Nhìn thấy người đàn ông 52 tuổi khỏe mạnh, mang trong lồng ngực trái tim của chồng mình, chị Hằng xúc động không nói nên lời.
- "Em quỳ gối xin mọi người hãy cứu lấy Gia Anh, không được ghép giác mạc con em sẽ mù vĩnh viễn"
- Người mẹ trẻ hiến giác mạc khi từ tạ cõi trần đúng ngày 1-6
Cách đây 6 tháng, anh Nguyễn Ngọc Khiêm (xã Hùng Dũng, Hưng Hà, Thái Bình) không may bị tai nạn giao thông trên đường đi làm về, được chuyển lên BV Việt Đức cấp cứu nhưng nhanh chóng rơi vào hôn mê rồi chết não.
Ở tuổi 29, anh là lao động chính của cả gia đình khi anh trai bị thiểu năng, nhà còn bố mẹ già, vợ và 2 con gái lần lượt mới hơn 1 tuổi và 3 tuổi.
Khi biết con trai không thể qua khỏi, bố mẹ và vợ anh đã nén đau thương, trong chốc lát đồng ý hiến tim, gan, thận và 2 giác mạc của anh cho 6 người xa lạ.
Sự ra đi đột ngột của anh Khiêm khiến cả gia đình chống chếnh, khắc khoải. Bà Đinh Thị Thông, mẹ anh Khiêm và vợ là chị Nguyễn Thị Thu Hằng hàng ngày luôn mong ngóng được gặp lại người đã nhận tim để biết trái tim anh vẫn còn đập.
Mới đây, truyền hình có quay hình ảnh bệnh nhân ghép tim ở Huế hồi phục sức khoẻ, hàng xóm xem được liền khoe với bà Thông. Cả chiều bà đứng ngồi đợi con dâu đi làm về để tìm xem.
“Khi con mở ra, cả 2 mẹ con ôm nhau khóc nức nở. Tim thằng Khiêm đó, ông ấy khoẻ lắm. Trái tim con trai tôi vẫn còn đập”, bà Thông xúc động nói.
Mãi đến cuối tháng 11 vừa qua, chị Hằng mới có cơ hội gặp ông Trần Tuấn, 52 tuổi, ở Huế, người đã nhận trái tim của anh Khiêm vào ngày 18/5.
Khi gặp ông Tuấn, Chị Hằng xúc động không nói nên lời, nước mắt chảy dài trên gương mặt. Giờ phút ấy, chị mong mẹ chồng cũng ở cạnh.
"Mẹ là người sinh ra anh ấy, lẽ nên để mẹ được hưởng giây phút gặp chú Tuấn", chị Hằng xúc động nói.
Ông Trần Tuấn cũng không giấu được hạnh phúc khi gặp được người thân của ân nhân. Ông Tuấn chia sẻ, từ lúc tỉnh lại, luôn muốn được gặp lại gia đình người đã hiến tim cho mình nhưng chưa có cơ hội.
Theo ông Tuấn, trước đây ông bị giãn cơ tim, suy tim giai đoạn cuối, thường xuyên khó thở, nhịp tim chưa bằng 2/3 người bình thường. Ông đã nhập viện nhiều lần để điều trị nhưng tình trạng mỗi ngày một xấu, cơ hội sống duy nhất là ghép tim.
“Tôi đã từng chờ đợi trong vô vọng, người hiến tim đã hiếm, người phù hợp với mình càng hiếm nhưng may mắn các chỉ số của tôi phù hợp với anh Khiêm. Đây là sự may mắn nhất cuộc đời, chính tôi cũng không thể tưởng tượng được”, ông Tuấn chia sẻ.
Theo ông, suốt cuộc đời này ông sẽ không thể quên được ân nghĩa của gia đình anh Khiêm, công sức của các y bác sĩ, của Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép tạng cũng như hãng hàng không đã tạo mọi điều kiện vận chuyển kịp thời trái tim anh Khiêm vượt 700km từ Hà Nội vào Huế.
Ít ai biết, đây cũng là chuyến bay đầu tiên của anh Khiêm trong suốt 29 năm qua. Khi nhìn thấy thùng đựng tim chuyển lên máy bay đi Huế, cháu ruột anh đã không nén được đau thương, thốt lên: “Lần đầu tiên cậu được đi máy bay!” khiến tất thảy nghẹn lại.
“Trái tim anh Khiêm đã ở trong lồng ngực tôi. Giờ tôi không chỉ sống cho tôi nữa mà sống cho 2 người, 1 nửa cho mình, 1 nửa cho anh Khiêm”, ông Tuấn xúc động chia sẻ.
Chị Hằng cho biết, khi thấy ông Tuấn khoẻ mạnh, chị rất mừng và thấy quyết định hiến tim anh Khiêm là việc làm vô cùng ý nghĩa. “Trái tim chồng em vẫn được sống, được đập”.
Khi được hỏi sẽ nói gì với 2 con gái khi các bé lớn lên, không chút suy nghĩ, chị Hằng mỉm cười chia sẻ: “Em sẽ nói với các con rằng bố vẫn còn sống, chỉ là không ở bên cạnh chúng ta thôi. Sự sống vẫn đang được hồi sinh. Lớn lên em sẽ phải nói với các con rằng rất tự hào về việc bố đã làm”.
Gia đình anh Khiêm là gia đình đầu tiên ở Thái Bình quyết định hiến tặng mô tạng của người thân.