Những vụ cháy vào thời điểm đêm khuya đến rạng sáng rất nguy hiểm, bởi vì người dân đang trong giấc ngủ say, khi phát hiện ra cháy thì đã muộn.
- Nạn nhân sống sót duy nhất trong vụ cháy nhà ở Hà Nội: Đã hướng dẫn người nhà cách thoát nạn nhưng vẫn không tránh được 'tử thần'
- Cận cảnh hiện trường vụ cháy khiến 4 người tử vong: Nhà có lối thoát khẩn cấp nhưng vẫn xảy ra sự việc đau lòng
Theo thông tin từ VTV, vụ cháy nhà ở kết hợp với kinh doanh vào rạng sáng ngày 15/1 tại phố Hàng Lược, Hà Nội đã khiến 4 người trong một gia đình thiệt mạng. Theo đó, vụ cháy bùng phát khoảng 4h40 ngày 15/1 tại căn nhà số 4 Hàng Lược, phường Hàng Mã, quận Hoàn Kiếm.
Ngay khi nhận được tin báo, Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy đã điều 7 xe chữa cháy chuyên dụng đến hiện trường. Căn nhà bị cháy là nhà dạng ống, diện tích sàn khoảng 20m2, cao 4 tầng, mặt tiền rộng khoảng 2m. Tầng 1 kinh doanh bán hoa tươi, từ tầng 2 trở lên sử dụng để ở.
Tầng 3 có cửa sổ kính mở trực tiếp ra mặt tiền, tầng 4 có lối thoát khẩn cấp ra ban công phía trước, có thể thoát được sang nhà bên cạnh. Thời điểm người dân phát hiện đám cháy thì lửa đã bùng lên khá mạnh.
Quá trình tổ chức chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ phát hiện 4 người (gồm 2 người lớn, 2 trẻ em) đã tử vong. Nguyên nhân được xác định do bị ngạt khói nhiều. Một phụ nữ sinh năm 1988 thoát nạn qua ban công tầng 4 sang nhà bên cạnh.
Trong vụ cháy này, các thành viên trong gia đình đã được trang bị những kiến thức và thao tác cần thiết khi có cháy nhưng từ lý thuyết tới hành động dường như là khác nhau.
Dẫn tin từ VietNamNet, một chuyên gia về PCCC&CNCH, những vụ cháy vào thời điểm đêm khuya đến rạng sáng rất nguy hiểm, bởi vì người dân đang trong giấc ngủ say, khi phát hiện ra cháy thì đã muộn.
"Tại các vụ cháy vừa xảy ra, phần lớn các ngôi nhà thuộc loại nhà ở kết hợp kinh doanh, có dạng nhà ống nên khi xảy ra hỏa hoạn rất khó để thoát ra ngoài. Thêm vào đó, ngọn lửa có điều kiện để lan nhanh, tạo ra nhiều khói, khí độc ảnh hưởng đến quá trình thoát nạn", vị chuyên gia PCCC&CNCH cho biết.
Cũng theo vị chuyên gia này, phần lớn các vụ cháy có nguyên nhân từ chập các thiết bị điện gây cháy. Đây là nhóm nguyên nhân xuất phát từ sự chủ quan của người dân trong sinh hoạt.
Vị chuyên gia PCCC&CNCH dẫn chứng, các thiết bị điện đã cũ nếu bật từ tối đến đêm sẽ tiềm ẩn nguy cơ xảy ra hỏa hoạn. Các thiết bị như pin máy tính xách tay, pin điện thoại... được người dân sạc qua đêm nhưng sử dụng các loại sạc, dây sạc kém chất lượng cũng có thể sinh ra chập, cháy.
"Người dân cần thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng các thiết bị điện trong gia đình để đảm bảo các thiết bị này hoạt động tốt; chủ động lắp các đầu báo cháy, báo khói để sớm phát hiện ra sự cố hỏa hoạn; tự trang bị thiết bị chữa cháy ban đầu để có thể tự xử lý đám cháy ngay khi phát sinh", vị chuyên gia nhấn mạnh.
Ngoài ra, vị chuyên gia cũng khuyến cáo, người dân nên có thói quen kiểm tra, tắt các thiết bị điện không cần thiết trước khi đi ngủ để hạn chế các sự cố chập, cháy không đáng có.