Nhiều phụ huynh dung Youtube để trông con nhưng không biết rằng, những nội dung không phù hợp có thể “đầu độc” tâm hồn trẻ.
- Xử lý 15 học sinh trong vụ nữ sinh lớp 10 đánh nhau kinh hoàng tại phòng học
- Vụ sư thầy cầm nhang đuổi mẹ con nữ phật tử: 3 tháng ‘nghiệp sư giáo dục’, không thay đổi thì ‘tẩn xuất’
Youtube Thơ Nguyễn: Đủ clip nội dung lệch lạc, trẻ học theo có thể nguy hiểm
Clip “Xin vía học giỏi” của Thơ Nguyễn đang bị cư dân mạng tẩy chay, phụ huynh tố cáo bởi nội dung mê tín dị đoan. Cụ thể trong clip, Youtuber Thơ Nguyễn chia sẻ đoạn video ngầm nhắc đến việc nuôi Kumanthong, chơi bùa ngải khiến cho nhiều phụ huynh lo lắng, không hài lòng.
Đây không phải là lần đầu tiên Thơ Nguyễn bị phản ứng vì đăng tải các clip dành cho trẻ em nhưng có nội dung phản cảm hay gây lo lắng.
Trước đây, trên kênh YouTube của mình, Thơ Nguyễn cũng đã từng đăng tải một số clip có nội dung được cho rằng dễ gây ra nhận thức sai lệch khiến trẻ em bắt chước theo sẽ gặp nguy hiểm như 2 clip “Thử nghiệm đun lon nước ngọt” và “Thử cho đá khô vào chai nước kín”…
Không những thế, khi bị một số tờ báo lên tiếng phản ánh, Thơ Nguyễn còn kêu gọi các fan trẻ em của mình chia sẻ link video để lan tỏa, tẩy chay cho thấy đó là hành vi tối kị khi xúi giục trẻ em tẩy chay hoàn toàn phản giáo dục, vô hình trung hướng các em vào tư tưởng tẩy chay, bài xích.
Bố mẹ là người đầu tiên phải bảo vệ con
Không chỉ có những clip của Thơ Nguyễn, hiện nay trên mạng xã hội, nhất là Youtube tràn lan những clip “độc” đối với trẻ em như Heo Peppa Pig thử thách treo cổ, cầm dao hoặc Spiderman & Elsa có những hành động phản cảm, tự tử theo Momo...
Thoạt nhìn, phụ huynh sẽ nghĩ rằng con mình đang xem hoạt hình, nhưng thực chất những clip mang nội dung độc hại như bạo lực, nhạy cảm, chửi tục… trẻ dễ làm theo dẫn đến hậu quả khó lường, thậm chí là tự tử.
Trên thế giới, có không ít vụ việc trẻ bị thương hay mất mạng thương tâm vì học theo những cách tự tử giống trên youtube.
Vì vậy, trước khi có đủ chế tài để quản lý chặt chẽ những nội dung đăng tải trên mạng xã hội, cha mẹ phải là những người đầu tiên bảo vệ con tránh xa những clip có nội dung không phù hợp có thể “đầu độc” tâm hồn non trẻ.
Trước tiên, cha mẹ phải đặt ra giới hạn cho trẻ, thiết lập nội quy được sử dụng internet một ngày bao nhiêu giờ. Khi đặt ra nội quy, phụ huynh phải nghiêm khắc thực hiện với trẻ, không nuông chiều, nếu trẻ sử dụng nhiều hơn số giờ quy định sẽ bị phạt hoặc trừ vào hạn mức của lần sử dụng sau.
Bên cạnh đó, để hạn chế giờ sử dụng của trẻ, phụ huynh có thể thực hiện những thủ thuật như khi sử dụng phải mang ra không gian công cộng, nơi có nhiều người như ba mẹ, ông bà, cô dì, chú bác, không sử dụng ở phòng riêng.
Có thể đặt máy tính, iPad trên bục cao ngang ngực người lớn, khi trẻ muốn sử dụng, buộc phải đứng, như vậy sẽ giảm giờ dùng internet của trẻ trong vô thức vì không thể đứng được lâu. Không tạo điều kiện chỗ ngồi thoải mái để trẻ sử dụng thiết bị kết nối internet.
Nhà trường cũng có trách nhiệm phối hợp với phụ huynh nâng cao nhận thức cho học sinh về tác hại của những kênh giải trí thiếu lành mạnh, những chương trình không phù hợp với lứa tuổi và định hướng học sinh vào những hoạt động trải nghiệm có giá trị giáo dục trong thực tiễn.