe cứu trợ liên tục chạy vào chở rất nhiều hàng cứu trợ. Trong đó, cứ khoảng 20 đoàn xe thì xuất hiện một đoàn xe Việt Nam tìm đến cứu trợ.

Trong sáng 26-7, trên trang mạng của cộng đồng Việt - Lào, hàng chục lời kêu gọi mang đồ dùng sinh hoạt, thực phẩm để giúp đỡ. Một vài người còn gợi ý sẽ chung tay dọn dẹp bùn, dựng lại mái nhà cho người Việt Nam lẫn người Lào đang gặp nạn.

Anh Đỗ Trung Việt - ở thủ đô Vientiane, Lào - cho biết khu vực bị ảnh hưởng bởi vỡ đập thủy điện có rất nhiều người Việt Nam sinh sống. Vì thế, sau khi sắp xếp xong công việc, anh và nhóm bạn đã mua hàng chất 3 xe bán tải chở thực phẩm để chạy đến tỉnh Attapeu cứu trợ. "Càng vào sâu khu vực bị ảnh hưởng càng thấy cảnh tang tóc và tôi nỗ lực kêu gọi bạn bè, người thân nhanh chóng giúp đỡ. Có những đứa trẻ, người già đã không ăn mấy ngày qua" - anh Việt nói.

Việc dọn dẹp bùn và khắc phục hậu quả sẽ mất rất nhiều thời gian nhưng chứng kiến nỗ lực của cơ quan chức năng cùng các đoàn cứu trợ và tinh thần vượt khó của người dân Lào; chúng tôi tin rằng mọi khó khăn rồi sẽ qua. 

Lo sức đề kháng của người dân kém

Ketvila, một bác sĩ người Lào đang tình nguyện trợ giúp về sức khỏe cho người dân bị nạn cho biết hiện khu vực bị ngập sâu với bùn lầy dày đặc đang đối diện với nguy cơ dịch bệnh.

"Có hai bệnh sẽ rất phổ biến đó là lở loét tay chân do tiếp xúc với bùn và bệnh tiêu chảy. Chính quyền đang lo lắng cứu người nên họ chưa để ý đến việc xử lý môi trường, trong đó có môi trường nước nên nguy cơ bùng phát dịch bệnh là rất cao. Hơn nữa, xác động vật đang trương phình gây hôi thối cũng là nguy cơ tiềm ẩn gây ra nhiều bệnh tật khác. Điều đáng lo là sức đề kháng của người dân trong vùng đang rất kém" - bác sĩ Ketvila nói.

Vỡ đập thủy điện ở Lào có ảnh hưởng đến Việt Nam?

Ngay sau khi có thông tin vỡ đập thủy điện tại Lào khiến hơn 5 tỉ m3 nước đổ xuống hạ lưu, nhiều người lo ngại lượng nước khổng lồ sẽ đổ về sông Mê Kông và ảnh hưởng trực tiếp tới đồng bằng sông Cửu Long củaViệt Nam.

TIN MỚI NHẤT